Chúa Nhật III thường niên – Năm B.

23:26 20/01/2424

151

ANH EM HÃY ĂN NĂN SÁM HỐI VÀ TIN  VÀO PHÚC ÂM

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Suy niệm

THỜI KỲ ĐÃ MÃN!

Xã hội hiện nay đang chứng kiến những mâu thuẫn: một đàng, cuộc sống vật chất càng ngày càng được cải thiện và phát triển; đàng khác, cuộc sống con người lại hết sức mong manh. Người ta sống hôm nay mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Cuộc sống bị đe dọa bởi chiến tranh, bạo lực, bởi thức ăn nhiễm độc, bởi tai nạn giao thông và biết bao nỗi sợ khác vây bủa xung quanh. Dường như xã hội phát triển không thể bảo đảm cho một đời sống an bình. Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Thời kỳ đã mãn… anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Cách nói “thời kỳ đã mãn” thường làm chúng ta liên tưởng đến ngày tận thế, tức là ngày thế gian này sẽ bị thiêu rụi và phá hủy hoàn toàn. Tuy vậy, xem ra ngày tận thế là một ảo ảnh, vì hai ngàn năm nay, Chúa Giê-su và Giáo Hội của Người vẫn tiếp tục rao giảng về ngày tận thế, mà ngày ấy đâu có đến! Phải chăng đây chỉ là một lời hù dọa để làm người ta khiếp sợ? Nhiều người vô tín đã khẳng định: khái niệm tận thế chỉ là một chuyện hoang đường!

Tuy vậy, nếu tận thế theo nghĩa ngũ hành sẽ bị thiêu rụi chưa xảy đến, thì ngày tận thế đối với mỗi cá nhân chúng ta lại đang đến dần dần. Quả thật, khi một người nhắm mắt xuôi tay, thì đó chính là giờ tận thế đối với người ấy. Điều đó có nghĩa người ấy sẽ không tiếp tục sống trên trần gian. Mọi dự tính tương lai sẽ chấm dứt. Dưới lăng kính đức tin Ki-tô giáo, đó cũng là thời điểm người vừa qua đời phải trình diện trước nhan Chúa để chịu phán xét. Giáo lý truyền thống gọi cuộc gặp gỡ với Chúa này là cuộc “phán xét riêng”. Đây là lúc con người phải trả lời Chúa về những gì mình đã làm, đã sống và cách thức đối xử với tha nhân khi sống trên trần gian.

Như thế, sám hối không bao giờ là muộn, và cũng không bao giờ là thừa. Sám hối không chỉ giúp chúng ta sẵn sàng gặp Chúa trong niềm vui, khi chúng ta kết thúc cuộc đời dương thế, mà còn giúp chúng ta nhìn lại bản thân, cố gắng sửa chữa những sai lầm, sẵn sàng phục thiện và làm những việc tốt đối với những người xung quanh mình. Người năng sám hối sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác, bởi thấy bản thân mình cũng vẫn còn mang nhiều yếu đuối.

Nếu chúng ta chân thành sám hối, là vì chúng ta tin tưởng vào lòng từ bi của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài. Bài đọc I trích sách ngôn sứ Giô-na là một chứng từ hùng hồn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài là Đấng “chỉ giận trong giây lát, nhưng yêu thương suốt cả đời” (Tv 29,6). Thời ấy, dân thành Ni-ni-vê ngập tràn trong tội lỗi. Thiên Chúa muốn trừng phạt họ. Ngài sai ngôn sứ Giô-na đến để rao giảng lòng sám hối. Dân thành đã nghe lời kêu gọi này. Họ đã sám hối và Thiên Chúa đã không giáng phạt dân chúng như Ngài dự tính. Tác giả đã sử dụng lối văn “như nhân”, tức là diễn tả Thiên Chúa mang tâm lý giống như con người. Tâm tình sám hối và thiện chí đổi đời là lý do khiến Ngài nguôi giận và hủy bỏ ý định trừng phạt. Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn mong chờ các tội nhân sám hối trở về với Ngài. Ngài là Cha yêu thương, không nỡ bỏ bất kỳ một ai trong số gia đình nhân loại. Những ai cố tình sống trong tội lỗi, là khước từ lòng thương xót của Chúa.

Trước lời mời gọi sám hối của Chúa Giê-su, hai cặp anh em là Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an là những người chài lưới bên bờ hồ Ga-li-lê, đã mau mắn theo Chúa để cộng tác với Người. Ngày hôm nay, qua Giáo Hội, Chúa Giê-su đang mời gọi chúng ta theo Chúa, một đàng để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa để hoàn thiện bản thân; đàng khác, để cộng tác loan báo thông điệp về lòng bao dung nhân hậu của Ngài.

Lời nhắc nhở “thời kỳ đã mãn” giúp chúng ta ý thức thân phận mỏng giòn của kiếp người, đồng thời sống khiêm nhường, phó thác cậy trông. Ý thức về cuộc đời chóng qua cũng giúp chúng ta sống nhân ái hơn với anh chị em đồng loại. Thánh Phao-lô, trong thư gửi giáo dân Cô-rin-tô đã giáo huấn về tinh thần buông bỏ mà người tín hữu phải có. Vì cuộc sống quá ngắn ngủi, nên đừng có ai làm nô lệ vật chất hoặc những đam mê. Khi biết sử dụng vật chất như phương tiện, chúng ta sẽ dễ dàng nên hoàn thiện. Thánh nhân đã viết: “Kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”.

“Hãy theo tôi!”. Đó là lời Chúa Giê-su mời gọi chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta can đảm đáp lại mời gọi ấy. Amen.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên