Đối Thoại với Tin Lành - Chủ trương Sola Scriptura (Duy Kinh Thánh)

08:41 18/06/2020

1099

Câu hỏi: Công Giáo giữ cả hai nguồn mạc khải là Kinh Thánh và Thánh Truyền, điều này có hợp lý không?

- Lập luận chống đối 1: Chỉ cần đọc Kinh Thánh là đủ, còn Thánh Truyền chỉ là lời lẽ con người. Kinh Thánh đã viết rõ: "Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành." (2 Tm 3, 16-17)

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 2: Phaolô lên án truyền thống con người: "Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô." (Cl 2, 8)

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 3: Phaolô yêu cầu chỉ giữ những gì được viết xuống: "Đừng có đi ra ngoài những gì đã viết” (1 Cr 4, 6)

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 4: Chúa Giêsu lên án truyền thống con người: "Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?" (Mt 15, 1-3)

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 5: Cộng đoàn ở Bê-roi-a đã kiểm chứng mọi lời giảng dạy của Tông Đồ bằng Kinh Thánh, họ lấy Kinh Thánh làm quy chuẩn mọi sự, chứ không phải Thánh Truyền: "Ngay đêm ấy, các anh em tiễn ông Phao-lô và ông Xi-la đi Bê-roi-a. Đến nơi, các ông vào hội đường người Do-thái. Những người Do-thái ở đây cởi mở hơn những người ở Thê-xa-lô-ni-ca: họ đón nhận lời Chúa với tất cả nhiệt tâm, ngày ngày tra cứu Sách Thánh để xem có đúng như vậy không." (Cv 17, 10-11)

==============================

- Ngược lại thì, chính Kinh Thánh cũng viết rằng không phải mọi sự mạc khải đều nằm trong Kinh Thánh.

+ Phaolô yêu cầu giữ các truyền thống từ các Tông Đồ. Cần phân biệt giữa truyền thống Tông Đồ chứ không phải truyền thống tầm thường:

"Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ." (2 Tx 2, 15)

Giáo phụ Gioan Kim Khẩu (347 - 407) đã chú giải câu trong thư Tx như sau:

"Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. Từ câu này, ta thấy rõ các môn đệ không truyền dạy tất cả trong thư từ, nhưng mà còn rất nhiều thứ không nằm trên giấy. Giống như những điều được viết, những điều không được viết cũng có giá trị đức tin. Chúng ta hãy xem những truyền thống của Giáo Hội như những giá trị đức tin. Đó có phải là truyền thống không? Đừng tìm đâu xa." (Homilies on Second Thessalonians, 398-404 AD)

----------------------------------------------------

Ngoài ra còn có các câu sau "Tôi có lời khen anh em đã nhớ đến tôi trong mọi dịp và nắm giữ các truyền thống tôi đã để lại cho anh em." (1 Cr 2, 11) , và "Thưa anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi." (2 Tx 3, 6)

----------------------------------------------------

+ Chúa Giêsu đã nói rằng tất cả sự thật chưa được Chúa mạc khải hết: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn." (Ga 16, 12-13)

----------------------------------------------------

+ Gioan còn không muốn viết nhiều mà đến nói chuyện trực tiếp cho mau:

"Tôi còn có nhiều điều phải viết cho anh em, tôi không muốn dùng giấy mực. Nhưng tôi hy vọng có thể đến với anh em và nói chuyện trực tiếp, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn." (2 Ga 1, 12)

"Tôi còn nhiều điều đáng lẽ phải viết cho anh, nhưng tôi không muốn dùng bút mực mà viết cho anh. Tôi hy vọng sắp được gặp anh, và chúng ta sẽ nói chuyện trực tiếp." (3 Ga 1, 13)

Ngoài ra trong Tin Mừng Gioan, "Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra." (Ga 21, 25)

==============================

- Tôi trả lời rằng,

+ Quy điển Kinh Thánh là từ Thánh Truyền và Huấn Quyền mà ra. Kinh Thánh có một lịch sử hình thành rất lâu dài, đến tận năm 382 tại Công Đồng Rome. Chủ trương Duy Kinh Thánh (Sola Scriptura) còn mắc một lỗi logic trầm trọng tên là ngụy biện lòng vòng. Xem trình bày cụ thể tại bài viết (*).

