Bình An Của Chúa
06:16 16/05/2020
311
"Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy'" (Ga 14,23)
Cuộc sống con người ngày nay có quá nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng. Sợ vì bị thất nghiệp, sợ vì chiến tranh, sợ bệnh tật, sợ nợ chồng chất, sợ mất nhà cửa, sợ mất người yêu, sợ bị kẻ thù hãm hại.Từ những sợ hãi đó, chúng ta không có được sự bình an. Cuộc sống không có được bình an thì trở nên đau khổ.
Câu truyện "Em bé napalm"- Phan Thị Kim Phúc đã làm rung động hàng triệu trái tim, do nhiếp ảnh gia Nick Út ghi lại khoảng khắc đau thương của một bé gái Việt Nam, 9 tuổi, trần truồng đang chạy hoảng loạn sau trận bom đổ xuống tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Theo lời chị thuật lại: "Lúc đó là khoảng 2 giờ chiều một ngày tháng 6.1972, tại làng Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh bùng cháy với những đợt bom napalm giội xuống. Tôi cùng những đứa trẻ khác cố chạy thoát, nhưng hai người anh sinh đôi của tôi đã chết tại chỗ… Rất đau lòng. Tôi nghe thấy tiếng bom nổ, rồi đột nhiên lửa bùng lên quanh tôi. Quần áo tôi bị lửa thiêu trụi. Tôi bỏ chạy trên đường và lọt vào ống kính của chú Út. Tôi được chú Út đưa đến một bệnh viện nhi đồng của Mỹ cứu chữa....”
Khi lớn lên chị rất đau khổ, nhìn thấy cơ thể dị dạng của chị, chị căm thù chiến tranh đã gây ra thương tích cho chị và cho gia đình của chị. Chị đã phải trải qua thời gian khá lâu để có thể lành vết thương tâm hồn. Sau đó, chị được đến Cuba để học và găp người bạn đời của chị. Năm 1992, chị và chồng rời Cuba đến định cư ở Canada. Tại đây, tổ ấm của họ đã được vun đắp và chào đón hai cậu con trai. Khi hỏi chị ký ức về “Em bé năm xưa” và những ngày đau đớn do bị bỏng bom napalm, chị Kim Phúc trải lòng: "Đừng nghĩ rằng cô bé khóc vì đau và sợ hãi mà hãy nghĩ rằng, cô ấy đang khóc vì khát vọng hòa bình. Kim Phúc cho biết thêm, khó khăn nhất đối với chị không phải là vượt qua những đau thương, mà chính là tha thứ cho những người đã bỏ bom ngôi làng và gây ra cho chị nhiều nỗi khổ đau. Chị nói: "Mọi người cũng muốn biết tôi sẽ trách cứ những ai và với những gì đã gây ra cho tôi, nhưng tôi không thể giữ mãi hận thù trong lòng. Cuộc sống đã dạy tôi hiểu rằng, tha thứ còn mạnh hơn bất kỳ vũ khí chiến tranh nào”.
Năm 2008, chị đã có bài phát biểu ấn tượng trên đài phát thanh quốc gia Canada có tên " Đường Dài Tới Sự Tha Thứ: "Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể và mỗi ngày vẫn đau đớn vô cùng, Nhưng trong trái tim tôi đã được chữa lành. Bom napalm công phá mạnh mẽ, nhưng lòng tin, sự tha thứ và tình yêu còn lớn hơn thế. Chúng ta sẽ chẳng có chiến tranh, nếu mọi người đều có thể học cách sống với tình yêu chân thành, hy vọng và sự tha thứ. Tôi luôn biết ơn những người đã cho tôi sự sống, giờ tôi có thể chấp nhận bức ảnh đó như là một món quà đầy sức mạnh. Tôi có thể làm việc với nó vì hòa bình".
Từ kinh nghiệm đau thương và mất mác của Kim Phúc, chúng ta có thể nói với nhau rằng, chúng ta không có được sự bình an, chính là do lòng hận thù, ganh ghét, hơn thua, tranh giành. Bình an có được chính là sự khoan dung và tha thứ cho nhau. Như lời Chúa dạy chúng ta" Các con hãy tha thứ cho những kẻ làm hại mình, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em" (Mt 5, 44). Chúng ta không nói yêu Chúa mà lại ghen ghét anh em mình.
Một trong những lý do chúng ta không có thể tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, vì chúng ta chỉ nhìn vào những sai lầm, khuyết điểm của họ, để rồi kết án, đóng đinh họ. Bởi chúng ta thường mắc phải bởi tính tự mãn, tự kiêu, tự tôn và tự cho mình là người công chính và hoàn thiện. Nếu chúng ta khiêm tốn đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa, thì chúng ta sẽ nhận ra con người thật của mình, nhờ đó ta có thể dễ dàng tha thứ cho người khác. Và trên hết mọi sự, tha thứ đòi hỏi phải có lòng yêu thương, bác ái và muốn người khác trở nên hoàn thiện. Tha thứ là cánh cửa mở ra sự bình an và cho Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn. Chúa Giê-su nói: " Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy." Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta bình an đích thực, không phải thứ bình an theo kiểu thế gian ban tặng, nhưng bình an đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta.
Thật vậy, khi Chúa Giê-su rời khỏi thế gian này, Ngài chỉ để lại cho các môn đệ lời chúc bình an. Thầy ban bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến và sợ hãi. Chúng ta sợ hãi và lo lắng bởi vì chúng ta chưa đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Như lời Thánh Phao Lô nói: " Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng tỏng mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô." (Pl 4,6-7).
Một người sống bình an, người đó phải có cái tâm thiện, sống công chính, bình an không thể có trong một tâm hồn giả dối, lọc lừa gian ác. Chúng ta vẫn nghe nói, người giàu cũng khóc là thế. Bình an không thể mua bằng tiền. Bình an là một ân ban từ Thiên Chúa. Chính Chúa ban bình an cho chúng ta. Chúa Giê-su nói với Phê-rô rằng: " Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ ". (Mt 14:27). Chúng ta lo sợ vì chúng ta còn bám víu nhiều thứ của cải thế gian. Ta lo buồn vì ta muốn có được nhiều hơn là mất đi, nên đời ta cứ mãi đắm chìm trong đam mê, tìm kiếm bởi của cải, quyền lực và lạc thú giả tạo chóng qua.
Thực hành: 4 từ chia khóa để có được bình an trong cuộc sống khi gặp thử thách và bất an.
1/ Cầu nguyện
2/ Tạ ơn Chúa và tạ ơn người.
3/ Suy nghĩ những điều tính cực
4/ Lắng nghe Lời Chúa để chấp nhận và vâng theo thánh ý Ngài.
Lạy Chúa, xin Chúa cho mọi người chúng ta biết tìm nơi Chúa là nguồn bình an đích thực. Như lời Chúa Giê-su đã hứa: " Thầy sẽ ban bình an cho anh em".
Nếu nói nước Trời là sự bình an, vui tươi và hạnh phúc, thì chính giây phút chúng ta tha thứ cho nhau, đó là Nước Trời, vì chúng ta sống trong sự hòa giải, yêu thương và tha thứ cho nhau thì nơi đó có Thiên Chúa, Ngài ban tặng bình an cho chúng ta.