BÁNH HẰNG SỐNG

02:08 16/05/2020

310

Tác giả:Maria Hạnh Dung

Trong ngày vui của mùa hè, mọi người sum họp nơi đây để tham dự thánh lễ, dâng lên Chúa lời kinh tạ ơn và trao cho nhau tình thân ái. Vì vậy, thánh lễ hôm nay mang bầu khí rất đặc biệt trong tình liên đới giữa các cộng đoàn dân Chúa, hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến cộng đoàn Do thái ngày xưa trong sa mạc khi họ tụ họp lại để nghe lời Chúa và được ăn Manna từ trời. Và tôi tin chắc rằng, sau thánh lễ này mọi người chúng ta cũng sẽ được ăn bánh no nê từ bàn tay của con người.

Từ việc sinh hoạt ăn uống của con người, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đi vào của ăn thiêng liêng, sự sống bất diệt, mà Ngài đã công bố: “Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống”. Và chính từ câu nói này đã xẩy ra một cuộc tranh luận và phản đối gây gắt giữa những người Do-thái với Chúa Giê-su với những lý do sau đây:

1.Theo quan niệm của người Do-thái, họ cho rằng, Chúa Giê-su chỉ là một con người thì làm sao có thể cho họ ăn được. Vả lại, họ biết rõ Ngài là con của Mẹ Maria và thánh Giuse làm nghề thợ mộc, nghèo rớt mồng tơi, có hơn gì ai. Họ mang não trạng và thành kiến về nhân tính của Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su xưng mình là Con Thiên Chúa thì bị họ ném đá, và họ cho là phạm thượng. Với con mắt phàm trần thì không ai chấp nhận được, ăn thịt người thì khủng khiếp quá. Ấy thế mà Chúa Giê-su bảo: “Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ sống đời đời”.  

2. Trong thời đại của Chúa Giê-su, dân Do-thái không dám ăn thịt heo, vì họ cho rằng, thịt heo là thứ ô uế, dơ bẩn. Có lần quỷ nhập vào đàn heo, nên đã bị xô xuống biển cho chết, nói chi ăn thịt người là điều không tưởng tượng được, ngay cả người phụ nữ sau khi sinh con cũng không được vào đền thờ, họ giữ luật thanh sạch rất chặt chẽ và khắc khe.

Với những quan niệm và phong tục của người Do-thái lúc bấy giờ, thì họ có lý do để phản đối Chúa Giê-su. Nhưng, họ chỉ nhìn Ngài bằng con mắt phàm trần, và họ bị đóng khung trong não trạng trần tục của con người. Cho nên, Chúa Giê-su mới nói với họ rằng: “ Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy, và tôi sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết, ai tin sẽ được sống đời đời”.

Như vậy, chúng ta thấy Bánh của Chúa Giê-su ban tặng không phải là của ăn vật chất, mà là của ăn thần linh chữa lành tâm hồn con người bằng chính Mình và Máu của Ngài qua cái chết trên thập giá để cứu chuộc con người. Tấm Bánh đó được thiết lập bằng máu và bằng giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa với con người. Chúa Giê-su là Tấm Bánh, là Hy tế và là Chiên Thiên Chúa được thiết lập và tái diễn trên bàn thờ trong thánh lễ.

Một Phép Lạ Thánh Thể được ghi trong sử liệu của Giáo Hội Công Giáo đã xẩy ra tại nhà thờ Santa Maria del Vado vào Chúa Nhật Phục Sinh 26-3-1171. Chủ tế Thánh Lễ hôm ấy là Cha Pietro di Verona, một Linh Mục thánh thiện, và có một số Linh Mục khác cùng đông đảo giáo dân đến tham dự. 

Sau lời truyền phép, vị chủ tế giơ cao Mình Thánh Chúa cho giáo dân thờ lạy, thì bỗng toàn thể cộng đoàn trông thấy rõ ràng hình ảnh Đức Chúa Giê-su Hài Đồng xuất hiện trong Bánh Thánh. Thánh Lễ được tiếp tục trong sự xúc động sâu xa của toàn thể cộng đoàn. Sau đó, vị chủ tế cầm lấy Bánh Thánh và bẻ ra làm đôi, bỗng Máu Thánh Chúa tuôn chảy ra từ Bánh Thánh. Mọi tín hữu có mặt đều kinh ngạc và khiếp sợ.  

Phép lạ Máu Thánh tuôn ra từ Bánh Thánh là nhằm trả lời cho những người Do Thái lúc ấy đang có mặt tại thành Ferrare. Vì họ chế nhạo, xúc phạm và không tin Chúa Giê-su hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể. Chính Đức Cha Amato đích thân đến ngay nhà thờ Santa Maria del Vado, ngài đã chứng kiến hiện tượng diệu kỳ này, và ngài long trọng tuyên bố trước toàn thể các tín hữu: “Quả thật, chính Thiên Chúa đã làm một điều kỳ diệu!”.

Còn chúng ta thì sao? Mỗi khi tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa, chúng ta có xác tín rằng chính Chúa là thần linh, là sự sống đời đời cho chúng ta không?. Và chúng ta có là tấm bánh bẻ ra anh chị em của mình không? Chúng ta đi tìm Chúa Giê-su để làm gì?.