----------------------------------------------------

+ Nhờ Thánh Truyền và Huấn Quyền, con người mới có thể đọc và hiểu Kinh Thánh một cách đúng đắn. Không phải ai mở cuốn Kinh Thánh ra đọc là đều được Thánh Thần soi dẫn! Kinh Thánh hoàn toàn có thể khó hiểu và bị nhiều kẻ xuyên tạc:

"Nhất là anh em phải biết điều này: KHÔNG AI ĐƯỢC TỰ TIỆN GIẢI THÍCH một lời ngôn sứ nào trong SÁCH THÁNH. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa." (2 Pr 1, 20-21)

"Ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. TRONG CÁC THƯ ấy, có NHỮNG CHỖ KHÓ HIỂU; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác TRONG KINH THÁNH, BỊ NHỮNG KẺ VÔ HỌC VÀ NÔNG NỔI XUYÊN TẠC, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong." (2 Pr 3, 15-16)

Các lạc giáo cũng trưng dẫn Thánh Kinh để làm nền tảng cho cách hiểu sai của họ (xem thêm chú thích **)

Cả ma quỷ còn trưng dẫn các câu Thánh Kinh nhằm lập luận cám dỗ Chúa Giêsu (Mt 4, 1-11; Lc 4, 1-13)

Ông quan Phi châu đâu thể nào tự đọc tự hiểu Kinh Thánh, mà phải nhờ Tông Đồ Phi-líp-phê giúp giải nghĩa:

"Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?”Ông quan đáp: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" (Cv 8, 30-31)

Ngươi Do Thái thời Cựu Ước cũng vậy. Họ vẫn cần các thầy Lêvi là người giải thích luật lệ cho thấu đáo, chứ không tự đọc tự nghe rồi tự hiểu theo ý riêng (Nkm 8, 3-7)

----------------------------------------------------

+ Chúa Giêsu đã nói Thần Khí sự thật sẽ đến và dẫn đưa ta đến chân lý toàn vẹn (Ga 16, 12-13). Phaolô viết rằng Hội Thánh chính là trụ cột và điểm tựa của chân lý: "Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý." (1 Tm 3, 15)

----------------------------------------------------

+ Hoa trái của Duy Kinh Thánh (Sola Scriptura) là sự chia rẽ. Chúa Giêsu đã cầu nguyện "xin cho tất cả mọi người nên một" (Ga 17, 20-21). Hiện tại có đến 33000 giáo phái Tin Lành khác nhau trên toàn thế giới, chưa tính đến các tà giáo (điển hình như Hội Đức Chúa Trời Mẹ tự ý cắt nghĩa chữ "Tân Nương" trong sách Khải Huyền). Giáo phái nào cũng tự nhận là họ mang "lẽ thật". Chính do chủ trương Sola Scriptura này nên từ thời Martin Luther, các Kitô hữu đã trở nên chia rẽ, không còn là một đoàn chiên và một chủ chăn như Chúa ước mong (Ga 10, 16).

==============================

- Phản bác lập luận chống đối 1: Nhưng mình đọc kỹ thì câu này hoàn toàn đâu có khẳng định Kinh Thánh là nguồn mạc khải hay chân lý DUY NHẤT? Đúng là Sách Thánh được linh ứng thật, nhưng Phaolô đâu có viết chỉ duy nhất Sách Thánh được linh ứng. Một điểm quan trọng nữa, là ở cụm từ "người của Thiên Chúa" trong câu. Xuyên suốt khắp cả Kinh Thánh, cụm từ này dùng để chỉ những người được thánh hiến mà thôi. Ở câu này, Phaolô chỉ bảo Timôthê hãy tìm hiểu sách Thánh mà đi rao giảng lời Chúa do dân chúng, chứ Phaolô không có chỉ bảo hết thảy mọi người làm điều này.

