CÂM ĐIẾC THỜI NAY

01:27 19/05/2020

363

Tác giả:Lm John Nguyễn

Con gái tự tử vì cha bị câm điếc.  Lời tâm sự của cô gái có người cha bị câm điếc.“Ước gì tôi có một người cha tốt hơn, một người cha không nói bằng tay.” cô không bị gọi là “Con của lão câm điếc” hay nhận những cái bạt tai, xô đẩy đầy bạo lực của đám bạn cùng lớp.


Cô gái có người cha bị câm điếc bẩm sinh nên cha cô không thể nghe và nói như người bình thường mà chỉ có thể giao tiếp bằng tay. Điều đó khiến cô gái luôn cảm thấy xấu hổ và tủi thân với bạn bè, cô bị trêu chọc về người cha câm điếc. Cô đau đớn với những giọt nước mắt đau buồn rầu, Nơi sâu thẳm trong tâm hồn, cô chỉ ao ước cha mình giống như những ông bố bình thường khác, một người có thể hiểu được ước muốn và nỗi sợ hãi của con gái.


Dù bị câm điếc, người cha luôn dành cho cô một tình yêu vô điều kiện. Ngày ngày, ông tần tảo bán hàng rong nuôi cô ăn học, luôn tự hào khoe với mọi người về đứa con đáng yêu xinh xắn, luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho cô, bảo vệ cô khỏi những kẻ xấu. Thế nhưng, chẳng bao giờ cô cảm thấy điều ấy là đủ, đủ để lấn át những tổn thương và tủi nhục chúng bạn gây ra cho cô, đủ để xóa nhòa đi những vết rạn trong tâm hồn về một người cha khuyết tật không như mong muốn. Đã rất nhiều lần, cô bật khóc nức nở, ngồi một mình trong phòng gặm nhấm những đau khổ và tuyệt vọng về cuộc sống.


Sự tự ti và xấu hổ ấy càng khiến cô không cảm nhận được tình yêu của người cha, không muốn lắng nghe những tâm sự tận đáy lòng cha, không muốn nghe những lời yêu thương mà cha dành cho mỗi khi đưa cô đến trường, mỗi khi hai cha con cùng nhau ăn cơm trong căn nhà nhỏ. Cô chỉ cảm thấy sự khó chịu và chán nản. Cô không biết rằng, hành động này như những vết dao cứa vào trái tim cha cô, từng ngày, từng ngày. Ông ta cũng rất đau buồn vì thái độ chống đối của con gái.


Đến ngày sinh nhật của cô con gái, người cha rất vui mừng mua tặng cô chiếc bánh sinh nhật, háo hức tập ngôn ngữ tay để biểu đạt những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho cô. Ông viết: “Con gái à, bố xin lỗi vì sinh ra đã bị câm điếc, bố biết con rất buồn. Bố xin lỗi đã làm con xấu hổ với bạn bè. Bố xin lỗi vì bố không thể nghe nói được như những người bố khác. Nhưng bố yêu con bằng cả trái tim của bố…”


 Thế nhưng, niềm vui đơn giản ấy chưa kịp, thì đã vội tắt khi ông nghe tiếng động trong phòng cô con gái, đập tay vào cánh cửa phòng ngủ của cô mà không một âm thanh phản hồi. Rồi ông chết lặng đi khi biết con gái ông đã cắt cổ tay tự tử.
Trong những giọt nước mắt hoảng loạn, ông vội vã chạy đến bệnh viện, đưa con vào phòng cấp cứu… Vừa nhìn bác sỹ, ông vừa kêu lên đầy đau đớn, và biểu đạt những ngôn ngữ cơ thể: “Xin đừng để chuyện gì xảy ra với con gái tôi, nó không thể chết”. Ông không thể nói không thể nghe, nhưng tình yêu thương con trong ông không bao giờ chết. Ông mếu máo ra hiệu với bác sỹ. “Hãy lấy máu của tôi”. Cuối cùng, người cha ấy đã cứu sống con gái bằng chính dòng máu của ông. Cô gái tỉnh dậy nhìn thấy cha nắm lấy bàn tay cô. Và cô đã bật khóc trong nghẹn ngào: “Không có người cha hoàn hảo, nhưng cha luôn yêu bạn bằng cách hoàn hảo nhất.” 


Có bao giờ chúng ta xấu hỗ về người cha của mình không? Và tôi nhớ đến cha tôi. Ông là một người cha bình thường như bao người cha khác, yêu thương tôi giống như cách mà mọi người cha trên đời vẫn yêu thương con gái của mình. Còn tôi, vẫn có những khi làm tổn thương cha, làm cha buồn lòng. Tôi nhiều lần không nghe lời cha khi ông dạy cho tôi một điều gì đó. Bởi tôi cho rằng, đó là những thứ đã lạc hậu và không chịu tin theo. Tôi đã không nhìn thấy nỗi buồn nơi khóe mắt cha mỗi khi tôi như thế. Và ông thường chỉ im lặng nhìn tôi tự làm theo ý mình. Đừng bao giờ để sự vô tâm làm tổn thương trái tim bao la vĩ đại của cha. Và đừng bao giờ cất giấu những yêu thương trong lòng, vì có lẽ cha đã chờ rất lâu để nghe những điều đó. Đừng bao giờ để nỗi buồn đọng trên khóe mắt cha.


