Đối Thoại với Tin Lành - Chủ trương Sola Fide (Duy Đức Tin)
09:25 18/06/2020
698
Về chủ trương Sola Fide (Duy Đức Tin) của Tin Lành
Các bạn sẽ hiếm khi nào thấy người Tin Lành làm những việc như ăn chay, hãm mình, đọc kinh đền tội... bởi vì họ cho rằng ơn cứu rỗi không phải do việc làm, nhưng mà chỉ bởi Đức tin mà thôi. Những việc làm bác ái, đạo đức, theo họ, thì không mang lại lợi ích gì cho ơn cứu rỗi. Tin Lành cho là loài người chúng ta là thấp hèn nên việc làm của chúng ta là vô nghĩa và không đủ để công chính hóa. Trong phim hoạt hình Chuột đầu bếp Ratatouille, khi chàng Linguini bị ông Skinner (à, là cái ông lùn lùn ấy) hỏi rằng mẹ cậu đâu, thì Linguini đáp rằng "Mẹ cháu tin có Chúa, nên mẹ cháu sẽ ở trên thiên đàng" (phim tuy lấy bối cảnh ở Pháp, nhưng được hãng Pixar của Mỹ sản xuất). Đối với người Tin Lành, đặt trọn niềm tin vào Chúa là đủ! Ơn cứu rỗi chỉ hoàn toàn nhờ bởi Đức Tin!
Bởi vậy nếu các bạn khuyên người TL "Ê, đừng có đi mà học thuộc Kinh Thánh nữa, thay vào đó, đi làm việc bác ái đi!" thì nó ... không có tác dụng gì đâu!
Mình cần tìm hiểu thế nào là được cứu (tiếng Anh là saved)? Trước tiên, thì cần phân biệt 3 giai đoạn của sự cứu độ:
+ Ban đầu: chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ ban đầu là nhờ vào bí tích thanh tẩy.
"Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới." (Rm 6, 3-4)
+ Hiện tại: sự thánh hóa, công sức, nỗ lực của chúng ta chính ngay bây giờ
"Ấy vậy, anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ." (Pl 2, 12)
+ Tương lai: sự cứu độ sau cùng sau ngày phán xét
"Chúng ta phải nộp con người đó cho Xa-tan, để phần xác nó bị hủy diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa." (1 Cr 5, 5)
Người CG chúng ta hiểu được cứu độ là cả một quá trình, chứ không phải là ở một thời điểm, đùng một cái rồi xong.
Cuộc tranh luận giữa CG và TL về vấn đề Sola Fide này rất khó khăn, vì phải liên kết rất nhiều câu Kinh Thánh. Ở bài này, mình chỉ chú trọng vào câu trong thư Êphêsô mà TL rất thường sử dụng để khẳng định lập trường của họ:
1/ "Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện." (Ep 2, 8-9)
Trong câu này thì mình chú tâm vào ba cụm "anh em được cứu độ", "bởi việc anh em làm", và "có thể hãnh diện".
Cụm "anh em được cứu độ", tiếng Anh là "you have been saved". Trong tiếng Hy lạp (và cả trong tiếng Anh), đây là thì hiện tại hoàn thành, tức là chỉ điều gì đó trong quá khứ, và đã hoàn thành. Nên dịch sát nghĩa hơn sẽ là "anh em đã được cứu độ", chứ không phải "anh sẽ được cứu độ". Vì thế ơn cứu độ mà thánh Phaolô nói ở đây là ơn cứu độ Ban Đầu, chứ không phải ơn cứu độ Hiện tại hay Tương lai. Cộng đoàn Êphêsô được ơn trở lại đạo nhờ sự tuyên xưng Đức tin của họ, thì đó quả thật là một ân sủng, là món quà từ Chúa, chứ họ không cần phải làm việc gì cả. Cần nhớ: ân sủng này là ơn cứu độ Ban Đầu.
