ĐIỀU RĂN NÀO LÀ QUAN TRỌNG NHẤT?

01:45 19/05/2020

367

Tác giả:Lm John Nguyễn

Câu chuyện vụ đổi 100 đôla bị phạt 90 triệu đồng đã gây nhiều tranh cãi. Chuyện quá vô lý, nhưng lại có thật. Một thợ điện 38 tuổi tại thành phố Cần Thơ cho biết, anh bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt số tiền 90 triệu đồng vì anh mang 100 USD ra tiệm vàng để đổi tiền Việt. Cơ quan chức năng kết luận rằng, anh đã vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ. Họ dựa vào luật để xử phạt một người dân nghèo khổ như thế, thì hỏi tình người có còn nữa chăng? Một thứ luật cứng nhắc và không có tính thực tế trong quan lý. Trong thế kỷ 21 này, chúng ta vẫn còn thấy những thứ luật vô lý xẩy ra trong cuộc sống, điều đó nói lên rằng, có những thứ luật lệ giết chết con người và làm ra những gánh nặng cho nhau.


Điều này cũng đã xẩy ra cách đây hơn 2000 năm, những người Do-Thái vào thời Chúa Giêsu, họ có tất cả 613 điều luật cấm kỵ. Họ sống bị ràng buộc bởi những luật lệ, và họ không biết luật nào là quan trọng. Cuộc tranh luận đã xẩy ra giữa Chúa Giê-su với kinh sư. Họ đặt câu hỏi với Chúa Giê-su giới luật nào là quan trọng nhất? Ngài trả lời hai giới luật quan trong nhất, đó là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi".


Đạo của các luật sĩ và biệt phái thờ phượng Thiên Chúa, chính là giữ tất cả các luật lệ. Họ coi đó là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên án các luật lệ của các luật sĩ và biệt phái vì đó không phải là luật của Chúa muốn.     


Ngài nói đến ý nghĩa chân chính của lề luật, đó là giới luật của Tình Yêu. Bởi vì, khi người ta chỉ quan tâm đến những hình thức bên ngoài, giữ luật lệ bên ngoài, họ đã hiểu sai lề luật, thay vì luật chỉ là phương tiện, họ lại coi là mục đích. Người ta rơi vào lối sống vụ luật, câu nệ, và coi việc chu toàn lề luật để được an toàn, đó chỉ là thứ an tâm giả tạo và đạo đức giả. Chúa Giê-su dạy họ bằng dụ ngôn “Người Samaritano Nhân Lành.”


Đó là một người bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống dở chết. Bấy giờ, có một thầy tư tế tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương liền dừng lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. Ngày hôm sau, ông lấy tiền đưa cho chủ quán.


Theo ngươi nghĩ, trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp?" Kinh sư thưa: "Ấy là người đã bày tỏ lòng thương đối với nạn nhân."Chúa Giê-xu phán: "Hãy đi, làm theo như vậy."


Luật của Chúa nhấn mạnh đến con người. Chúng ta không được tách lòng yêu mến Thiên Chúa ra khỏi lòng yêu mến con người. Lòng yêu mến con người là thước đo lòng yêu mến Thiên Chúa và ngược lại, lòng yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương tha nhân. Thánh Gioan nói: “ Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, đó là kẻ nói dối.”


Luật làm ra là để cứu sống chứ không phải giết chết. Đây chính là chân lý và nền tảng của lề luật mà Chúa Giê-su bày tỏ cho con người. Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách là nâng cao sự hoán cải trong lòng của kẻ giữ luật. Vì chính tự đáy lòng con người làm nên tất cả, nó là trung tâm của tội ác,là phân định chọn lựa, sự lành hay sự dữ từ bên trong lòng người phát xuất ra những điều xấu. Đâu phải cứ gươm dao, súng đạn mới giết chết con người, mà nhiều khi chỉ những lời phê bình, chỉ trích, nói xấu, ghen ghét và hận thù cũng đủ để làm hại và giết chết người khác.


 Tóm lại, nền tảng của lề luật của Chúa là: “Mến Chúa yêu người” mà Chúa Giê-su muốn chúng ta tuân giữ. Chính Đức Giê-su, Ngài ban hành lề luật và chu toàn lề luật hoàn hảo nhất. Lề luật đó không còn ghi trên bia đá nữa nhưng được ghi trên thập giá, để chứng mình giới luật yêu thương mà Ngài đã sống và rao giảng.
Thưa quý ông bà anh chị em, ngày nào luật chỉ được tuân giữ chỉ vì hình thức bên ngoài, thì ngày đó luật nghiền nát và bóp chết con người. Nhưng ngày nào giới luật yêu thương của Đức Kitô đi sâu vào lòng con người, làm biến đổi và hoán cải con người, thì ngày đó luật mới thật sự là phương tiện dẫn đến sự công chính và xứng với phẩm giá con người. Amen.