Đám Cưới Của Hoàng Gia
04:42 16/05/2020
274
Vào ngày 29/4/2011 tại London, khi cô dâu Kate tiến vào lễ đường trong chiếc váy cưới màu trắng, chú rể William thốt lên: "Em đẹp quá!". Đôi uyên ương đọc lời nguyện ước và hình ảnh rước dâu bằng xe ngựa đẹp như truyện cổ tích trên đường phố London. Đây là một sự kiện được mệnh danh là "Lễ cưới thế kỷ" của nước Anh. Những vị khách mời là những nhân vật quan trọng và các ngôi sao nổi tiếng, họ lần lượt tới Tu viện Westminster nơi diễn ra lễ cưới giữa Hoàng tử William và Kate Middleton. Có tổng cộng 1.900 khách mời được dự nghi lễ trong Tu viện Westminster. Cả khán phòng im lặng lắng nghe lời giao ước của William và Kate. Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh(em). Ngoài ra các vị khách quý, số người tham dự buổi lễ có khoảng 6.000 người bên ngoài Tu viện Westminster và các con đường có các hoạt động của lễ cưới, có khoảng 5.000 cảnh sát bảo vệ trật tự an ninh. Lễ cưới của Hoàng tử William và Kate Middleton lên tới 68 triệu USD. Đám cưới của hoàng tử William và Kate Middleton như là truyện cổ tích trong thời đại này.
Từ câu chuyện đám cưới của hoàng gia có thể đưa chúng ta có một cách nhìn cụ thể hơn về tiệc cưới, mà Chúa Giêsu dùng để minh họa về tiệc cưới Nước Trời. Tuy nhiên, tiệc cưới của hoàng tử diễn ra khác hẳn với dự định của nhà vua. Tất cả mọi sự đã sẵn sàng, bàn tiệc, thịt béo, rượu ngon đã dọn sẵn. Nhà vua sai các đầy tớ đi mời khách dự tiệc đến, nhưng họ đã chối từ, không đếm xỉa tới và họ đã bỏ đi. Người thì làm vườn, kẻ thì đi buôn, kinh doanh, và có kẻ đã sỉ nhục và giết chết các đầy tớ của nhà vua. Bấy giờ, nhà vua bảo các đầy tớ đi ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, dù tốt hay xấu cũng được đưa về dự tiệc cưới. Trong bữa tiệc đó, có một người không mặc y phục lễ cưới, nhà vua hỏi anh ta: " Này bạn, làm sao bạn đến đây mà lại không có y phục lễ cưới?". Thế là nhà vua bảo người phục vụ chói chân tay anh ta lại và quăng anh ta ra chỗ tối tắm, ở đó, anh ta phải khóc lóc nghiến răng. Chúa Giê-su nói thêm: " Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
Dụ ngôn này, Chúa Giê-su giải thích cho các thượng tế và người Pharisêu, họ phải gánh lấy tất cả trách nhiệm và tội lỗi vì khước từ Đức Giê-su Ki-tô, chính Ngài là Hoàng Tử được sai đến trần gian để rao giảng Nước Thiên Chúa. Thiên Chúa mời họ và chúng ta đến dự tiệc cưới, nơi đó có chỗ cho mọi người. Những người đầy tớ chính là các ngôn sứ đến rao giảng sự công bình, lòng thương xót của Người, nhưng họ vẫn không nghe lời mời gọi của Thiên Chúa, nên dân Do thái cũng không nghe lời Chúa Giê-su. Cho dù, đó là bữa tiệc của hoàng tử nhưng khách được mời vẫn không đến tham dự. Đám cưới của hoàng tử trở nên buồn tẻ và thật bại, thế nên nhà vua đã cho mời tất cả mọi người đến dự tiệc không phân biệt kẻ tốt xấu. Tiệc cưới này khác hẳn với tiệc cưới các hoàng tử trần gian. Lòng thương xót Thiên Chúa là đón nhận và tha thứ cho kẻ tội lỗi biết quay trở về để được vào dự tiệc trên trời trong vinh quang của Ngài.
Đám cưới là một kết quả tình yêu bền vững cho đôi vợ chồng. Tình yêu đó được ký kết qua lời giao ước của hai người. Họ thề hứa sống với nhau trọn đời. Bản chất tình yêu là sự trao ban cho nhau, thì tiệc cưới của Con Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã ký kết và thiết lập với con người bằng Máu và Nước của Đức Ki-tô. Ngài chết thay cho nhân loại. Bữa tiệc vĩ đại dành cho tất cả mọi người trên thế gian này. Tiệc cưới Con Chiên Thiên Chúa mang lại nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Ấy thế mà có kẻ đã khước từ, chối bỏ tình yêu và nguồn ơn phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Bữa tiệc không tốn tiền, không xa hoa lộng lẫy, không có mang dáng vẻ oai phong của một hoàng tử thế quyền cao sang. Trái lại, Hoàng Tử Gie-su chỉ mặc chiếc khăn liệm và đầu đội mão gai. Tiệc cưới đầy đau thương và nước mắt. Tiệc cưới này đã trở thành một lễ tế hy sinh cho nhân loại. Tiệc cưới đó chính Chúa Giê-su thiết lập bằng chính Thịt và Máu Ngài, nhờ đó, nhân loại được sống và sống dồi mỗi khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa.
Thánh lễ là một bữa tiệc quý giá của Thiên Chúa ban tặng nhưng không. Tiệc cưới của Hoàng Tử Thiên Chúa luôn trường tồn và vĩnh cửu. Giáo Hội là tập thể những người được mời dự tiệc, không phân biệt giai cấp giàu nghèo, màu da, ngôn ngữ. Lời Chúa và Mình Thánh Chúa là của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn. Chiếc áo cưới trong trắng, Chúa đã ban cho chúng ta trong bí tích Rửa Tội và Giải Tội là điều kiện xứng đáng dự bàn tiệc thánh. Tiệc Thánh hôm nay bảo đảm cho tiệc cưới trong Nước Trời mai sau.