Đối Thoại với Tin Lành - Ảnh tượng Chúa và các Thánh
09:17 18/06/2020
776
D. Công Giáo sử dụng tượng ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh thì có trái với Kinh Thánh không?
- Lập luận chống đối 1: Trong các điều răn, Chúa cấm tạc mọi loại tượng ở câu "Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ." (Xh 20, 4, đối chiếu Lv 19, 4)
---------------------------------------------------
- Lập luận chống đối 2: Người Công Giáo rất hay cầu nguyện, cúi chào trước tượng. Điều này trái với Kinh Thánh ở câu "Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ" (Xh 20, 5)
---------------------------------------------------
- Lập luận chống đối 3: Chúa lên án việc tạc tượng ở câu sau: "Tượng thần chư dân chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành. Có mắt có miệng, không nhìn không nói, có hai tai, mà chẳng thể nghe chi, không chút hơi thở nơi mồm nơi miệng. Ước gì kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần, cũng giống như chúng vậy!" (Tv 134, 15-18)
---------------------------------------------------
- Lập luận chống đối 4: Tượng ảnh không có ích gì cho Đức tin.
---------------------------------------------------
- Lập luận chống đối 5: Theo Kinh Thánh Tin Lành tiếng Việt năm 2011 có câu sau "Vậy, vì là dòng giống của Ðức Chúa Trời, xin chúng ta đừng nghĩ rằng Ðức Chúa Trời giống như một tác phẩm bằng vàng, bạc, hoặc đá, do óc nghệ thuật và trí tưởng tượng của con người tạo nên." (Công Vụ Sứ Đồ 17, 29). Điều này chứng tỏ Chúa cấm tưởng tượng ra hình ảnh Ngài rồi tạc tượng.
================================
- Ngược lại thì,
+ Hội thánh Tin Lành Lutheran (giáo phái này là truyền nhân trực tiếp của ông tổ Cải Chánh Martin Luther) cũng sử dụng tượng ảnh trong nhà thờ của họ. Họ còn đặt cả tượng Đức Mẹ trong nhà thờ (ví dụ nhà thờ Lutheran Saint-Pierre-le-Jeune ở Strasbourg, Pháp).
+ Trong Cựu Ước Chúa còn ra lệnh cho Mô-sê: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống." (Ds 21, 8-9).
Khi dân chúng phải nhìn đến tượng rắn đồng để được chữa lành, họ không thờ phượng con rắn, như được minh chứng bởi sự kiện là nhiều năm sau khi họ chuyển sang thờ thần rắn, thậm chí đặt tên cho nó là thần Nehushtan, vua Hezekiah đã ra lệnh tiêu hủy tượng rắn ấy (2 Vua 18, 4).
+ Chúa Cha trong Cựu Ước là vô hình, nhưng "Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo." (Cl 1, 15).
================================
- Mình trả lời rằng, Công Giáo (CG) không thờ ảnh tượng và quan niệm của CG về ảnh tượng khác xa các tôn giáo khác. Ảnh tượng có hai nguyên lý khác nhau thế này mà cơ bản bằng lý trí con người cũng có thể hiểu được.
Nguyên lý thứ nhất: bạn nhìn ảnh người quá cố thì chắc chắn không tin bức ảnh đó là người quá cố, và người quá cố không có đang hiện diện trước mặt bạn.
Nguyên lý thứ hai: nhưng khi có một kẻ nào đó quăng di ảnh của người thân bạn xuống đất và dẫm đạp lên nó với ý xúc phạm thì bạn có giận dữ không? Tuy bạn biết rằng giẫm đạp lên ảnh không phải là chà đạp lên mặt người thân của bạn, nhưng bạn tức giận vì thái độ xúc phạm của hắn. Người CG khóc vì sự xúc phạm của kẻ tội lỗi dành cho những người họ tôn kính.
Công Đồng/Giáo Hội Nghị Trent (1545-1563) đã tái khẳng định: "Hình ảnh của Chúa Kitô, Mẹ Thiên Chúa Đồng trinh, và các Thánh được đặt và được tôn kính trong nhà thờ không phải là vì có thiên tính hay quyền năng gì trong các ảnh tượng ấy, hay là chúng ta có thể cầu xin từ ảnh tượng hay có thể đặt đức tin vào trong ảnh tượng. Sự tôn kính dành cho các ảnh tượng thật ra là được dành cho đối tượng mà ảnh tượng đó thể hiện."
