CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM B
18:00 20/09/2121
317
GHEN TƯƠNG ĐỐ KỴ
Những ai đọc tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa đều biết đến nhân vật Chu Du. Ông là một vị tướng giỏi, túc trí đa mưu, nhưng lại có tính ghen tương đố kỵ. Đối thủ của Chu Du là Gia Cát Lượng. Khi bị thua trận cách bẽ bàng, trước khi hộc máu miệng và chết, Chu Du đã thốt lên câu cảm thán và câu này đã trở thành kinh điển: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng!”. Thật thê thảm thân phận một con người nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ngó đâu cũng thấy tai hoạ! Hậu thế không khỏi xót xa cho một nhân tài mà không thắng nổi tính ghen tương của chính mình.
Ghen tương là sợ người khác hơn mình. Ghen tương có từ khi con người hiện hữu trên trái đất. Quả vậy, Cain ghen với Aben là em ruột, nên đã xuống tay đoạt mạng người em cùng huyết nhục. Tính ghen tương cũng hiện hữu nơi mỗi con người ở mọi thời đại, và đó là nguyên nhân gây nên biết bao đổ vỡ, thậm chí án mạng. Tác giả sách Khôn ngoan ghi lại những lời hằn học đố kỵ của những người mà ông gọi là “phường vô đạo” (Bài đọc I). Họ ghen tức với những người sống ngay chính, và những người không a dua theo thói sống mưu mô của họ. Họ bàn mưu tính kế để kết án và giết chết người công chính. Các nhà chú giải Kinh Thánh, dưới nhãn quan Kitô giáo, đã nhận ra đây là hình ảnh của Đức Kitô khổ nạn. Người đã cam lòng chịu chết cách bất công, để nêu gương bài học khiêm nhường, kiên nhẫn và phó thác nơi Thiên Chúa, như chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay là lời loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai của Chúa Giêsu. Cũng như các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu ước, Chúa sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị giết chết, nhưng Người sẽ sống lại. Lời loan báo này xem ra không gây chút ấn tượng nào nơi các môn đệ. Thánh Mác-cô đã làm độc giả ngạc nhiên khi ghi lại cuộc tranh cãi của các môn đệ xoay quanh đề tài “ai sẽ là người lớn nhất” vào lúc Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn thập giá. Người ta đặt câu hỏi: làm sao các môn đệ lại vô tâm trước những điều Đức Giêsu vừa nói? Thì ra, kể cả lúc Chúa tiên báo cuộc khổ hình đau thương mà Người sắp trải qua, các ông vẫn còn mơ về thời thiên sai theo nhãn giới phàm tục. Vì vậy, nghe Chúa nói về việc Người sẽ bị bắt bớ và bị giết, các ông “không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người”. Trong tâm trí các ông lúc đó, việc bình bầu ai là người lớn nhất còn đáng quan tâm hơn cả những gì Thày mình vừa nói về cuộc đau khổ và về thập giá.
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Đó là lời khẳng định của Chúa, cũng là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ. Chính Chúa đã thực hiện nơi bản thân Người bài học này. Là Thiên Chúa uy quyền cao sang, Chúa Giêsu đã hạ mình mặc lấy thân phận con người để sống cùng và sống cho con người, nhằm mưu cầu hạnh phúc của họ. Qua hình ảnh một em bé, Chúa muốn khẳng định, những ai muốn theo Người cần phải sống đơn sơ, phó thác để có thể trở nên môn đệ đích thực của Người. Lý tưởng của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với lối suy nghĩ thông thường của con người. Ở đời, ai cũng muốn nổi hơn người khác về mọi phương diện. Nếu thấy người bên cạnh hơn mình thì họ ghen tương, thậm chí tìm cách gài bẫy để loại trừ. Chúa Giêsu cũng đã là nạn nhân của sự ghen tương của con người, và Người đã phải chết trên thập giá.
Thánh Giacôbê hôm nay nói đến sự ghen tương giữa các thành viên trong cộng đoàn tín hữu (Bài đọc II). Theo tác giả, ghen tương và tà ý là nguyên nhân gây nên mọi điều xấu xa. Điều tác giả đề cập, vẫn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, kể cả trong những cộng đoàn đức tin. Ghen tương đến từ việc người ta không bằng lòng với khả năng và vị trí của mình. Cũng có khi vì thấy người khác thành công, nên muốn “dìm hàng” phê phán và hạ bệ người khác. “Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình” – lời khẳng định của Thánh Giacôbê cho thấy, những gì chúng ta làm với thiện ý và với trái tim chân thành, sẽ đóng góp xây dựng hòa bình nơi trần thế, đồng thời làm cho Vương quốc vĩnh cửu được hình thành ngay trong cuộc sống chúng ta.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, vì danh Thày, là đón tiếp chính Thày; và ai tiếp đón Thày, thì không phải là tiếp đón Thày, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thày”. Thật không ngờ, những việc nhỏ mọn lại có ý nghĩa cao cả đến thế. Nhờ những nghĩa cử bác ái đơn sơ, mà chúng ta được gặp Đấng cao cả, là Thiên Chúa và là Cha của chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên