Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B.

07:23 10/03/2424

133

THIÊN CHÚA ĐÃ SAI CON NGÀI ĐẾN ĐỂ THẾ GIAN NHỜ CON NGÀI MÀ ĐƯỢC CỨU ĐỘ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Chúa Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô rằng: “Như Mô-sê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Suy Niệm 

THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN

Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, đều trình bày Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn. Ngài giáo dục con người với một lối sư phạm đặc biệt, đó là sư phạm của tình thương. Không chỉ ở thời xa xưa, mà hôm nay, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sửa dạy chúng ta, với mục đích cho chúng ta đạt tới tầm mức hoàn hảo, nhờ đó chúng ta được hưởng hạnh phúc. Sách Sử Biên Niên trong Cựu ước gồm hai cuốn, được viết vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và không rõ tác giả, nó là một nhân chứng quí báu về niềm hi vọng và về quan điểm thần học của Do Thái giáo trong gian đoạn đen tối sau lưu đày. Có thể nói, Sử Biên Niên là một lối giải thích về lịch sử của vương quyền theo cái nhìn của các Lê-vi (các tư tế) sau thời lưu đày. Đoạn sách chúng ta đọc trong Chúa nhật 4 mùa Chay, là một suy tư về những tai họa xảy đến trong quá khứ. Đó là biến cố dân Do Thái bị lưu đầy ở Ba-by-lon. Biến cố này xảy ra năm 587 trước Công nguyên. Nguyên nhân của sự kiện đau thương này, theo góc nhìn của tác giả, là do vua cũng như dân đã bất trung phế bỏ Lề Luật của Thiên Chúa.

Nếu sử gia nói đến sự kiện lưu đày đau thương, thì ông cũng nhắc đến những biến cố huy hoàng. Đó là việc hồi hương của người Do Thái sau gần 50 năm lưu đày. Vua Ky-rô đã ban sắc lệnh chấm dứt thời lưu đày và cho dân Do Thái trở về cố hương. Tác giả đã viết: “Chính Thiên Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư”. Như thế, Thiên Chúa là Đấng giải phóng Dân Ngài. Nếu tội lỗi dẫn đến kiếp lưu đày, thì tình thương đem lại sự tự do. Biến cố trở về cố hương được ghi đậm trong lịch sử Do Thái, đồng thời là đề tài suy tư đạo đức áp dụng cho mọi thế hệ Do Thái cho đến hôm nay.

Nếu vua Ky-rô đã có công phóng thích người Do Thái khỏi cảnh lưu đày, thì Đức Giê-su đã đến trần gian để cứu độ nhân loại khỏi ách tội lỗi. Trong lời ngợi khen của ông Da-ca-ri-a, là phụ thân của thánh Gio-an Tẩy giả, ông đã hát: “Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi…” (Lc 1.73). Các tác giả Phúc âm đã thuật lại giáo huấn và những phép lạ của Chúa Giê-su, nhằm giải thoát con người khỏi tối tăm của tội lỗi và ách thống trị của ma quỷ.

Đoạn Tin Mừng được đọc trong Chúa nhật này được coi như trọng tâm của Tin Mừng Gio-an. Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, là thành viên Công nghi Do Thái – tương đương với đại biểu quốc hội ở Việt Nam – Chúa Giê-su đã mạc khải về tình yêu thương và chương trình cứu độ của Chúa Cha. Chúa Cha sai Chúa Con xuống trần gian để diễn tả tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Tất cả những gì Chúa Con làm đều nhằm tới vinh quang Chúa Cha và ơn Cứu rỗi con người.

Nếu Chúa Cha sai Chúa Con xuống thế để đem hạnh phúc cho con người, thì con người phải thể hiện thiện chí của mình, để xứng đáng đón nhận hạnh phúc ấy. Thiện chí ở đây được hiểu là đức tin. Chúa Giê-su đã nói đến đức tin như một điều kiện để được sống đời đời: “Ai tin vào Con của Người (Chúa Cha), thì không bị lên án”. Sống giữa thế gian, chúng ta bị giằng xé giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những điều lương thiện và những điều xấu xa. Ai cố gắng nỗ lực vươn tới ánh sáng, sẽ dần dần thoát khỏi vòng cương tỏa của bóng tối. Ánh sáng đích thực chính là Chúa Giê-su. Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Người là Ánh sáng thế gian, như chính Người đã tuyên bố. Ai đi trong Ánh sáng huyền diệu này thì không còn phải đau khổ, vì họ được chiếu soi để biết đường đi nước bước và cách đối nhân xử thế, trở nên người vẹn toàn.

Mùa Chay là thời điểm để chúng ta nhìn lại việc theo Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Đức Giê-su là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Nhiều người mang danh Ki-tô hữu những có cuộc sống trái ngược với lý tưởng Ki-tô giáo, thậm chí còn là phản chứng của Tin Mừng. Lòng thương xót của Thiên Chúa là nền tảng giúp chúng ta sống ngay lành. Thánh Phao-lô giáo huấn các tín hữu Ê-phê-xô về lòng thương xót của Chúa Cha, và ngài khuyên: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa. Chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Bài đọc II).

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Hãy nhận ra lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với các tội nhân và đối với bản thân chúng ta. Nếu Thiên Chúa kiên nhẫn đối với chúng ta thì chúng ta cũng phải kiên nhẫn bao dung đối với những người xung quanh mình. Làm như thế là chúng ta phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa trong mọi môi trường sống của trần gian.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên