Biến Hình Trên Núi Tabor
02:53 16/05/2020
308
Trong khung cảnh của bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đưa Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê lên núi Tabor. Trong lúc cầu nguyện Chúa Giê-su đã biến hình, dung nhan Ngài sáng như mặt trời, y phục Ngài trở nên trắng tinh chói lòa. Và có Mô-sê và Ê-li-a đàm đạo với Người. Phê-rô và đồng bạn đã nhìn thấy vinh quang của Chúa Giê-su. Lúc ấy, Phê-rô ngạc nhiên quá, nói với Chúa Giê-su: " Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê và một cho Elia. Lập tức từ trong đám mây phán ra: " Đây là Con Ta yêu dấu Ta hài lòng về Người".
Qua diễn tiến cuộc biến hình của Chúa Giê-su trên Núi Tabor, các tông đồ đã chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa qua Người Con của Ngài là Chúa Giê-su, lời phán đó được phán ra từ Thiên Chúa Cha. Từ cuộc biến hình này, Chúa Giê-su muốn cho các tông đồ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời, nhắc cho các tông đồ nhớ lại lời của Ngài về cuộc khổ nạn và phục sinh trong vinh quang của Ngài.
Chúa Giê-su biến hình không giống như các nhà ảo thuật biến hình, hay Tôn Ngộ Không từ cái này biến thành khác. Nhưng biến hình của Chúa Giê-su là để mặc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa. Chính các tông đồ đã chứng kiến biến cố này trên núi Tabor. Đây cũng là cơ hội để giúp cho chúng về giá trị nền tảng đời sống đức tin của mỗi người chúng ta về sự vinh quang của Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới kỹ thuật số, nó đang làm biến đổi thế giới và đời sống con người. Hơn nữa, nó chi phối tất cả tư tưởng và lối sống con người bởi ý tưởng muốn được thay đổi thế giới và con người.
Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này". Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.” Giờ đây, tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: "Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con." Và ông kết luận: "Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời". (Anthony de Mello, Trích trong “The Song of the Bird”)
Những lời câu nguyện trong câu truyện có thể gợi lên cho chúng ta những ý tưởng sâu sắc về giá trị của việc thay đổi. Sự thật, chúng ta muốn thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, muốn người chồng, người vợ, con cái trong gia đình biết yêu thương nhau hơn, muốn người chung quanh đối xử tốt mình v.v., nhưng rồi mọi thứ vẫn chẳng có gì tiến triển, nó vẫn tồn tại và có khi trở nên tồi tệ hơn.
Điều đáng tiếc là chúng ta quên thay đổi chính mình. Cho nên, chúng ta vẫn còn ngủ mê bởi lối suy nghĩ tiêu cực về tha nhân hơn là tự nhận ra con người yếu đuối tội lỗi của mình. Thánh Phao-lô nói trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê như sau: " Quê hương chúng ta ở trên trời. Người có quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl3,21).
Lạy Chúa, xin cho chúng con dùng thời gian của Mùa chay thánh này để thay đổi chính mình với những tính hư tật xấu của chúng con, biết quay trở về cùng Chúa sau những lần vấp ngã tội lỗi, và chúng con là những người con hoang đàng trở về nhà Cha để được chữa lành vết thương và được Cha yêu thương.