Bình An Trong Tâm Hồn

01:49 16/05/2020

370

Tác giả:Lm John Nguyễn

Hôm nay, chúng ta hãy đồng hành và đi cùng với hai môn trên đường Emmau để nhìn thấy Chúa Giê-su hiện ra trong đời sống của mình, và thấu hiểu hơn về Tin mừng Phục sinh được thánh Luca thuật lại. Emmau là một vùng đất thuộc palestine (từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên nơi đây là một thành phố), cách Jerusalem khoảng 30 cây số về phía tây, nằm trên ranh giới giữa vùng Judea và Ajalon. Ngày nay vùng đất thánh Emmau được định vị giữa Jerusalem và thành phố Tel Aviv. Emmau luôn mở cửa đón tiếp khách hành hương.

 

Tiếp nối hành trình đức tin qua biến cố Phục sinh, hai môn đệ trên đường Emmau trở về, khi các ông còn đang nói về Chúa phục sinh, thì Đức Giê-su hiện ra đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !"  Các ông sợ hãi, họ tưởng là thấy ma. Chính các tông đồ cũng sợ ma, cho nên, Chúa Giê-su mới nói : "Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Khi các ông còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : "Ở đây anh em có gì ăn không ?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Khởi đi từ biến cố trên đường Emmau, khi hai môn đệ gặp được Chúa, thì tâm trạng của họ đã hoàn thay đổi, thay vì sợ hãi, lo âu, hoang mang thì biến thành niềm vui, hân hoan và can đảm. Vì họ có được ơn bình an của Chúa ban tặng. Như vậy, sự bình an là  điểm nhấn trong bài Tin mừng hôm nay. Ơn bình an đó không chỉ cho các tông đồ đi theo Chúa, mà là rất cần thiết trong cuộc sống con người ngày hôm nay.

 

Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta nghe vị linh mục nói: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau; thánh lễ đã xong chúc anh chị em đi bình an”. Như vậy, việc làm này có ý nghĩ như thế nào?. Có lẽ, vì làm theo thói quen, nên chúng ta cảm thấy không quý trọng đủ, nhưng lại là một việc làm mang tính thiêng liêng và quý giá. Qua cái bắt tay, một lời chào, một nụ hôn trao cho nhau, người ta có thể mang lại sự bình an cho nhau. Tất cả những cử chỉ đó nói lên tình liên đới, hiệp thông trong tình yêu thương của Đức Kitô nối kết chúng ta lại với nhau, và xóa đi khoảng cách nghi ngờ đố kỵ. Nếu chúng ta thật sự muốn mang lại bình an cho chính mình và cho tha nhân.

 

Sỡ dĩ, chúng ta không có bình an là vì cái tôi quá lớn, chủ nghĩa cá nhân thống trị, thì làm sao có Chúa hiện diện trong một tâm hồn kiêu căng, tự mãn. Thay vì, tha nhân là cứu cánh cho mình, thì coi tha nhân là địa ngục thì làm sao ta có được sự bình an. Kẻ thù của bình an là lòng hận thù, ghen ghét, hơn thua, lọc lừa và dối gian, vì vậy, mới sinh ra đau khổ, mới có chiến tranh và chết chóc. Một tâm hồn bấn loạn, bất an thì làm sao có hạnh phúc, và tệ hại hơn là làm cho người khác phải liên lụy. Lòng hận thù là loại thuốc độc gây ra bất bình an, chia rẽ, bạo động và chiến tranh.

 

Để minh họa cho ý tưởng này, tôi xin mượn câu truyện về tấm ảnh của Kim Phúc, cô bé 9 tuổi đã đi vào lịch sử về chiến tranh Việt Nam đã xẩy ra tại Trảng Bàng, TỉnhTây Ninh, do phóng viên ảnh Níck Út chụp năm 1972 đoạt giải Pulitzer. Hiện nay, cô Kim Phúc là một trong 6 người phụ nữ được tôn vinh bởi những đóng góp của mình theo thiện chí của UNESCO. Năm 1996, Kim Phúc được mời dự buổi lễ kỷ niệm ngày cựu chiến binh ở đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C. chị đã kể lại những ngày tháng đau thương khi bị bom nalpam đã tàn phá thật là khủng khiếp. Trên gương mặt và thân thể thì không còn là hình tượng của một con người nữa, chị không nghĩ là mình có thể sống được, nhưng với nhờ sự tận tâm của các bác sỹ, với 14 tháng ròng sống trong đau khổ và 17 lần phẩu thuật. Nhiều lần muốn chết đi, nhưng có một sức mạnh thẳm sâu đã giúp chị vượt qua sự chết. Kim Phúc còn cho biết thêm, sự đau khổ lớn nhất không chỉ là đau đớn của thể xác mà còn là sự tha thứ cho những người đã gây ra cho chị những vết thương và nhiều đau khổ. Kết thúc bài nói chuyện tại buổi lễ tôn vinh giải thưởng, Kim Phúc nói rằng: “ Mọi người muốn biết tôi trách cứ những ai và những gì đã gây ra cho tôi, nhưng tôi không thể giữ mãi sự hận thù trong lòng. Cuộc sống đã dạy cho tôi hiểu rằng, tha thứ còn mạnh hơn bất kỳ vũ khí chiến tranh. Mọi người đừng nghĩ rằng, cô bé khóc vì đau đớn và sợ hãi mà hãy nghĩ rằng, cô ấy đang khóc vì khát vọng hòa bình”.

 

Tôi thiết nghĩ Kim Phúc nói lên thông điệp này, thì chính cô ta đã có một cảm nghiệm sâu sắc về sự cần thiết của bình an trong tâm hồn. Và chúng ta càng thấm thía hơn lời Chúa dạy: “ Các con hãy tha thứ cho những kẻ làm hại mình, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ anh em”. Tuy nhiên, trong thực tế, với bản ngã của con người chúng ta không dễ dàng tha thứ cho người xúc phạm đến mình. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra tội lỗi của mình, nhận ra lòng yêu thương của Chúa. Khi tâm hồn của chúng ta thật sự có Chúa hiện diện, thì chúng ta không còn sợ hãi, ghen tương,hận thù, ích kỹ, tính toán, hơn thua..., nhưng thay vào đó là tình thương, hòa giải, hiệp nhất và bình an. Bằng chứng là khi các môn đệ gặp được Chúa hiện ra và đàm đạo trên đường Emmau, thì các ngài đã được biến đổi, và có được sự bình an và hoan lạc. Một sức sống mới, một tinh thần mới, các ngài đã trở nên can đảm dấn bước đi theo Chúa Giê-su, và làm chứng cho Tin mừng Chúa Phục sinh.

 

Tóm lại, nếu nói Nước Trời là sự hoan lạc, bình an, yêu thương và tha thứ thì chính những giây phút người ta tha thứ và yêu thương nhau thì Nước Trời ngự trị trong tâm hồn chúng ta. Như lời kinh hòa bình vang lên trong cõi lòng chúng ta: “ Chính lúc thứ tha là kinh được tha thứ. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...” Hành trình nơi dương thế của mọi người chúng ta là tìm kiếm Nước Trời, thì giờ đây chúng ta hãy xây dựng Nước Trời bằng sự bình an và hòa bình cho nhau. “Bình an cho anh chị em”.