Quan trọng hơn là cụm từ "việc anh em làm" trong các thư của Phaolô thường là chỉ việc làm theo luật Môsê. Điểm mà ông muốn nhấn mạnh chính là chúng ta được cứu bởi đức tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ việc tuân thủ luật Môsê. Đến đây mình cần xem xét kỹ bối cảnh: người Do Thái thời đó thường tự hào, và "có thể hãnh diện", do họ nghĩ là mình được Chúa ưu ái cách riêng vì họ được Chúa trực tiếp ban cho Lề Luật. Họ nói rằng ai không giữ Luật, không chịu phép cắt bì, thì sẽ không được công chính hóa, và sẽ không được ơn cứu độ. Thánh Phaolô khẳng định mạnh mẽ rằng chúng ta đều như nhau trước mặt Chúa, và Chúa không hề thiên vị bất cứ dân nào hơn dân nào:
"Người sẽ bắt mọi kẻ làm điều ác phải gian nan khốn khổ, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Nhưng Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai." (Rm 2, 9-11)
"Còn bạn, bạn mang tên là người Do-thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay lẽ phải; [...] Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!" (Rm 2, 17-23)
Kết luận rằng, chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ Ban đầu là nhờ ân huệ Chúa ban. Chúng ta có được nó là nhờ đức tin vào Chúa Kitô (chính đức tin này là quà tặng cho không của Chúa), nhờ việc lãnh nhận phép rửa, chứ không phải nhờ luật Môsê. Dù là dân Do Thái hay dân ngoại, không ai hơn ai trước mặt Chúa.
Dưới đây là những câu KT khác mà đôi khi Tin Lành cũng dựa vào mà lập luận, và mình cũng có thể phản biện theo cách tương tự:
2/ "Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy." (Rm 3, 28)
Martin Luther (ông tổ của phong trào Cải Chánh) đã dựa vào câu này mà đề ra chủ trương Sola Fide. Nhưng khi phân tích, mình sẽ thấy ông đã phạm sai lầm sơ đẳng là không đặt bản văn Kinh Thánh vào đúng bối cảnh lịch sử bấy giờ. Chữ "Luật" ở đây là Luật Môsê, chứ không phải luật của Chúa hay Giáo luật của Công giáo. Luther do nhìn thấy tư tưởng của hai thánh Phaolô và Giacôbê đối lập nhau, nên ông đã bối rối và quyết định loại bỏ thư Giacôbê, gọi thư Giacôbê là "lá thư rơm rạ". Thay vì dựa vào sự thật khách quan của Kinh Thánh thì ông lại quá ỷ vào suy nghĩ chủ quan của mình. Ngoài ra, ông còn gọi các thư Giacôbê, Giuđa, Do thái, và sách Khải Huyền là Ngụy Thư trong bản dịch Kinh Thánh của ông.
Đọc các câu tiếp theo thì mình sẽ thấy rõ bối cảnh của văn mạch: "Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa" (Rm 3, 29)
3/ "Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy." (Gl 2, 16)
Cũng tương tự, phải đặt câu văn vào toàn bộ bối cảnh của văn bản thì mới thấy được ý nghĩa của chữ "Luật" này.
Mình đọc câu trước đó: "Chúng ta bẩm sinh là người Do-thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại." (Gl 2, 15)
--------------------------
Công Giáo chúng ta có những câu nào để phản biện lại, nhằm để khẳng định rằng ơn cứu độ cần phải có cả Đức tin và Việc làm?
1/ Đoạn KT quen thuộc trong thư Giacôbê: "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết." (Gc 2, 15-17),
hoặc là "Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi." (Gc 2, 24)
2/ Chú ý cụm từ "gắng sức lo sao": "Ấy vậy, anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ." (Pl 2, 12)
Ơn công chính hóa, được cứu độ là một quá trình.
3/ "Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm; những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời;" (Rm 2, 6-7)
4/ Thánh Phaolô nhấn mạnh đến "làm việc":
"Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi." (1 Cr 15, 10)
5/ "Hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. Đó là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận. Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu." (1 Tm 4, 7b-10)
6/ “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" (Mt 7, 21-23).
Dựa trên các bài viết của Catholic Answers.
Khanh Nguyen