CÀNH NHO ĐƯỢC CẮT TỈA

01:52 16/05/2020

309

Tác giả:Lm John Nguyễn

Chủ nhật vừa qua, chúng ta được nghe Chúa Giê-su bảo Ngài là Mục Tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên, thì hôm nay Ngài lại nói: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Như vậy, chúng ta thấy, con chiên và cây nho được gắn liền với cuộc sống của người dân Do-thái, và là hy lễ dâng cho Thiên Chúa, chính vì lé đó, Chúa Giê-su dùng những hình ảnh cây nho làm biểu tượng về sự hiệp nhất và liên kết giữa Thiên Chúa và con người. 

Trong Cựu ước, cây nho làm biểu tượng cho dân tộc Itrael: “Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel” (Is 5,1-7). Hơn nữa, tiên tri Giêrêmia đã nói với dân Itrael rằng: “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt, nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng đót” (Gr 2,21). Còn Thánh vịnh 80 diễn tả: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng”(Tv 80,15-16). Qua những lời của các tiên tri diễn tả về hình ảnh cây nho, chúng ta thấy rằng, cây nho là một biểu tượng cho dân tộc Itrael. Cho nên, trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta được nghe Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để dạy các tông đồ: “ Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,1). Cành nào gắn liền với cây thì sinh nhiều hoa trái, cành nào bị tách lìa ra khỏi thân cây thì sẽ bị khô héo và chết đi và bị ném vào lửa thiêu đốt.  

Trước khi rời khỏi thế gian, Chúa Giê-su không để lại một tượng đài hay ngôi nhà vĩ đại nào, nhưng Ngài xây dựng cộng đoàn trong khung cảnh của buổi tiệc ly, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, rồi Ngài cầm lấy ly rượu, ngước mắt lên và đọc lời chúc tụng dâng lên Chúa Cha. Đây là máu Thầy, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con, các con hãy nhận lấy mà uống. Ngày nay, mỗi lần dâng thánh lễ, linh mục lập lại hy tế giao ước đó trên bàn thờ để dâng cho Thiên Chúa, thì vị linh mục cũng cầm lấy ly rượu nho, đọc lời truyền phép thì hóa thành Máu Chúa.

Như vậy, hình ảnh cây nho có một ý nghĩa khác, mà nó được đặt trong bối cảnh của bài Tin mừng xẩy ra. Đó là vào một đêm tối tại vườn cây dầu khi màn trời buông xuống, mọi thứ dường chìm vào bóng đêm, sự ác bắt đầu xuất hiện. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, thì Chúa Giê-su biết các môn đệ sẽ hoảng sợ, thiếu can đảm và phản bội Ngài. Cho dù, Phê-rô tuyên bố con sẽ không bỏ Thầy, nhưng lại là người chối Chúa ba lần. Giu-đa là người học trò được tin tưởng giao cho giữ túi tiền, thì lại là kẻ bán Thầy vì tham tiền, và các môn đệ khác thì mê ngủ và bỏ đi. Trong hoàn cảnh loạn lạc tan thương, Chúa Giê-su bảo các con hãy ở lại trong Thầy. Ai ở trong Thầy thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Nhưng, hoa trái đó cũng cần được cắt tỉa, thì mới sinh trái tốt. Phê-rô sau khi chối Chúa, thì ngài đã được Chúa cắt tỉa bằng cái nhìn sâu thẳm tận vào tâm hồn của Phê-rô. Cái nhìn đã làm cho ông thức tỉnh và nhớ lại lời Thầy Giê-su nói: “ Gà chưa gáy hai lần, thì con đã chối Thầy ba lần”. Còn Giu-đa không ở lại với Thầy, không dám đối hiện với tội lỗi và con người thật của mình, nên chạy ra ngoài thắt cổ chết. Một con người được Chúa cắt tỉa rõ nét nhất, đó chính là thánh Phao-lô. Nếu ngài không bị té ngựa, không bị mù mắt, thì ngài sẽ không có cuộc trở lại và không có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Và từ khi bị té ngã, chỗi dậy và được sáng mắt ra, thì ngài đã thay đổi thành một con người mới. 

Nếu chúng ta biết dành ít phút thinh lặng để suy nghĩ về cuộc đời mình, thì rõ ràng, chúng ta cũng đã và đang được cắt tỉa qua những biến cố, qua thử thách, qua những bệnh tật, qua những thất bại, qua những kinh nghiệm tội lỗi…. Nhưng vấn đề là chúng ta có nhận ra để được biến đổi?. Với thánh Phao-lô, khi ngài được Chúa cho sáng mắt thì bỏ hết tất cả mọi sự để đi theo Chúa, rao giảng tin mừng và làm chứng cho niềm tin bằng cái chết anh dũng vì tình yêu của Đức Kitô. Ngài nói: “ Tôi sống không phải là tôi sống mà chính Chúa sống trong tôi”. Qua niềm xác tín mạnh mẽ của thánh Phao-lô, cho ta thấy rằng, sự liên kết giữa ngài với Chúa bằng một tình yêu sâu xa như cây liền cành. Như lời thánh Phê-rô đáp lại với Chúa Giê-su: “Thưa Ngài! Con luôn yêu mến Ngài”. Còn chúng ta thì sao?. Chúa Giê-su là ai? Chúng ta đang liên kết với Chúa hay là thứ gì khác?.Tất nhiên, Chúa muốn chúng ta không chỉ liên kết với Chúa mà là sống liên kết với nhau trong cộng đoàn, với gia đình, với anh chị em, người thân đang ở bên cạnh chúng ta. Sự hiệp nhất và yêu thương luôn là dấu chỉ có Chúa hiện diện.