"Đây là lời chúc phúc mà ông Mô-sê, người của Thiên Chúa, đã chúc phúc cho con cái Ít-ra-en trước khi qua đời." (Đnl 33, 1)

"Một người của Thiên Chúa đến gặp ông Ê-li và nói với ông" (2 Sm 2, 27)

"Nhưng có lời Thiên Chúa phán với ông Sơ-ma-gia, người của Thiên Chúa" (1 Vua 12, 22)

Thêm một sai lầm của Tin Lành nữa họ giải nghĩa câu Timôthê này rằng chỉ cần Sách Thánh (Sola Scriptura) mà thôi thì mình được "trở nên thập toàn" rồi. Nếu mình áp dụng đúng cách giải nghĩa này vào câu này trong thư Giacôbê: "Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì." (Gc 1, 4), thì chẳng lẽ chỉ cần kiên nhẫn (Sola Patientia) thôi thì đã "nên hoàn hảo" rồi sao?

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 2: Câu này cũng tương tự, Phaolô chỉ lên án những truyền thống trái ngược với giới răn Chúa mà thôi. Hơn hết, Phaolô truyền phải giữ truyền thống tốt đẹp của các Tông Đồ (1 Cr 2, 11; 2 Tx 3, 6; 2 Tx 2, 15)

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 3: Tin Lành dựa vào đây để khẳng định chỉ tin những gì được viết là đủ. Thế nhưng họ lại quên đi yếu tố lịch sử về thời điểm các sách trong Kinh Thánh được biên soạn. Theo nhiều học giả, thư 1 Côrintô được viết vào khoảng năm 55 AD. Nhưng có rất là nhiều sách khác trong Tân Ước được viết sau năm 55 này (ví dụ như Tin Mừng của Gioan được viết vào tận năm 90 AD). Vậy nếu hiểu theo Tin Lành, chẳng lẽ bấy giờ Phaolô yêu cầu cộng đoàn Côrintô vứt hết những sách viết sau năm 55, tức là những sách sau khi thư này "đã viết"?

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 4: Đây là một đoạn quen thuộc đối với chúng ta. Thực ra, Tin Lành họ đã cắt xén đoạn KT mà không đặt vào đúng bối cảnh. Để hiểu đúng bối cảnh, mình sẽ đọc những câu tiếp theo:

"Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa." (Mt 15, 4-6)

Chúa chỉ lên án những truyền thống trái với các giới răn của Chúa, chứ những truyền thống tốt đẹp thì Ngài đâu có lên án. Ở đây, các kinh sư và Pharisêu dâng lễ phẩm vào Đền Thờ để khỏi phải chăm lo cho cha mẹ của họ! Điều này rõ là trái với điều răn Thảo kính cha mẹ (Xh 20, 12).

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 5: Tin Lành cũng lại quên đi yếu tố thời gian là lúc bấy giờ các sách Tân Ước vẫn chưa được viết hoàn tất (rõ ràng nhất là cộng đoàn Bê-roi-a đâu thể nào tra sách Công Vụ!), nên Sách Thánh ở đây chỉ là các sách Cựu Ước mà thôi. Cộng đoàn Do Thái ở Bê-roi-a tra lại các lời tiên tri trong Cựu Ước để xem có ứng nghiệm lời Phaolô rao giảng về Chúa Giêsu hay không (xem Lc 24, 44-45).

==============================

(*) Lỗi logic trong Sola Scriptura và lịch sử hình thành Kinh Thánh: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/575008219701006

(**) Các lạc giáo sơ khai, từ những thế kỷ đầu cũng trưng dẫn Thánh Kinh để phục vụ cho các giáo lý sai lạc của họ: lạc giáo Thuyết Thừa Tự (Adoptionism, cho rằng Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa, chỉ là tạo vật và được chọn làm người thừa tự) sử dụng câu Mc 1, 9 và Ga 14, 28 để phục vụ cho giáo lý sai lạc; lạc giáo Arius (cho rằng Chúa Giêsu cũng chỉ là tạo vật và được cho làm nghĩa tử) trưng dẫn Ga 17, 3 và Cl 1, 15. Gần đây nhất là tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ tự ý cắt nghĩa chữ "Tân Nương" trong sách Khải Huyền. Cho nên không phải ai đọc Kinh Thánh hay trưng dẫn Kinh Thánh thì trình bày mạc khải chân thật của Thiên Chúa.

 

Khanh Nguyen

( Theo: www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/558836127984882)