Cần Có Con Mắt Đức Tin Để Mở Ra Cánh Cửa Tâm Hồn

06:13 16/05/2020

306

Tác giả:Lm John Nguyễn

"Đức tin và cám dỗ" là câu chuyện kể về gia đình của một người mẹ. Chị tâm sự rằng: chị có hai cháu gái sinh ra và lớn lên trong môi trường đạo đức và được giáo dục niềm tin Kitô giáo. Các cháu từ nhỏ là: Thiếu nhi Thánh thể, lễ sinh giúp lễ, ca viên ca đoàn và sinh viên Công giáo..., chúng chưa bao giờ bỏ lễ chủ nhật và chưa bao giờ có nghi ngờ về tín xác thực của đạo Kitô giáo. Nhưng, đến khi hai cháu vào những năm đại học, thì các cháu bắt đầu bỏ lễ chủ nhật và hay tranh luận lại với mẹ về các đề tài như: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, luật Hội thánh, khoa học, đạo giáo v.v. Chị luôn là người thua cuộc vì các cháu học nhiều hơn chị, tiếng Anh giỏi hơn chị, và dĩ nhiên các cháu lý luận cũng hay hơn chị. Đôi lúc, mẹ con chị có những cuộc tranh cãi dẫn đến sự rạn nứt và đỗ vỡ. Các cháu trở nên bướng bỉn và không vâng lời mẹ về các việc đạo đức và thiêng liêng. Điều mong ước của chị là các con có niềm tin vào Thiên Chúa, đừng vì nghe những lời quyến rũ của thế gian, mà tôn thờ ma quỷ.

Cuối cùng, chị nhắn nhủ các con rằng: " Con người luôn yếu đuối, mỏng dòn và dễ sa ngã, các con đừng tưởng mình hơn cả tổ phụ Adam và Eva mà tránh được con rắn xưa kia cám dỗ để khỏi ăn trái cấm. Các con có thể hơn được tổ phụ Abraham khi thử thách niềm tin phải tế lễ con mình, hay các con tưởng mình hơn cả thánh Phêrô không chối Chúa lần nào sao? Các con hãy cầu nguyện để khỏi phải xa chước cám dỗ, hãy cầu nguyện với Đấng các con đặt niềm tin, các con luôn có lòng vững bền, đừng làm tôi hai chủ, vì các con không thể tôn thờ Thiên Chúa, mà lại còn tôn thờ ma quỷ và của cải thế gian, hãy sống vui với niềm tin và tình yêu đích thật, đó chính là điều hạnh phúc biết bao."

Thật vậy, ngày nay vấn đề đức tin trong đời sống gia đình giữa cha mẹ và con cái đang gặp nhiều khó khăn và thử thách. Khi các bạn trẻ có nhiều điều kiện thuận lợi để hưởng thụ, ăn học, vui chơi, giải trí thì đời sống đức tin lại bị đánh mất bởi lý luận thực nghiệm. Có nghĩa là người ta phải sờ thấy, lý luận, phân tích, chứng minh bằng con mắt xác thịt, nhìn thấy thì họ mới tin. Thánh Tôma bị mang tiếng là người kém lòng tin, nhưng chắc gì chúng ta lại có lòng tin mạnh mẽ như ngài?. Khi chúng ta gặp đau khổ, thử thách và gian nan, chúng ta than van, kêu trách Chúa. Trái lại, khi chúng ta trở nên giàu có đầy đủ mọi thứ, thì chúng ta lại vong ân, không đến nhà thờ, xa lìa Giáo hội, và bỏ Chúa, hay chỉ đến nhà thờ vì luật lệ để được yên tâm, làm theo thói quen. Có khi chúng ta còn lại nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này và ngay cả trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thì hôm nay thánh Tôma là người kiểm chứng về đức tin cho chúng ta.

Khi Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ trong lúc Tôma vắng mặt, nên ngài nói: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin". Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Chúa Giêsu nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!"

