Ai Là Người Bị Ném Đá Trước?

06:12 16/05/2020

293

Tác giả:Lm John Nguyễn

Một phụ nữ 20 tuổi bỏ chồng ở Somalia đã bị đám đông khoảng 200 người ném đá tới chết, vì phạm tội ngoại tình. Môt người phân xử trong nhóm chiến binh Al-Shabab cho biết, người phụ nữ đã có quan hệ với một người đàn ông 29 tuổi chưa có vợ, cô ta có thai và sinh non. Đứa bé đã chết sau khi sinh. Người phụ nữ này bị chôn sống nửa người và dân chúng ném đá cho đến chết. Người bạn trai của cô thì bị phạt 100 roi theo luật của Hồi giáo ở niềm nam Somalia. Cái chết đau đớn của cô gái hai mươi tuổi, vì cô đã phạm tội ngoại tình, hay đúng hơn là cô ta đã phạm luật.Vì luật mà người ta ném chết một người không mang hận thù, không oán hận thì thật là nhẫn tâm.

Từ câu chuyện này có thể dẫn chúng ta đến gần với trang Tin Mừng hôm nay một cách sống động và thiết thực hơn. Vụ án xét xử người đàn bà phạm tội ngoại tình đã xẩy ra cách đây hơn hai ngàn năm tại vào buổi sáng sớm tại Đền Thờ khi dân chúng tuôn đến để nghe Chúa Giê-su giảng. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-siêu dẫn đến một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trước mặt Chúa Giê-su và nói: " Theo luật của Mô-sê, thì người phụ nữ này phải bị ném đá cho chết. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?". Họ nói thế nhằm muốn thử Chúa Giê-su xét xử thế nào?. Giết chết hay là cứu sống. Nếu Chúa Giê-su làm theo luật, thì Ngài đi ngược lại với những giáo huấn Ngài dạy là yêu thương và tha thứ. Còn nếu Ngài nói không, thì Ngài chống lại lề luật đã quy định. Trong lúc, họ nóng lòng chờ đợi câu trả lời của Chúa Giê-su, thì Ngài cúi xuống lấy tay viết trên đất. Họ cứ hỏi mãi nên Chúa Giê-su ngẩng đầu lên và bảo: " Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc ném đá trước đi." (Ga 8,7) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau chỉ còn người phụ nữ đứng trước mặt Ngài. Ngài bảo chị:" Tôi cũng không kết án chị đâu! Thôi, chị cứ về đi, và đừng phạm tội nữa."

Nhờ sự can thiệp của Chúa Giê-su, dân chúng không ném đá chị ta, Ngài cho chị ta con đường để sống, cho chị ta có cơ hội để làm lại cuộc đời. Ngài cứu sống chị ta qua dấu chỉ ơn tha thứ. Qua cách hành xử của Chúa Giê-su, chúng ta thấy rằng, Ngài muốn hướng con người tội lỗi biết nhìn về chính mình, để họ ăn năn sám hối trước khi họ kết tội anh em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền kết án con người. Khi con người kết án anh em mình, là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa.

Khi người Do thái dựa vào luật Môsê để kết tội người phụ nữ như thế, thì họ đã khóa chặt cuộc đời chị ta vào trong cái quá khứ tội lỗi, và không cho chị ta con đường để sống, họ muốn giết chết chị ta hơn là cứu sống. Có lẽ, chúng ta cũng cần xem lại trong cuộc đời của mình có khi nào chúng ta kết án, hay đóng đinh người khác trong cái quá khứ của họ?.Và khi chúng ta không thể tha thứ cho những lầm lỡ của người anh em mình, thì làm sao chúng ta có thể giải thoát được nỗi khổ đau của chính mình. Chúng ta cầu mong Thiên Chúa tha thứ cho chính mình, nhưng ngược lại chúng ta lại kết tội anh em.

