Con Chiên Ngoan Đạo

06:57 16/05/2020

270

Tác giả:Lm John Nguyễn

“Con van xin yêu Ngài làm con chiên ngoan đạo,
Con van xin yêu Ngài dù năm tháng phôi pha,
Con van xin yêu Ngài dù đời bao giông tố,
Thương tin yêu nguyện cầu, nguyện dâng Cha đời con.”

Trong bài hát này, tác giả mong muốn được trở thành“con chiên ngoan đạo.” Một con chiên ngoan, một con chiên biết yêu thương, một con chiên biết vâng lời, một con chiên biết dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Hình ảnh con chiên dễ thương, hiền lành và ngoan ngoãn. Con chiên là biểu tượng có nhiều ý nghĩa trong Kinh Thánh và trong phụng vụ mà chúng ta cần tìm hiểu trong bài Tin Mừng hôm nay.


Con chiên là loài gia súc phổ biến tại vùng Trung Đông. Chiên được ghi nhận là một trong những loài vật được nuôi làm gia súc đầu tiên (St 4,4). Trong văn hóa Do Thái, chiên rất gần gũi với người (II Samuen 12,1-6).Thánh Kinh Cựu Ước không dùng thành ngữ Con Chiên Thiên Chúa, nhưng hình ảnh chiên con được dùng làm vật hy tế rất quen thuộc đối với người Do Thái. A-ben là người đầu tiên đã dâng chiên làm lễ vật cho Thiên Chúa. A-ben đã dâng chiên để bày tỏ lòng biết ơn Chúa. Thiên Chúa đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông, vì ông dâng lên Thiên Chúa với lòng thành kính, còn Ca-in và lễ vật của ông thì Thiên Chúa chối từ. Ca-in giận dữ, sa sầm nét mặt, vì lòng ganh tỵ, Ca-in đã giết chết A-ben người em của mình (St 4,4). Trong sách Khải Huyền 13,8, thành ngữ “Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế” liên hệ đến câu chuyện này. Tác giả sách Khải Huyền đã dùng thành ngữ đó để chỉ về Chúa Giê-su. Ngài là Chiên Con bị giết từ buổi sáng thế để giải quyết hậu quả của tội lỗi mà tổ phụ loài người đã gây ra.


Trong Thánh Lễ, chúng ta đọc,“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Đây là lời của thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái. Chiên Thiên Chúa là một danh hiệu được dùng để chỉ về Chúa Giê-su. Con Chiên được dùng làm hy tế cho Thiên Chúa. Hơn nữa, đặc tính của con chiên còn là biểu tượng cho những người hiền lành, vâng lời và đạo đức.Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái. Chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi nô lệ và tăm tối. Máu chiên đã giúp họ khỏi phải chết và đưa họ về miền Đất Hứa. Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc hy tế đời mình để chuộc tội cho nhân loại, Chúa Giêsu chính là Con Chiên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là con chiên hiền lành.Người đã hy sinh gánh lấy tội lỗi cho nhân loại. Điều này đã được hoạch định theo thánh ý của Thiên Chúa Cha và được mặc khải nơi Đức Giêsu. Ngài đã đến thế gian để thực hiện chương trình cứu rỗi cách đây hai ngàn năm. Người tin vào Chúa hãy biết tri ân sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giê-su và trông mong ngày gặp lại Con Chiên Thiên Chúa lần thứ hai trên thiên đàng.


Mỗi người chúng ta có thể là những con chiên đi hoang đàng vì bao năm cách xa Chúa, chạy theo dòng đời, bỏ quên tình Chúa, đánh mất niềm tin, thì hôm nay chúng ta biết quay trở về đoàn chiên của Chúa, trở thành con chiên hiền lành, khiêm tốn, và biết lắng nghe tiếng gọi Chủ Chăn, chính là Chúa Giêsu: "Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong,và không ai cướp chúng khỏi tay tôi.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tự hiến đời mình, như một của lễ dâng lên Thiên Chúa, để mọi người chúng con biết sống yêu thương, hiệp nhất, chia sẻ trong cùng một đoàn chiên của Chúa.