Phải chăng nhờ sự cứng lòng tin của Tôma, nhờ kiểm chứng của ngài, chúng ta có được một đức tin chắc chắn làm nền cho đức tin của chúng ta hôm qua dấu đinh nơi Chúa Giê-su. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được lòng tin như Tôma.Như nhà triết gia Nitzches tuyên bố rằng: " Thiên Chúa đã chết rồi". Theo lý luận của ông ta, trước đây Thiên Chúa đã sống, nhưng bây giờ Thiên Chúa đã chết. Tư tưởng của ông ta cho thấy rằng, Thiên Chúa không hiện diện trong cuộc sống của người vô thần, và cũng từ câu nói của ông ta đã phản tính hiện thực trong bối cảnh sống của con người trong xã hội hôm nay. Có khi chúng ta là người Kitô, nhưng chúng ta vẫn còn nghi ngờ về Thiên Chúa, nên sống đức tin hời hợt, miễn cưỡng, chiếu lệ. Sự thật, chúng ta cũng đang bị thử thách về đức tin bởi, thuyết tương đối hóa, cào bằng, giá trị thiêng liêng đang bị cuốn hút bởi vòng xoáy xã hội, nó đang lôi kéo chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy cẩn thận cách chọn lựa đâu là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực, đâu là sự giả dối của thói đời, cho nên chúng ta cần nhìn lại chính mình. Một cách nào đó, chính đời sống của chúng ta lại là phản ánh, đó là lối sống thực dụng và tính toán hơn thua với Thiên Chúa và tha nhân.

Khi suy nghĩ như thế, tôi thiết nghĩ rằng, chúng ta cần có con mắt đức tin để nhận ra vấn đề và về Thiên Chúa, Ngài là Đấng giàu lòng xót thương, điều đó được chứng minh nơi Đức Giê-su, Ngài chết để mang ơn cứu độ cho chúng ta. Ngài mở con mắt đức tin và con đường hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta, và nhờ đó chúng ta biết được cuộc sống mai sau, vì tất cả mọi thứ trên cõi đời này sẽ qua đi.

Khi ta nhận thức điều này, chúng ta biết được con đường chúng ta chọn, và sẽ sống tốt hơn, và nhận thức cuộc sống này là một hồng ân và cơ hội tốt để cho ta đạt được hạnh phúc viên mãn. Chúng ta hãy sống sao có ý nghĩa hơn. Dù có đau thương, thua thiệt và mất mát, nhưng với con mắt đức tin, thì những thua thiết, mất mác và biến cố đó trở thành kinh nghiệm sống đức tin dồi dào và phong phú. Có biến cố, có đau khổ thì chúng ta mới nhận biết đức tin là thế nào? Chúng ta không còn tự kiêu, tự mãn, không đặt mình là cái rốn của vũ trụ, mà là con người mang nhiều bất toàn, yếu đuối và tội lỗi. Không ai là người hoàn hảo.

Chúng ta hãy biết cảm ơn thánh Tôma vì ngài đã làm chứng đức tin cho Tin mừng Phục sinh. Từ kinh nghiệm gặp gỡ và được chạm vào dấu đinh của Chúa Giêsu, thánh Tôma quyết tâm đã đi rao giảng, làm chứng và theo Chúa đến cùng. Như lời ngài thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!". Còn chúng ta thì sao?

Nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngài đã chết và sống lại để chứng minh tình yêu của Thiên Chúa cho con người, thì giờ đây Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy thực hiện đời sống đức tin của chúng ta bằng công việc cụ thể, đó là tuân giữ lề luật, sống bác ái, yêu thương và phục vụ tha nhân. Muốn được như thế chúng ta cần mắt đức tin để biết nhận ra Thiên Chúa, Ngài là chủ sự sống và sự chết trên tất cả mọi loài và ban nguồn sự sống đời đời cho chúng ta. Amen.