Điều tôi muốn chia sẻ với mọi người hôm nay, Chúa Giêsu cũng như người cha yêu thương đứa con gái của mình. Dù nó vô tâm, vô tình, chống đối, không hiểu nỗi khổ của cha, nhưng người cha vẫn không bao giờ bỏ nó, Ông muốn chết thay cho đứa con gái mình. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót được biểu hiện bằng chính việc làm cho người bị câm điếc.


Khi Chúa Giêsu chữa người bị câm điếc thì Ngài không chỉ tháo cởi cho anh bệnh tật thể xác mà là cho gia nhập đời sống cộng đoàn, bởi những lời nguyền rủa và phán xét của những người chung quanh. Sự kỳ thị của công cộng và quan niệm của họ về bệnh tật thời bấy giờ. Bệnh tật là một sự trừ phạt của Thiên Chúa. Cái đau đớn nhất của anh ta không chỉ là tật nguyền thể lý, nhưng là đời sống tinh thần, anh ta bị bỏ rơi, bị loại trừ ra khỏi cộng đoàn.


Chúa Giêsu là phép lạ cho anh ta nói được, nghe được người khác, Ngài đã mở cho anh ta cánh cửa của niềm tin, hy vọng. Cuộc đời anh ta bước sang một trang mới, xóa đi mặc cảm, kỳ thị và hiểu được người khác. Đó là một điều tuyệt vời cho người câm điếc. Qua đó, mọi người nhận ra Chúa Giê-su là Đấng đầy quyền năng chữa lành các bệnh tật mà con người không thể làm được. Phép lạ xẩy ra để cho họ nhận ra Ngài là Đấng Messia, Đấng cứu độ thế gian. Ây thế mà họ vẫn không nhận ra. Đó là thứ câm điếc tinh thần. Một thứ câm điếc không phải là thể lý mà là tinh thần. Số đông người không nhận ra họ đang bị câm điếc. Họ nghĩ mình lành lặng nhưng tâm hồn họ đang bị câm điếc. Họ bị điếc vì không muốn nghe lời giảng dạy của Chúa. Họ bị câm vì không muốn nói Lời Chúa cho người khác. Một ngày người ta đọc và nghe rất nhiều tin tức, nhưng không đọc được một đoạn Kinh Thánh, vì người ta không muốn lắng nghe.


Cô con gái tự tử trong ngày sinh nhật của cô ta, bởi vì cô không chịu nhìn và lắng nghe người cha, ông ta đã mua cho cô một cái bánh sinh nhật, viết cho những lời yêu thương đến thế mà cô vẫn không chịu đọc. 


Thật ra, chẳng ai muốn mình bị câm điếc, nhưng trong thực tế không thiếu người mắc bệnh này. Chúng ta bị điếc vì không chịu lặng nghe, mất khả năng để lắng nghe và thấu hiểu người khác. Người Việt Nam chúng ta thường nói: “Nước đổ đầu vịt”. Khi vợ chồng có cuộc tranh luận thì ai cũng giành phần nói, phần thắng. Bởi vậy, người nói:“ Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng cải ngang phèng phèng.”


 Có khi nghe người khác nói, nhưng không muốn hiểu và thông cảm, hoặc khi nghe mà không nhận thức được đúng sai. Đó là thứ bệnh điếc mãn tính, không có thuốc trị. 
Để lắng nghe và thấu hiểu nhau, nó không chỉ bằng cái tai mà cả con tim. Chỉ có trái tim yêu thương chân thành và quảng đại thì mới có thể lắng nghe một cách chính xác. Khi hai người đang yêu nói cái gì cũng nghe. Anh nghe từng hơi thở, nghe từng nhịp đập con tim của em. Mỗi ngày anh không nghe được tiếng em nói, anh buồn não lòng, gọi điện phóng xe chạy tới thăm em, để được nghe em nói. Cưới nhau về rồi, sống với nhau được vài năm, nói với nhau được vài câu, tiền đâu đưa em giữ. Vợ nói hoài không nghe, anh bị điếc hả. Có nghe nỗi đâu, đó là điếc thần kinh, chứ không phải bẩm sinh, điếc có ý thức, có lúc và có mùa. 

Chúa nói: “Hãy mở ra”có nghĩa là Chúa kêu chúng ta hãy mở miệng ra để tung hô, để ca ngợi, những công trình tuyệt vời về Tạo dựng, Cứu độ, và thánh hóa con người. Mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa, để ta biết mở lòng ra với Thiên Chúa và với những người chung quanh. Họ đang bị câm, bị điếc cần được chữa khỏi nhờ lòng tốt của chúng ta.


Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa đa số những người nghèo khổ bệnh tật cả xác hồn. Xin cho mọi người trong Hội thánh trở nên bần tay cho những người nghèo khổ bệnh tật và sẵn sàng chia vui sẻ buồn với họ. Chung quanh con còn nhiều người bệnh tật cả phần xác lẫn phần hồn mà không có ai đem họ đến với Chúa. Xin cho họ sớm gặp được người an ủi giúp đỡ và dẫn họ đến với Chúa. Chúng con còn nhiều người mắc bệnh câm điếc thiêng liêng, câm điếc thể xác và tinh thần. Xin cho họ được chữa lành để nghe tin Chúa và ca tụng cảm tạ Chúa. Amen.