Ánh Sáng Lời Chúa

02:48 16/05/2020

258

Tác giả:Lm John Nguyễn

"Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi " (Tv. 119)

Vào ngày 21 tháng 01 năm 2013, Tổng thống Obama đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai. Nghi lễ diễn ra rất long trọng và trang nghiêm, nhưng điều gây sự chú ý mạnh mẽ đến hàng triệu người theo dõi trong nghi lễ, đó là giây phút Tổng thống Obama đặt tay trên cuốn Kinh Thánh để nói lên lời thề hứa của ông trước dân chúng. Lời tuyên thệ đó được Tổng thống Mỹ phải đọc đúng từng chữ như sau: " Tôi long trọng thề rằng sẽ trung thành thực hiện chức vụ tổng thống Mỹ và sẽ dốc hết khả năng để giữ gìn, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp Mỹ" (I do solemnly swear that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States). Cử chỉ đặt tay trong lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đã nói lên ý nghĩa rằng, một chân lý, một hiến pháp phải được đặt trên nền tảng từ Thánh Kinh, vì Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa.

Đó cũng là lý do tại sao trong bài đọc I, thầy tư tế Esdras mang sách luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Đó cũng lý do tại sao trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về quê hương và đọc Thánh Kinh trong hội đường Nazareth. Ngài công bố năm hồng ân. Đó cũng lý do tại sao chúng ta phải đọc và nghe Thánh Kinh mỗi lần chúng ta đến nhà thờ để tham dự phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể. Và đó là lý do tại sao chúng ta nên đọc Kinh Thánh trong gia đình mỗi ngày vì Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa và là lương thực thiêng liêng làm bổ dưỡng cho tâm hồn của chúng ta mỗi ngày.

Vatican II nói với chúng ta rằng, Giáo Hội luôn luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính thân thể của Thiên Chúa (Dei Verbum § 11). Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (§ 103) lặp đi lặp lại cùng một điểm. Và chúng ta có tôn kính sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh?. Làm thế nào để chúng ta nghe được Lời Chúa? Chúng ta có cơ hội để nghe Lời Chúa mỗi khi chúng tôi tham dự thánh lễ. Sau đó, về nhà chúng ta cố gắng nhớ một số ý tưởng từ các bài đọc Kinh Thánh hay giải thích trong bài giảng để khơi lại trong tâm trí của chúng ta. Hãy tự hỏi, "Chúa nói với tôi điều gì?".

Giáo Hội dạy rằng, khi Thánh Kinh được công bố trong phụng vụ là chính Chúa Kitô đang nói (Sacrosanctum Concilium § 7). Chúa Kitô nói chuyện thông qua người đọc. Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu đang sử dụng giọng nói của con người để nói chuyện với tất cả chúng ta. Tất cả những điều Giáo hội dạy là nhằm nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của chúng ta.

Hàng ngày, chúng ta dành nhiều thời gian để đọc báo, xem phim, tin tức thời sự là nhằm giúp chúng ta không chỉ có thêm kiến thức và hiểu biết mà còn là món ăn tinh thần giúp cho chúng ta yêu cuộc sống hơn. Tuy nhiên, với sự bùng nỗ về thông tin truyền thông, chúng ta cần phải cân nhắc và chọn lựa cẩn thận, vì có những thông tin xấu làm ảnh hưởng đến tư tưởng và đạo đức con người và xã hội. Trong thực tế, Lời Chúa thì còn thiếu vắng trong đời sống gia đình và mỗi cá nhân, cho nên chúng ta vẫn có một khoảng trống rất lớn về sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Người ta vẫn thường đặt câu hỏi: Có Thiên Chúa không? Tại sao con người phải đau khổ?. Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô ta như sau: Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xẩy ra một thảm họa khủng khiếp?.Cô ta trả lời như sau: Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất đau buồn về điều đó. Nhưng từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, ra khỏi chính phủ và ra khỏi đời sống của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể mong Thiên Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta khước từ Thiên Chúa? Về những biến cố mới xảy ra như là: khủng bố, chiến tranh, bắn giết trong trường học v.v., tôi nghĩ rằng, mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc Kinh Thánh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý. Chính quyển Kinh Thánh dạy chúng ta: “Chớ giết người, chớ trộm cắp, nhưng hãy yêu thương tha nhân...”. Bây giờ, chúng ta lại tự hỏi: Tại sao chúng ta lại không có lương tâm, không phân biệt được thiện ác. Người ta có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình?. Khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta kết luận rằng: “Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy”. Cụ thể là cuộc thảm sát trường tiểu học Sandy Hook tiểu bang Connecticut vào ngày 14 tháng 12 năm 2012 vừa qua. Tên Adam Lanza, 20 tuổi, bắn và giết chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em, và sau đó hắn ta bắn chết mẹ mình và tự sát. Thật là đau buồn cho những gia đình có những con em bị chết một cách thảm thương và đau đớn như thế. Tổng thống Obama phải rơi lệ khi đọc lời chia buồn với gia đình nạn nhân. Thật kỳ lạ khi con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng, rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục. Thật kỳ lạ khi chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh dạy. Thật kì lạ khi chúng ta lại lo sợ người đời nghĩ sao về mình hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta.

Để kết thúc bài suy niệm Tin mừng hôm nay, chúng ta cùng đọc lại lời của Thánh Gregory viết: "Kinh Thánh là một bức thư tình được Thiên Chúa sai đến với dân Ngài trong đó chúng ta có thể cảm nhận được trái tim của Thiên Chúa." Xin Chúa cho chúng ta biết dùng thời giờ để đọc và lắng nghe bức thư tình yêu của Thiên Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Và Thánh Giêrônimô nói: "Thiếu hiểu biết về Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.". Xin Chúa cho chúng ta biết dùng Lời Chúa trong Kinh Thánh để chữa bệnh tật thể xác và tâm linh của chúng ta, nhờ đó, giúp chúng ta đối phó với những vấn đề của cuộc sống. Lời Chúa không tìm thấy một câu trả lời cho mọi vấn đề, nhưng chắc chắn sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Vì vậy, Esdras đọc sách luật của Cựu Ước cho người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem, và Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh trong hội đường Nazareth.