Chết và Sống
04:30 16/05/2020
285
Cả thế giới chưa hết bàng hoàng với nỗi đau buồn thương tiếc khi máy bay MH370 mất tích cướp đi 239 sinh mạng con người, nay chúng ta lại phải chứng kiến thêm cảnh mất mát tang thương vô cùng với 270 người còn đang chìm dưới lòng biển phía tây nam Hàn Quốc. Nhìn cảnh em bé 5 tuổi, có người mẹ là người Việt Nam, được cứu sống, tôi thật sự xúc động và tim mình nhói đau khi chứng kiến bi kịch này. Em đang bị bấn loạn và tổn thương về tâm lý khi em không còn nhìn thấy cha mẹ và anh trai. Chính người anh trai đã đưa chiếc áo phao cho em mặc và còn biết bao nhiêu cha mẹ đang khóc thương vì mất con. Khát vọng và ước mơ lớn nhất của họ là nhìn được mặt con, nhưng tia hy vọng đó dường như đang tắt dần theo thời gian. Khi nhìn những gương mặt đau khổ và tang thương của họ, khiến tôi không kìm nén được xúc động và nỗi đau khôn xiết này.
Cuộc chia ly nào cũng đau đớn. Mất mác nào cũng đau buồn và nhớ thương khi người thân, người yêu của chúng ta ra đi vĩnh viễn. Hợp rồi lại tan. Vui rồi lại buồn. Cười rồi lại khóc. Đó là quy luật của kiếp nhân sinh. Kiếp người là một hành trình đi về. Về với cội nguồn, nơi ta xuất phát. Chẳng ai sống mãi trên thế gian này. Kẻ trước người sau, lần lượt sẽ ra đi. Nhưng nỗi đau nào ai thấu khi nhìn người ta yêu về nơi vĩnh hằng không một lời từ biệt. Lời an ủi trong lúc chia lìa nhắc ta rằng: " Hỡi người hãy nhớ là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về bụi tro" . Thật vậy, đó là quy luật của tạo hóa. Sinh lão, bệnh,tử. Ngày ta sinh ra cất lên tiếng khóc chào đời, thì ngày ta ra đi người ta khóc thay cho chúng ta vì tiếc thương ta. Nỗi đau lớn nhất của cha mẹ là mất con, nhìn thấy con chết trong đau đớn.
Khi chứng kiến hai biến cố tang thương đang xẩy ra trong những ngày này, chúng ta có thể liên tưởng và hướng về Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su cũng đang diễn ra. Chúng ta được nghe về cái chết tủi nhục và đau thương của Chúa Giê-su, thì điều gì đã ghi sâu vào tâm hồn chúng ta hôm nay. Như lời gợi ý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong bài giảng Thánh lễ Lá vừa qua với những câu hỏi đặt ra rằng: " Tôi là ai? Tôi là ai trước Thiên Chúa của tôi? Tôi là ai, trước Chúa Giêsu Đấng đang tiến vào Ngày Lễ Vượt Qua ở Giêrusalem? Tôi có diễn tả niềm vui của tôi, tôi có chúc tụng Người không? Hay tôi đứng đàng xa? Tôi là ai trước Đức Giêsu đang chịu đau khổ? Nhóm lãnh đạo, một số tư tế, Pharisêu, thầy thông luật là những người đã quyết định giết Đức Giêsu. Họ chờ cơ hội để triệt hạ Người. Tôi có là một trong số họ không? Tôi có là Giuđa bán Chúa với 30 đồng bạc không? Tôi có giống Giuđa, kẻ giả vờ yêu và hôn Thầy mình để giao nộp Thầy, để phản bội Thầy không? Tôi có là kẻ phản bội không? Tôi có giống như các nhà lãnh đạo vội vàng triệu tập tòa án và tìm chứng gian không? Và giả như tôi có làm những điều này thì khi ấy tôi có tin là với những điều này tôi có thể cứu độ muôn dân không? Tôi có giống Philatô không, khi thấy tình cảnh khó khăn, thì rửa tay và chối bỏ trách nhiệm và để mặc cho người khác kết án, hay chính tôi kết án? Tôi có giống đám đông không biết gì cả, nhưng lại đòi tha cho Barabba không? Họ vui thú khi hạ nhục và giết chết Chúa Giêsu..." ( ĐGH Phanxicô)
Những câu hỏi của Đức Thánh Cha đặt ra có thể đưa chúng ta sát gần với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su hơn. Khi chúng ta suy niệm mầu nhiệm thương khó, thì chúng ta có khóc thương như chúng ta đang chứng kiến và cảm thông với các nạn nhân bị chìm tàu đang khóc thương con của họ, hay chỉ là một biến cố xẩy ra cách đây hơn hai ngàn năm?. Cha mẹ thế gian còn biết thương con cái mình như thế, huống chi Chúa Cha, Đấng yêu thương nhân loại, thì Ngài cũng đau đớn tột cùng khi nhìn Người Con Yêu của Ngài đang bị hành hình, giết chết và treo trên cây thập giá đầy ô nhục và tủi hổ.
Thế nhưng, tình yêu Thiên Chúa không dừng lại ở đau khổ và cái chết. Thiên Chúa đã biến nó thành vinh quang của niềm vui Phục sinh. Sự sống đã chiến thắng. Đau khổ biến thành chiến thắng trước sự độc ác và sự dữ của thế gian. Chết không phải là hết mà là bước vào thế giới thiên quốc của Thiên Chúa. Đó là đức tin của chúng ta, đó là lý tưởng cho chúng ta sống và đi theo Chúa Ki-tô. Cụ thể, trang Tin mừng chủ nhật Phục sinh hôm nay đã thuật lại cho chúng ta nghe, các tông đồ đã làm chứng khi Chúa sống lại. Ngôi mộ trống, tấm khăn liệm. Tảng đá lăn ra, và Chúa Giê-su hiện ra nói với các tông đồ.
Một chút suy tư xin gởi đến quý anh chị em trong ngày lễ mừng Chúa Phục sinh hôm nay. Chúng ta không quên cầu nguyện cho những anh chị em chúng ta đang gặp điều đau buồn mất mác vì mất đí những người con, người thân, họ đang phải gánh chịu nỗi đau tột cùng khi phải chia ly và thương tiếc, thì Tin mừng Phục sinh hôm nay là tia hy vọng, an ủi nâng đỡ cho anh chị em và cho chính chúng ta một niềm vui của sự sống mới, nó không bao giờ mất đi, mà là bước vào sự sống mới nơi Thiên Chúa đã dành cho họ hưởng hạnh phúc trên thiên đàng cùng Đức Ki-tô Phục sinh. Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời. Amen.