Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
07:14 16/05/2020
362
Trong lịch sử cứu độ con người, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng từ công trình sáng tạo cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Chúa Thánh Thần chính là nguồn thánh hóa và biến đổi Giáo hội và con người trong thế gian này. Hôm nay, mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao Chúa Thánh Thần lại được tượng trưng bằng một chim bồ câu? Hình ảnh ấy có ý nghĩa gì?
Trước khi trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu lại hình ảnh chim bồ câu trong Kinh Thánh. Biểu tượng chim bồ là tính chất đơn sơ, trong trắng, thật thà, như lời Chúa Giêsu nói: “Các con hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim câu.” (Mt 10,6). Một biểu tượng khác, chim bồ câu là biểu tượng cho hoà bình khi chim câu ngậm cành ô liu. Nguồn gốc biểu tượng này bắt nguồn từ sách Sáng Thế. Sau khi lụt hồng thủy đã cạn rồi, ông Noe thả con chim câu ra, nó lượn một lát vội quay trở về miệng ngậm cành ô liu, cho thấy biết nước đã cạn rồi. Và cũng từ đó, hình ảnh con chim câu ngậm cành ô liu tượng trưng cho cảnh vật đã trở lại thanh bình.
Dựa theo tục lệ của người Do thái, họ dâng lễ phẩm cho Thiên Chúa bằng đôi chim câu.Thánh sử Luca (2,24) thuật lại rằng, ông Giuse và bà Maria dâng hài nhi Giêsu vào đền thờ, và sau đó đã chuộc lại với đôi chim câu. Hơn nữa, chim câu còn tượng trưng cho tình nhân được diễn tả trong sách Diễm tình Ca 1,15. Đôi mắt của cô nàng được ví như những bồ câu, cô ta được gọi là “bồ câu của anh ơi”. Trong cảnh Truyền Tin cho Đức Mẹ ở Nazareth, Sứ thần Gabriel nói: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên chị”. Hơn nữa, trong các Tin Mừng đều thuật lại, khi Chúa Giêsu lãnh phép rửa ở sông Jordan, các tầng trời mở ra, một chim câu đáp xuống trên Đức Giêsu, đồng thời có tiếng phán trên không trung: “Này là Con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.”
Trở lại với vấn đề lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta thấy sách tông đồ công vụ tả lại biến cố tại nhà tiệc ly, có các lưỡi lửa trên đầu Đức Mẹ Maria và các thánh tông đồ. Hình Lưỡi lửa này tượng trưng cho cái gì vậy? Lưỡi là cơ quan để nói, Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ ơn để nói. Nói lên chân lý, nói điều Thiên Chúa mạc khải, nói lên sự thật Chúa Giê-su đã phục sinh và sống lại.Tuy nhiên, lưỡi ở đây còn có nghĩa sâu hơn nữa. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh đều nhận thấy rằng, các Tông đồ nói, nghe và hiểu được các ngôn ngữ khác nhau. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống lật lại tình thế của tháp Baben, vì tội kiêu ngạo loài người đã bị phân tán thành nhiều ngôn ngữ bất đồng, chẳng ai hiểu ai nữa. Đây là khởi điểm cho các Tông đồ ra đi truyền giáo, và Giáo hội được khai sinh nhờ tác động, và quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cho nên, Giáo Hội Công Giáo được loan truyền và có ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có nhiều chủng tộc ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả đều hợp nhất trong một đức tin.
Điều sau cùng và quan trọng nhất là Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ Thần Chân Lý. Ngài là Thầy dạy tiếng nói tâm hồn và lương tâm con người. Khi trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, Đức Giêsu đã mạc khải cho các ông biết Người chính là “Thần Khí Sự Thật”. Ngài sẽ giúp cho các Tông đồ hiểu được những lời Ngài đã rao giảng. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ bào chữa cho các ông khi phải ra trước mặt quan toà để làm chứng cho sự thật: "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói" (Lc 12,11-12). Thật thế, nếu xét trên bình diện con người, các ông làm sao có thể thi hành một sứ mệnh cao cả và quan trọng đến như vậy. Bởi vì, các Tông đồ là những con người. Họ là những người quanh năm sống với nghề chài lưới, với sóng nước biển khơi, học vấn thì kém cỏi, đâu có khả năng diễn thuyết trước công chúng.Thế nhưng, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để làm chứng cho Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã chết và sống lại vì yêu con người. Trong bài giảng đầu tiên, Phêrô đã khuất phục được rất nhiều người, có khoảng 3.000 người tin theo đạo (Cv 2, 41).
Với những gì chúng ta tìm hiểu vai trò của Chúa Thánh Thần trong thế giới hôm nay, chúng ta có thể kết luận rằng, Chúa Thánh Thần đang thánh hóa và biến đổi thế gian này trở nên hoàn thiện. Và Ngài chính là Thầy dạy cho chúng ta biết đâu là sự thật, đâu là giả dối, đó là tòa án lương tâm. Con người sẽ nhận biết mình làm đúng hay sai. Ngài sẽ dạy cho ta biết lẽ công bình, biết nhận định tốt xấu, đó là nhờ ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn can đảm, ơn thông minh, ơn đức tin, và ơn kính sợ Chúa, mà Giáo Hội dùng qua những biểu tượng chim bồ câu, lửa, lưỡi.
Giờ đây, xin Chúa Thánh Thần biến đổi mọi người chúng ta trở nên can đảm và làm chứng cho Tin Mừng Nước Chúa hôm nay và mai sau. Amen.