Căn nguyên sâu xa tội lỗi con người là sự kiêu ngạo, chúng ta tự cho mình là đúng, là hoàn hảo, nên chẳng bao giờ thấy cái xà trong mắt của mình, nhưng lại thấy cái rác trong mắt anh em. Các kinh sư và người Biệt phái đi tìm bắt người phụ nữ ngoại tình. Thế còn người đàn ông ăn ở với cô ta ở đâu? Nếu không có người mua thì sao có người bán. Rõ ràng, có một sự bất công cho người phụ nữ. Thủ phạm là ai?. Phải chăng cũng chính là các ông ấy! Nên các ông bắt gặp cô ta tại trận. Cho nên, khi họ bắt tội của cô ta thì trong số đám đông đó, có ông cũng bị ném đá, vì tội đồng lõa với cô ta. Việc các ông bỏ đi vì lời của Chúa Giê-su đã đụng chạm tới chỗ sâu kín nơi cõi lòng của họ, nên họ đã bỏ đi. Kết thúc bản án có hậu giữa bên tố cáo và bị cáo, vì tất cả đều nhận ra tội lỗi và cách hành xử của mình. Chị ta là người hạnh phúc nhất vì được Chúa yêu thương và cứu sống với một quá khứ tội lỗi của chị. “Hãy đi và đừng phạm tội nữa!” Đó là một lời tha thứ, ẩn chứa một sự nhắn nhủ với đầy sự cảm thông và tình yêu rộng mở đối với một con người tội lỗi mà quả thật không ai có thể ngờ được ngay cả chính đương sự. Chính lời tha thứ đó như có một sức mạnh vô biên, không những đã hoán cải được tấm lòng chai đá của người đàn bà tội lỗi nầy mà còn làm mềm lòng những con người đang gắt gao lên án bà.


Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi. Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là như thế. Nhưng dường như con người lại không thể hiểu thấu tình yêu quảng đại này và thường chần chừ, do dự khi quyết định trao tặng một điều gì đó cho người khác trong khả năng của mình. Ân sủng của Thiên Chúa được ban tặng nhờ Đức Giêsu, Đấng đã vượt thắng sự sa ngã của Adam, là một minh chứng cho việc trao ban cách quảng đại. Ân sủng này chính là tình bằng hữu giữa con người với Thiên Chúa.

Tóm lại, đó là câu chuyện của hai ngàn năm trước, còn bây giờ thì sao? Có bao giờ tôi đã phạm tội ngoại tình không? Có ai nhìn thấy tôi phạm tội không?.

Đối với đời sống vợ chồng, tôi có chung thủy và giữ lời giao ước mà tôi đã thề hứa, hay tôi đang mang hình bóng nào đó không phải là vợ hoặc chồng của tôi.

 

 

Đối với đời sống đức tin, tôi có tuyên xưng Thiên Chúa là Cha, là Đấng cứu độ cuộc đời tôi, hay tôi cũng đang đi tìm tà thần nào khác ngoài Thiên Chúa!

Đối với tha nhân, tôi có rộng lượng, khoan dung, tha thứ, hay tôi chỉ xét đoán, ném đá và kết tội anh em mình.

Đối với chính mình, tôi có nhận ra tội lỗi để sám hối và trở về, hay tôi vẫn kiêu căng, tự phụ và cho mình là người công chính và ngủ yên trong tội lỗi.

"...Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết

Đống đá ngổn ngang. Chờ ai, chờ ai?

Chờ tay người, ném chết một người không hận thù.

Người ơi, vì đâu đọa đày nhau ?

"Ai... người vô tội ? Ai... người không tội ?

Hãy mạnh tay ném đá, ném đá, ném trước đi, còn đợi gì ?

Ai... người vẹn toàn ? Ai... người trong sạch ?

Còn chờ chi ? Ném chết ném chết, ném chết tội đồ nhân gian...!

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước

Sách cổ đã ghi: đống đá còn nguyên...."

(Song Ngọc- Chuyện người đàn bà 2000 năm trước)