Công Đồng còn định nghĩa tội thờ ngẫu tượng là "thờ các tượng thần và hình ảnh như thờ Chúa, hoặc tin rằng những tượng ấy thánh thiêng hay có đức tính đáng được thờ phượng, để cầu xin, hay đặt tin tưởng nơi các tượng thần ấy" (điều 374), tức là xem tượng ảnh có Chúa hay các Thánh ngự bên trong.
================================
- Trả lời lập luận chống đối 1: Trước hết, mình cần đọc kỹ lại cả câu, không bỏ ý nào: "Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, ĐỂ MÀ THỜ." (Xh 20, 4).
Chúa chỉ cấm tạc tượng "để mà thờ" mà thôi. Chúa vẫn cho phép Môsê tạc tượng con rắn đồng (Xh 20, 5) và ra lệnh tạc tượng thiên thần Cherubim ở rất nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh (Xh 25, 18-20; 1 Sbn 28, 18-19; Ed 41, 17-20; 2 Vua 6, 23-28; và 2 Sbn 3, 8-13). Nếu Chúa cấm tạc mọi loại tượng với mọi mục đích, vậy chẳng lẽ Ngài lại tự mâu thuẫn với chính mình khi lại ra lệnh tạc tượng ở các đoạn nêu trên?
---------------------------------------------------
- Trả lời lập luận chống đối 2: Trong Kinh Thánh, việc cúi chào thì không tương đương với việc thờ. Mình xem xét các đoạn sau:
+ "Hai sứ thần đến thành Xơ-đôm vào buổi chiều; ông Lót lúc ấy đang ngồi ở cửa thành Xơ-đôm. Vừa thấy các ngài, ông Lót đứng lên ra đón các ngài và cúi sấp mặt xuống đất." (St 19, 1)
Ông Lot đã cúi sấp mình để đón chào hai sứ thần. Vậy việc ông Lot cúi mình đồng nghĩa với việc ông thờ hai sứ thần thay vì thờ Chúa?
+ "Người đến sát nơi tôi đứng. Thấy người đến, tôi kinh hãi, ngã sấp mặt xuống. Người [thiên thần Gáprien] bảo tôi: “Hỡi con người, hãy hiểu là thị kiến này nói về thời cùng tận." (Đn 8, 17)
Tiên tri Đanien cúi sấp mình trước thiên thần Gáprien. Vậy ông Đanien cũng thờ thiên thần thay vì thờ Chúa?
+ "Này Ta sẽ bắt chúng đến phủ phục dưới chân ngươi và nhận biết rằng Ta đã yêu mến ngươi." (Kh 3, 9b)
Chính là lời Chúa Giêsu trong thị kiến Khải Huyền, đã bắt những tên đạo đức giả phủ phục dưới chân Gioan. Vậy họ đang thờ Gioan chứ không thờ Chúa? Việc cúi chào cũng xuất hiện ở nhiều đoạn khác (1 Vua 1, 31; 1 Vua 2, 19; St 33, 3...)
---------------------------------------------------
- Trả lời lập luận chống đối 3: Đọc đoạn này mình thấy rõ Chúa lên án những kẻ "tin ở tượng thần" (Tv 134, 17), chứ không cấm tạc tượng (xem Trả lời lập luận chống đối 1). Việc đặt niềm tin vào tượng ảnh thì Giáo Hội hoàn toàn lên án và được tái khẳng định ở Công Đồng Trent.
---------------------------------------------------
- Trả lời lập luận chống đối 4: Đối với người CG, tượng ảnh không phải là đồ thờ. Tượng ảnh là công cụ giúp mọi người quy tụ xung quanh mà họp nhau cầu nguyện: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." (Mt 18, 19-20).
Thánh giáo phụ John Damascene (675 - 749) đã nói như sau về nét đẹp thiêng liêng của các ảnh tượng thánh: "Vẻ đẹp và mầu sắc các ảnh thánh kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một lễ hội cho đôi mắt tôi, cũng như phong cảnh đồng quê kích thích tâm hồn tôi ca tụng vinh quang của Thiên Chúa".
