Chúa Giêsu Kiện Toàn Lề Luật

03:59 16/05/2020

1252

Tác giả:Lm John Nguyễn

Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời của các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn" (Mt 5, 17-18). Chúng ta thấy ở đây, Chúa Giê-su không nói đến các giới răn, nhưng Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lề luật đã được ghi lại luật của Mô-sê và lời các ngôn sứ trong hành trình lịch sử cứu độ. Phải chăng lời khẳng định này, nó đi ngược với những lần người Do thái cho rằng, Chúa Giê-su phạm luật vì không giữ đúng với lề luật họ đặt ra và tuân giữ. Chẳng hạn, Chúa Giê-su chữa bệnh trong ngày Sabat, không rửa tay trước khi ăn...Từ những sự kiện trong Tin mừng, chúng ta đi tìm ý nghĩa đích thực của lề luật mà Chúa Giê-su chỉ dạy chúng ta hôm nay.

Luật được khắc ghi trên bia đá

Người Do thái giữ luật rất chặt chẽ và đưa ra hàng ngàn thứ luật lệ khác nhau. Họ nghĩa rằng phục vụ Thiên Chúa là tuân giữ và xem luật như là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Với cách hành xử câu nệ nặng hình thức, Chúa Giê-su đã nhiều nhiều lần lên án mạnh mẽ cách giữ luật hình thức của bọn Biệt phái và luật sỹ. Bằng chứng, câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện một người Biệt phái đạo đức, ông ta đến gần bàn thờ, ngước mắt lên và thưa với Chúa rằng: Con không giống như người thu thuế tội lỗi kia, con ăn chay mỗi tuần hai lần, con làm việc bố thí, con đọc kinh cầu nguyện....Anh ta kê khai tất cả công việc anh ta làm để cho Chúa nghe, Chúa biết vì anh ta muốn lập công, muốn được ban thưởng và tự cho mình là người đạo đức và thánh thiện, là người tốt lành trước mặt người anh em đang đứng đằng sau mình. Với cái nhìn bề ngoài, anh ta là người giữ luật rất tốt. Nhưng đằng sau cách giữ luật của anh ta cho thấy, tính tự kiêu và phô trương của anh ta là nhằm để cho người khác biết mình là người đạo đức.

Với những con người như vậy, Chúa Giê-su nói: " Dân này thờ kính bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì xa Ta". Vì vậy, họ giữ luật là để đối phó, để cho cái tôi được thể hiện trước mặt người đời vì sỉ diện hơn là lòng yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Việc họ làm cũng giống như người dân Do thái ngày xưa bỏ Chúa để chạy theo các thần ngoại bang (thờ con bò vàng). Chính vì thế, luật Thiên Chúa chỉ được khắc ghi trên bia đá vì cái tôi cồng kềnh và mang nặng hình thức bên ngoài.

Luật phải được khắc ghi trong tâm hồn

Là người Do Thái đạo đức, Chúa Giêsu thông thạo Sách Thánh của người Do Thái (Cựu Ước), và nghi lễ của các Kitô hữu thời sơ khai. Cho nên, giáo huấn của Chúa Giêsu có liên quan với giáo huấn truyền thống của người dân Do Thái. Cụ thể, trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu không bãi bỏ Mười Điều Răn của người Do Thái, Ngài nhấn mạnh đến sự vẹn toàn với ý nghĩa thâm sâu của chúng và được áp dụng cho các môn đệ của Ngài (Mt 5, 17-48). Hơn nữa, các Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh thanh niên giàu có muốn được sự sống đời đời, Ngài chỉ nói "Hãy tuân giữ các điều răn" (Mc 10, 17-22; Mt 19, 16-30; Lc 18, 18-30). Theo Thánh Marcô, Chúa Giêsu nêu lên những điều luật như cấm sát nhân, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian, lừa đảo và thảo kính cha mẹ, nhưng nói thêm rằng anh thanh niên chỉ còn thiếu một việc là "đi theo" Chúa. Và Thánh Matthêô kèm theo như một điều răn, đó là "Hãy yêu tha nhân như chính mình". Mười Điều Răn mở màn cho giáo huấn của Chúa Giêsu trong một cuộc đối thoại khác giữa Ngài và một luật sĩ Do Thái được Thánh Marcô và Matthêô ghi lại đầy đủ những điều luật của người Do Thái.

Một vấn đặt ra ở đây, đâu là giới luật quan trọng nhất của người Do Thái và Chúa Giêsu. Theo các sách Tin mừng tóm lại hai điều quan trọng nhất, đó là: " Kính Chúa yêu người". Cụ thể, trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ (Lc 10, 25-28), anh ta hỏi Ngài: "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?". Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn các điều răn, và rồi khuyên anh đi theo Ngài. Một lần khác, Chúa Giêsu hỏi người luật sĩ chính điều anh ta suy nghĩ trong lề luật Môisen, thì người luật sĩ trưng ra bổn phận phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Hơn nữa, dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu như câu trả lời đáng ghi nhớ cho câu hỏi tiếp theo của người luật sĩ: " Ai là người thân cận của tôi?" (Lc 10, 28-37).

Lệnh truyền phải yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận vì họ cũng là người được Thiên Chúa dựng nên và yêu thương. Hơn nữa, Chúa Giêsu nêu lên rằng: "Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22, 40). Cũng như trong các thư của Thánh Phaolô, ngài liên kết giữa giới răn yêu tha nhân và Mười Điều Răn bổ túc cho nhau. Thánh Phaolô viết cho người Roma (Rm 13, 8-10): "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy."

Luật được thi hành bằng đời sống

Nền tảng lề luật " Kính Chúa yêu người" là tuyệt đối mà Chúa Giê-su đã giữ trọn. Cụ thể, Con Thiên Chúa, Đấng ban hành lề luật, sinh ra làm người dưới lề luật mới và chu toàn lề luật một cách hoàn hảo nhất. Nơi Chúa Giê-su, lề luật không còn ghi trên bia đá nữa nhưng là được khắc ghi tận đáy lòng của người Tôi Tớ Chúa. Thánh giá của Chúa Giê-su đã chứng mình cho giới luật mà Ngài đã rao giảng. Chúa Giê-su không phá đổ lề luật nhưng là để kiện toàn lề luật bằng cách nâng cao sự hoán cải trong lòng kẻ giữ luật. Vì nơi tận đáy lòng con người phát xuất ra sự dữ và ý định xấu, đó là trung tâm của tội ác và sự dữ. Chúng ta được nghe tiếng gọi của Chúa Giê-su hôm nay, " Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời là Đấng trọn lành", thì chúng ta hiểu sự trọn lành của Thiên Chúa là tình yêu vì Thiên Chúa là Tình yêu, và chúng ta được mời gọi để đạt tới trong sự hoàn thiện của lòng mến và của tình yêu, như Chúa yêu thương chúng ta:" Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu."

Để kết luận bài chia sẻ hôm nay, chúng ta có thể nói với nhau rằng, ngày nào luật chỉ tuân thủ theo kiểu hình thức nặng nề bên ngoài thì ngày đó luật lệ chỉ làm nghiền nát con người. Nhưng ngày luật được đặt vào lòng con người, và nó làm hoán cải và biến đổi con người thì ngày đó luật sẽ trở thành cứu cánh và là phương tiện dẫn tới sự công chính Nước Trời. Triết gia Kant nói: " Nếu mình giữ luật vì sợ Chúa thì hèn quá! Mình phải giữ luật bởi vì đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và ý thức bổn phận của mình: đó mới là xứng hợp với nhân phẩm con người."