Ba Ngôi- Mầu Nhiệm Tình Yêu
03:24 16/05/2020
277
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần." Amen.
Mỗi ngày, chúng ta làm dấu rất nhiều lần trên mình và nó trở nên quen thuộc với mọi người chúng ta. Vì khi làm dấu thánh giá là lúc chúng ta tuyên xưng Chúa Cha-Con và Thánh Thần. Đồng thời, khi ta vẽ trên mình hình thánh giá thì cử chỉ đó có mối liên hệ giữa việc làm dấu thánh giá với lời tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là mầu nhiệm tình yêu.
Theo cách nhìn của con người, chúng ta thường diễn tả hình ảnh Thiên Chúa Cha giống như một " Ông già" có râu dài, bên hữu là Chúa Giê-su và ở giữa là hình chim bồ câu chỉ về Chúa Thánh Thần. Tôi thiết nghĩ, đó chỉ là hình ảnh biểu trưng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh đó có thể giúp chúng ta dễ dàng hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy khó hiểu từ ngữ thần học về tín điều Một Chúa có Ba Ngôi. Ba Ngôi có Một Chúa. Thật vậy, chúng ta không thấy Kinh Thánh định nghĩa Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, bởi vì, mầu nhiệm Thiên Chúa không mạc khải bằng hình thức theo con số, nhưng là do các sự kiện đã xẩy ra để diễn tả về Thiên Chúa. Người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (Đnl.6, 4). Ngài là Người Cha và là Chúa của dân tộc Israel ( Tv 67,6 ; Is 63, 16). Cựu ước đã không mạc khải cách minh nhiên Ba Ngôi trong Thiên Chúa.
Tuy nhiên, trong các sách Tin mừng, chúng ta nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giê-su, chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16,15). Thiên Chúa Đấng Siêu Việt vượt ra khỏi trí hiểu của con người, và là Đấng vượt trên tất cả. Isaac Newton là một nhà toán học và khoa học vĩ đại. Khi về cuối đời, ông ta viết: “Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hay một vỏ sò xinh đẹp hơn tôi thường gặp, trong khi đó, cả một đại dương bao la của chân lý, tôi vẫn chưa khám phá và đang trải ra trước mắt tôi". Khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ mới bắt đầu. Chúng ta vẫn chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển.
Như vậy, chúng ta có thể nói với nhau rằng, ngôn từ là phương tiện để diễn tả về chân lý mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, mà các nhà thần học gọi là tình yêu nhiệm xuất. Có nghĩa là Cha sinh ra Con, và Thánh Thần xuất từ Cha và Con. Như người mẹ sinh ra đứa con, thì người mẹ cũng cần phải chấp nhận để đứa con ra khỏi mình, bà mẹ phải đau đớn, nhưng trong nỗi đau ấy thì có một niềm vui lớn hơn vì có một đứa con ra đời. Một đứa con là niềm vui lớn lao cho người mẹ trong cõi đời. Từ hình ảnh đó có thể giúp cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được gắn liền với cây thập giá. Đó là niềm vui sáng tạo trong ơn cứu độ. Sứ mạng của Chúa Giê-su là làm theo thánh ý của Chúa Cha. Ngài nói: " Xin đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha". Ngài phó thác sự sống trong tay Chúa Cha:" Con phó thác sự sống trong tay Cha" và kêu lên rằng: " Abba". Trong nỗi đau tột cùng, Ngài cũng phải thốt lên rằng" Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ con". Đến khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài hoàn toàn phó thác sự sống trong tay Chúa Cha, và trong hơi thở và sự sống ấy, Chúa Giê-su trao lại cho Giáo hội và cho nhân loại hôm nay.
Mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi chính Người Con yêu của Ngài là Đức Giê-su đã xuống thế làm người và chết cho nhân loại, nhờ đó con người được phát sinh sự sống mới, chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội hôm nay. Cho nên, khi chúng ta làm dấu và vẽ hình thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bởi vì, nơi cây thánh giá là mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi vị được tỏ ra trọn vẹn nhất. Nói theo ngôn ngữ thần học, chúng ta không biết đời sống nội tại của Thiên Chúa là gì, nhưng chúng ta biết được Thiên Chúa là vì, Ngài tỏ ra bằng hành động cứu độ bên ngoài, chính cây thánh giá là đỉnh cao của sự tỏ ra bên ngoài ấy cho chúng ta. Cho nên, chúng ta xác tín rằng, với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo hội cho chúng ta thấy Chúa Cha là tình yêu cứu chuộc, Chúa Con là tình yêu chịu đóng đinh và Chúa Thánh Thần là sức mạnh trên cây thập giá.
Mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhân danh tình yêu Chúa Ba Ngôi với tình yêu như thế, thì nó sẽ không còn là dấu ấn của hận thù, ghen ghét, ích kỷ nữa mà là trở nên dấu ấn của tình yêu, khoan dung và tha thứ. Cho nên, dấu thánh giá được gắn liền với cuộc sống hằng ngày và làm cả đời. Đồng thời, khi ta làm dấu thánh giá trên mình, nhắc nhớ rằng, chúng ta không thoát khỏi thập giá của đời mình. Nó không phải là cây thánh giá bằng gỗ mà là thập giá đau khổ của đời sống nội tâm, của kiếp người mang đầy vết tích của tội lỗi, mà chúng ta cần dứt ra khỏi mình để đến với người khác. Khi dứt bỏ tham vọng, đam mê tội lỗi và cái tôi chật hẹp ích kỷ là một hành trình rất đau đớn, nhưng đằng sau sự đau đớn đó thì tâm hồn được Chúa chữa lành và giải thoát, nhờ đó, chúng ta nhận được sức mạnh tình yêu Thiên Chúa thật là tuyệt vời.
Khi suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như là một mầu nhiệm, thì không phải là trò chơi của lý trí, nhưng là để tìm ra ánh sáng cho đời sống đức tin của chúng ta. Ánh sáng ấy thấm đượm tình yêu cứu thoát nơi cây thập giá, và chúng ta nhận được tình yêu đó trong đời sống đức tin của mình đối với tha nhân trong tình yêu Chúa Ba Ngôi.
Lạy Chúa, mỗi lần con làm dấu, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con. Và mỗi khi con làm dấu thánh, xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong trái tim của con. Amen.