CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM B.
05:57 03/03/2424
143
CÁC NGƯỜI CỨ PHÁ HỦY ĐỀN THỜ NÀY, NỘI TRONG BA NGÀY TA SẼ DỰNG LẠI
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.
Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giê-su trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giê-su không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.
Suy niệm
CANH TÂN CÁCH THỰC HÀNH ĐỨC TIN
Ga 2, 13-25
Cứ mỗi độ xuân về, người dân Việt chúng ta, sau khi đón xuân mới, là khởi đầu chiến dịch đi lễ hội đầu năm. Từ một hai thập kỷ trở lại đây, nhờ đời sống kinh tế được cải thiện, những lễ hội truyền thống sau một giấc ngủ dài trong thời bao cấp, được khôi phục khắp nơi, đua nhau nở rộ như nấm mọc sau mưa. Nhìn chung, những lễ hội này diễn tả truyền thống văn hoá phong phú của người Việt, và đều góp phần tích cực giúp con người hướng thiện. Tuy vậy, khá nhiều lễ hội bị nhuốm màu thương mại và mê tín dị đoan, mang theo những hệ lụy không đẹp do cách hành xử thiếu văn hóa, như cướp giật, đánh nhau đến đổ máu. Lễ hội đang bị lạm dụng nghiêm trọng và làm mất đi ý nghĩa linh thiêng.
Vào thời Chúa Giêsu, Đền thờ Giêrusalem là nơi thiêng thánh cũng bị lạm dụng. Người ta buôn bán chiên bò, chim câu và đổi tiền. Tất cả những dịch vụ này cũng núp dưới danh nghĩa phục vụ khách hành hương, nhất là vào dịp lễ trọng của người Do Thái là lễ Vượt qua. Chúa Giêsu đã chứng kiến cảnh này. Người đã nghiêm khắc xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Cả bốn thánh sử đều ghi lại sự kiện này, nhưng Thánh Gioan là người diễn tả hành động của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ quyết liệt nhất: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ”. Tuy vậy, nếu ba tác giả của Tin Mừng nhất lãm đều nói đến việc Đức Giêsu “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ”, thì thánh Gioan lại cho biết, Chúa chỉ yêu cầu mang các loại hàng hóa trần tục xâm nhập Đền Thờ và làm cho nơi thánh trở thành chốn thương mại. Phải chăng Thánh Gioan muốn nói với chúng ta: Chúa Giêsu không xua đuổi con người tội nhân, nhưng xua đuổi những hành động tội lỗi, và như thế, Người mời gọi chúng ta hãy canh tân cách thực hành Đức Tin.
Từ đầu Mùa Chay, Phụng vụ đã mời gọi chúng ta canh tân đổi mới cuộc đời. Canh tân để làm cho trái tim, tâm hồn và cuộc đời của chúng ta được đổi mới. Chúa nhật thứ Ba của Mùa Chay, Phụng vụ dạy chúng ta hãy xem xét lại cách tôn thờ Chúa của mình. Nói cách khác, mỗi chúng ta là người tin vào Chúa. Đức tin ấy phải được thể hiện qua tâm tình thờ phượng Chúa. Có nhiều người tin Chúa mà không thực hành các bổn phận của đức thờ phượng. Thờ phượng Chúa là nhận ra quyền năng vô biên và tình yêu của Ngài đối với chúng ta, đồng thời dâng lời tạ ơn, ca tụng và cầu nguyện với Ngài. Đối với một số tín hữu, đức tin của họ mang tính vụ lợi, tức là chỉ chạy đến nài van Chúa khi gặp hoạn nạn gian nan, còn những lúc khác thì không cần biết Chúa là ai. Nhiều người khác coi Chúa như Bà Chúa Kho, đến để xin lộc và vay tiền lúc đầu năm với hy vọng năm mới phát tài.
