Chúng tôi phải làm gì?

06:08 16/05/2020

279

Tác giả:Lm John Nguyễn

Khi được chịu Phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả, đoàn người kéo đến hỏi ngài: "Chúng tôi phải làm gì?" Họ vui sướng và hạnh phúc vì được làm con cái Thiên Chúa. Gioan bảo họ phải anh năn sám hối để chờ Chúa đến. Chúng ta nghe Tin Mừng hôm nay thấy có ba hạng người hỏi thánh Gioan Tẩy giả câu hỏi này: "Chúng tôi phải làm gì?". Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu lời giải thích của ngài.


     Thứ nhất, đám đông dân chúng hỏi: "Chúng tôi phải làm gì?" Ngài bảo họ phải làm những việc như sau: Họ phải sống công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Và họ phải sống công bằng. Công bình là giữ đúng luật pháp. Chẳng hạn, ai làm thì người đó được hưởng, không gian tham của người khác, hối lộ, tham nhũng, lấy của chung làm của riêng.
     Thứ hai, nhân viên thu thuế hỏi: "Chúng tôi phải làm gì?" Thánh Gioan Tẩy giả trả lời: “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Tại sao ngài lại dặn họ điều này, vì những người thu thuế là những người thường cho vay nặng lãi, bóc lộc sức lao động của người nghèo. Họ dùng quyền lực của đồng tiền để đàn áp và đưa người dân nghèo đến bước đường cùng. Gioan Tẩy giả dạy họ phải có lòng từ tâm và biết chia sẻ với người kém may mắn hơn họ, đừng chất lên vai họ những gánh nặng của nợ nần quá mức vì đồng lãi. Sám hối là phải thương cảm với nỗi khổ của người khác.


     Thứ ba, binh lính hỏi: "Chúng tôi phải làm gì?" Thánh Gioan nói với họ là phải có lòng nhân từ chứ đừng cậy quyền thế áp bức mà bóc lột người khác: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với mức lương của mình." Người lính là người đại diện cho những người có thế quyền trong xã hội. Họ có thật sự là người có tâm để bảo vệ cho người dân hay chỉ dùng uy quyền để ra tay đàn áp người dân. Nhà lãnh đạo là người không chỉ có tài mà đòi phải có đức thì mới có thể mang lại cho một đất nước tự do, dân chủ, hạnh phúc và thịnh vượng. Chúng ta có thể đưa ra một hình ảnh của nhà lãnh đạo tài đức của nước Mỹ. Đó là tổng thống George Washington, dân chúng gọi ông là vị cha già của dân tộc. Người dân Mỹ luôn ca ngợi và nhớ đến công ơn của ông. Nhà lịch sử học Henry Lee có lời nhận định: " Người đầu tiên trong chiến tranh, người đầu tiên trong hòa bình, và người đầu tiên nằm trong lòng dân tộc, ông là người có một không hai về đức tính khiêm nhường và trải qua những đoạn đời riêng tư. Lễ nghĩa, công bình, nhân đạo, ôn hòa, và thành thật; trước sau như một, trang nghiêm, và uy nghi; mẫu người của ông như đang soi sáng cho tất cả những người quanh ông cũng như những hiệu ứng của mẫu hình này vẫn đang trường tồn... Cái xấu bị rúng động trước sự hiện diện của ông và cái đẹp luôn cảm thấy có bàn tay giúp đỡ của ông. Đức tính cá nhân thanh khiết của ông đã thắp sáng đức độ phục vụ dân công chúng của ông... Ông là một người đàn ông như thế, người đàn ông mà quốc gia chúng ta đang thương tiếc."


            Thế thì, hôm nay chúng ta phải làm gì đây? Chúng ta đang chờ Chúa đến, chúng ta mong ơn phúc từ trời ban phát cho mình, mà lòng chúng ta có sám hối, có thay đổi, có từ tâm, có lòng bác ái và yêu thương không? Đó là câu hỏi cho mỗi người chúng ta trả lời và tự chất vấn lương tâm của mình.

            Tóm lại, những việc cụ thể rút ra từ Tin Mừng hôm nay, chúng ta không phải tìm đâu những nơi xa xôi, nhưng là hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, và với những người sống chung quanh mình. Điều cần chúng ta không phải đổi nơi ở, nhưng là thay đổi chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Đó là con đường dẫn chúng ta đến gần Chúa, gặp được Chúa và lãnh nhận được niềm vui và ơn cứu độ. Amen.