---------------------------------------------------
- Trả lời lập luận chống đối 5: Ban đầu đọc thì mình sẽ dễ lầm tưởng Phaolô yêu cầu mọi người không được tạc tượng Thiên Chúa theo trí tưởng tượng. Điều đáng chú ý là: câu này của Tin Lành đã bị dịch ép chữ! Trong câu này có 2 chữ Đức Chúa Trời (ĐCT), chữ ĐCT đầu tiên, theo nguyên bản Hy lạp thì là chữ Θεοῦ (của Thiên Chúa, của Đấng Tối Cao), nhưng chữ ĐCT thứ hai, thì lại sử dụng chữ Θεῖον (thần linh, thần thánh). Đây là hai chữ khác nhau! Khi mình xem lại bản dịch Công Giáo mình của nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV), thì thấy nhóm sử dụng hai chữ khác nhau là "Thiên Chúa" và "thần linh", chứ không dùng chung một chữ như bản dịch Tin Lành:
"Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá." (Cv 17, 29)
Đọc kết hợp với câu sau, mình sẽ hiểu rõ ra ý nghĩa: "Tên Phaolô ấy đã thuyết phục và làm cho một đám đông đáng kể thay lòng đổi dạ, khi hắn nói rằng thần linh do tay người làm ra không phải là thần." (Cv 19, 26). CG không bao giờ xem tượng ảnh có tính thánh thiêng, mà tượng ảnh chỉ là công cụ giúp cầu nguyện.
Trong bản dịch tiếng Anh English Standard Version, thì cũng có sự phân biệt hai chữ này. Họ sử dụng hai chữ khác nhau "God" và "divine being", chứ không sử dụng chung một chữ:
"Being then God’s offspring, we ought not to think that the divine being is like gold or silver or stone, an image formed by the art and imagination of man." (Acts 17, 29)
================================
Chú thích thêm:
- Trích dẫn trong sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo:
"Ngay từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dạy hoặc cho phép làm ra những hình ảnh được coi là những biểu tượng dẫn tới ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời Nhập thể: đó là con rắn bằng đồng, Khám Chứng thư và các thiên thần sốt mến." (số 2130)
"Sự tôn kính tượng ảnh của Kitô giáo không nghịch với điều răn thứ nhất cấm các ảnh tượng, do sự tôn kính tượng ảnh là hướng lên khuôn mẫu uyên nguyên, và khi người ta tôn kính một ảnh tượng, người ta tôn kính vị có hình ảnh đó. Sự tôn kính các ảnh tượng chỉ là một sự cung kính chớ không phải là một sự tôn thờ, vì sự tôn thờ chỉ được dành cho một ḿnh Thiên Chúa." (số 2132)
- Bản thân Martin Luther cật lực phản đối các thành phần đập phá ảnh tượng Thánh. Khoảng năm 1521-1522, khi Luther đang lẩn trốn trong lâu đài Wartburg, một trong những đồng nghiệp của ông tại Đại học Wittenberg là giáo sư Andreas Karlstadt đã kích động dân chúng xông vào các nhà thờ, đập phá tất cả các ảnh tượng Thánh, và phá vỡ các tấm kính màu. Điều này khiến Luther phải rời nơi ẩn náu và đến tận nơi để chỉ trích Karlstadt dữ dội. Ông còn dành tám bài giảng để nói về vấn đề tượng ảnh. Luther xem tranh ảnh tượng Thánh là công cụ giúp giáo dục các tín hữu khi họ đọc và suy gẫm Thánh Kinh. Theo ông, tranh ảnh bổ trợ và làm sống động thêm cho Lời Chúa. Ông vẫn trích các đoạn sách Cựu Ước để bảo vệ việc làm ra các tranh ảnh Thánh. (Luther's Works: Church and Ministry II, vol 40).
Trong cuốn Kinh Thánh tiếng Đức do Luther dịch và xuất bản, ông vẫn cho vẽ rất nhiều họa tiết, minh họa các câu chuyện Kinh Thánh, nhưng khi cuốn Kinh Thánh đến tay những người ủng hộ việc đập tượng, điển hình như bá tước Joachim thành Ortenburg, thì họ đã cho tẩy xóa hết mọi hình ảnh này.
Thêm điều đáng buồn là các nhà cải chánh sau Luther như John Calvin, Huldrych Zwingli, John Knox... lại càng điên cuồng, ra sức phát động phong trào thiêu đốt các ảnh tượng Thánh, phá hoại di sản hàng thế kỷ của nhân loại. Nhiều nhà thờ ở châu Âu hiện nay vẫn còn vết tích của cuộc phá hoại này. Gần đây, vào năm 2015, Hội Thánh Tin Lành Đức (EKD - Evangelical Church in Germany) đã công khai xin lỗi vì hậu quả của phong trào đập phá tượng Thánh.
--------------------------
Đọc thêm bản cũ của Phần 13: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/580294892505672
Khanh Nguyen