Câu Chuyện Tình Bên Bờ Giếng Giacóp

04:10 16/05/2020

321

Tác giả:Lm John Nguyễn

Gần đây, trên các trang mạng đăng hình ảnh người cha già ốm yếu bên chiếc xe đạp cũ kỹ đã gây xúc động và gây chú ý cho người xem về tình yêu thương của người cha, và cũng là bài học cho người con về tình yêu của cha mẹ.

Câu chuyện: "Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân đưa lên cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 35 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba… Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi 100 ngàn, ba hỏi "Có dư đồng nào không con?". Tôi đáp: "Còn dư bốn ngàn ba ạ". Ba nói tiếp: "Cho ba bớt 2 ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa". Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…"

Hình ảnh người cha già đạp xe 35 km để thăm và đưa tiền cho đứa con trai, và hỏi đứa con cho ông hai ngàn đồng để trở về nhà, vì sợ chiếc xe bị hư dọc đường. Điều ông cụ làm tưởng chừng rất là đơn sơ, nhưng nó đã đánh động trái tim của nhiều người về tình cha thật là lớn lao, và người con phải rơi lệ. Trên đời này không có cái gì quý hơn bằng tình yêu thương của cha mẹ. Cử chỉ đơn sơ nhỏ bé của ông cụ đã làm tan chảy trái tim biết bao nhiêu người khi đọc câu chuyện này. Bên cạnh đó, nó cũng giúp cho chúng ta suy nghĩ về những lời nói và hành động xúc phạm đã làm tổn thương đến cha mẹ. Chúng ta có những giây phút nhìn lại bản thân và cách đối xử với đấng sinh thành, bởi lẽ "không ai yêu thương con bằng cha mẹ". Nếu chúng ta làm những điều vô tâm, điều xấu với cha mẹ, rồi một ngày nào đó cha mẹ ra đi, chúng ta sẽ sống cô đơn, day dứt và ân hận suốt đời.

Thật ra, câu chuyện này không có gì liên quan đến trang Tin mừng hôm nay, nhưng tôi thấy nó có một điểm chung. Đó là tình yêu. Tình yêu đó đã nối kết với thông điệp Tin Mừng hôm nay mà chúng ta có thể coi đây như là một câu chuyện tình bên bờ giếng Giacóp giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria. Tình yêu đó làm biến đổi người phụ nữ này.

Trước tiên, Chúa Giê-su đến để xin nước của chị ta, thì chị bảo rằng: " Ông là người Do Thái mà lại xin nước của tôi sao?." Có lẽ, chị ta quá ngạc nhiên về những gì Chúa Giêsu đang làm và cũng không thể hiểu được, bởi vì giữa người Do Thái và người Samaria luôn có một mối thù. Người Do thái không bao giờ nói chuyện với người Samaria và họ coi thường người Samaria. Họ xem người Samaria là dân ngoại bang. Ấy thế, Chúa Giêsu lại hỏi xin nước của chị. Chúa Giê-su nói với chị ta rằng: " Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị...., và người ấy hứa ban cho chị nước hằng sống." Chúa Giê-su đưa chị ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhưng chị ta vẫn không hiểu được lời Chúa của Giê-su nói ý nghĩa nước hằng sống là gì?. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống, chị ta nói. Nhưng rồi Chúa Giêsu bảo cho chị ta, " Ai uống nước của tôi cho sẽ không bao giờ khát."

Bởi lẽ, chị ta là người đang cần nguồn nước khác, nguồn nước của chân lý và sự thật. Ngài thấu hiểu nơi thẳm sâu cõi lòng của chị ta. Thay vì, Chúa Giê-su là người xin nước, thì chính Ngài là người cho nước chị ta. Đây là một ý nghĩa sâu sắc trong Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsu làm thay đổi về cách nhìn của chị ta và sự chia rẽ giữa hai dân tộc. Ngài bắt một nhịp cầu để nối kết họ lại bởi sự chia cắt và hận thù. Người phụ nữ này là người đại diện cho dân tộc Samaria.

Kế đến, Chúa Giêsu không chỉ xin nước chị ta mà con quan tâm đến cuộc sống riêng tư của chị ta. Đồng thời, Ngài cho chị ta nhận ra sự thật. Sự khát khao của chị ta không chỉ là khát về thể lý, nhưng là cái khát của tâm linh. Chị ta cần được thay đổi và cách sống của chị, bởi vì chị ta đã có năm đời chồng và đang sống với người chồng thứ sáu rồi, mà chị ta nói vẫn chưa có chồng. Sự khát khao về thể xác của chị ta thì không có điểm dừng và cũng không bao giờ đủ với dục vọng và ước muốn thể xác. Đến khi, Chúa đụng chạm đến nỗi khát khao bên trong của chị ta, thì lúc này chị ta đã nhận ra con người thật của mình, đang mang vết tích của tội lỗi và đam mê xác thịt.

Chúa Giê-su đã giúp chị ta để nhìn lại con người thật của mình, nhờ đó chị ta nhận ra Chúa Giê-su là vị ngôn sứ và là Đấng cứu độ. Các môn đệ ngạc nhiên khi nhìn thấy Chúa Giêsu nói chuyện với người phụ Samaria này nơi công cộng. Đối với các ông, đó là một việc làm không thể xẩy ra khi họ thấy Thầy mình lại có thể ngồi tiếp chuyện với một người phụ nữ trong một buổi chiều thanh vắng. Đó là điều cấm kỵ theo luật của người Do-thái. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng đã mở ra cho các tông đồ và tất cả mọi người nhận diện tình yêu của Thiên Chúa, Ngài phá đi bức rào ngăn cách, kỳ thị và đánh giá của con người với nhau. Tình yêu Thiên Chúa thì không có thiên vị và riêng tư. Ơn cứu độ là dành cho hết tất cả mọi người, và người phụ nữ Samaria làm đại diện cho dân ngoại, để giới thiệu Chúa Giêsu cho những người trong thành, và họ đã tin vào Chúa Giêsu, chính Ngài là Đấng cứu độ trần gian.

Tóm lại, cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Giacóp giữa Chúa Giê-su và người phụ nữ Samari là câu chuyện tình mang tính cách mạng trong mối tương quan giữa con người với con người và mở ra làn gió mới. Chân dung tình yêu chảy dài xuyên suốt trong trang Tin Mừng hôm nay. Qua đó, nó có thể giúp cho chúng ta nhìn lại chính mình. Chúa Giê-su đã dẫn dắt người phụ nữ ấy từ một người dân ngoại trở thành môn đệ của Chúa. Từ một con người tội lỗi đã trở thành một con người hoán cải, vì chị đã nhận ra tình yêu từ Chúa Giêsu. Kinh nghiệm gặp gỡ của chị ta làm chứng cho chúng ta hôm nay về Đức Kitô, chính Ngài là nguồn nước hằng sống. Ai uống nước của Ta sẽ không bao giờ khát. Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời. Người cha trần gian còn biết cho con cái mình những điều tốt nhất, thì chính Cha trên trời, Ngài luôn ban cho phúc lành cho chúng ta.

Lạy Chúa, hằng ngày con phải uống nước để sống và để tồn tại, thì hôm nay xin cho con biết nhận ra Chúa là nguồn nước hằng sống cho con sự sống đời đời. Amen.