Hành động của Chúa Giêsu khi xua đuổi chiên bò ra khỏi Đền thờ được gọi là “thanh tẩy Đền thờ”. Quả thật, Chúa muốn khôi phục tinh thần thờ phượng đích thực, không nhuốm màu thương mại và cạnh tranh vật chất. Mùa Chay cũng giúp ta thanh tẩy đời sống đức tin và tâm tình thờ phượng Chúa. Những thực hành đạo đức của cộng đoàn cũng như cá nhân phải dẫn đưa người tín hữu đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Đức Kitô đang sống như sau: “Chúng ta có nguy cơ coi Chúa Giêsu Kitô chỉ như một mẫu gương trong quá khứ, như một kỷ niệm, như một Đấng đã cứu chúng ta cách nay hai ngàn năm. Điều này không ích gì cho chúng ta, vì nó sẽ để chúng ta cũ kỹ y như trước, nó sẽ không giải thoát chúng ta. Đấng đổ đầy ân sủng của Người trên chúng ta, Đấng giải thoát chúng ta, Đấng biến đổi chúng ta, Đấng chữa lành và an ủi chúng ta đang sống. Người là Đức Kitô phục sinh, tràn đầy sức sống siêu nhiên, mặc lấy ánh sáng vô hạn” (số 124). Những lời trên đây của Đức Thánh Cha giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống hiện tại. Nhiều người tín hữu chỉ coi Người như một vĩ nhân đã lùi vào dĩ vãng. Không phải như vậy. Người đang sống và hiện diện giữa chúng ta. Nếu ý thức được điều ấy, lời nói, cử chỉ và cách sống của chúng ta sẽ thận trọng hơn. Lời cầu nguyện và việc thờ phượng Chúa sẽ thấm đượm tâm tình mến yêu hơn. Xác tín điều đó, người tín hữu cảm thấy như được chạm tới Chúa, được Người hướng dẫn và soi sáng đường đi nước bước trong cuộc đời.
Gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đang sống, sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày. Bài sách thánh trích sách Xuất hành ghi lại luật Giao ước Thiên Chúa ban cho dân Israel qua ông Môisen mà chúng ta vẫn gọi là Mười điều răn. Có thể nói Mười điều răn trong sách Xuất hành là bộ luật đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Vì dân tộc Do Thái là một dân được tuyển chọn, nên phải có một bộ luật làm tiêu chuẩn và để duy trì trật tự trong việc điều hành cai quản, làm chuẩn mực chung cho mọi nền văn hoá và mọi dân tộc. Rất tiếc, nhiều Kitô hữu, nhất là những bạn trẻ, không thuộc kinh Mười Điều Răn, vì vậy, họ không định hướng được cuộc đời của mình. Họ nói tin vào Chúa mà không biết Chúa là ai và phải làm gì để thực hành Đức Tin.
Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Người cũng dùng máu Người đổ ra trên thập giá để thanh tẩy tội lỗi của nhân loại. Hai ngàn năm nay, Giáo Hội không ngừng rao giảng mầu nhiệm thập giá, “điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (Bài đọc II). Trái lại với sự xét đoán của thế gian, Đức Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có những lúc, người tin vào Chúa bị coi như những người điên rồ hoặc những người đi ngược dòng. Tuy vậy, cũng như sự điên rồ của thập giá đã cứu vớt nhân loại, những ai theo Chúa Giêsu, dù có thể bị coi là ngu dại, chắc chắn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và niềm vui của Đấng phục sinh. Mùa Chay cũng là mùa suy niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu. Thập giá là một huyền nhiệm của tình thương Thiên Chúa. Thập giá không phải là câu chuyện của quá khứ, nhưng là câu chuyện của hiện tại. Thập giá đang đi ngang qua những mâu thuẫn gia đình, những khó khăn về tài chính tiền bạc, những xung khắc trong mối tương quan với người xung quanh, những thất bại trong học vấn, những bế tắc trong nghề nghiệp. Đó là những thập giá mà chúng ta đang phải vác đi. Vác thập giá không phải là cam chịu, nhưng là đón nhận và hoá giải những thất bại và khúc mắc thành kinh nghiệm, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng ta sẽ vượt lên những khó khăn, biến gian khổ thành niềm vui và biến nước mắt thành nụ cười. Quả vậy, khi có lòng bao dung, sự kiên nhẫn và nhất là tình yêu quảng đại, chúng ta sẽ có thể hoá giải mọi thương đau trong cuộc đời.
Đức tin của người Công giáo không phụ thuộc vào mùa lễ hội và những cạnh tranh. Lòng yêu mến Chúa và tâm tình thờ lạy tôn vinh Ngài như hơi thở, như cơm ăn nước uống đối với người tín hữu. Con người cần có Chúa để hiện hữu, để hoạt động và để nên trọn lành. Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, dâng lên Chúa tâm tình yêu mến và cầu xin Ngài trợ lực để vượt lên mọi khó khăn thử thách, những điều này làm cho đức tin của chúng ta nên vững mạnh.
Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới. Canh tân cách thực hành Đức Tin là điều kiện thiết yếu để chúng ta đổi mới cuộc đời. Bởi lẽ, nhờ Đức Tin tinh tuyền, chúng ta mới có thể sống Đạo chân thành trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên