Đối Thoại với Tin Lành - Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
19:30 28/05/2020
893
Đối thoại với Tin Lành - Phần 9
B. ĐỨC MẸ CÓ HỒN XÁC LÊN TRỜI KHÔNG?
- Lập luận chống đối 1: Tín điều này chỉ được Giáo Hội Công Giáo "sáng chế" ra và thêm thắt vào năm 1950, chứ Kinh Thánh không có viết gì về việc Maria hồn xác lên trời.
- Lập luận chống đối 2: Không có ai được hồn xác lên trời ngoài Chúa Giêsu: "Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống." (Ga 3, 13), ngoài ra "Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người." (1 Cr 15, 22-23)
=======================================
- Ngược lại thì,
+ "Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con.[...] Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người." (Kh 12, 1-5)
------------------------------------------------------------------
+ Thánh giáo phụ Epiphanius (310 - 403) trong phần 79 của cuốn Panarion (dịch là "Giỏ bánh mì/Bread basket", viết năm 350) đã so sánh việc lên trời của Đức Mẹ với tiên tri Eliah trong Cựu Ước: "Tuy vậy, như thân xác của các Thánh, Bà được tôn vinh nhờ phẩm giá và sự khôn ngoan. Và nếu tôi được nói gì thêm để tôn vinh Bà, thì Bà giống như Eliah. Bà đồng trinh từ trong cung lòng người mẹ, trọn đời như vậy, và Bà được nhấc lên trời, khỏi phải nhìn thấy cái chết."
------------------------------------------------------------------
+ Các giáo phụ khác cũng đề cập tương tự, như giáo phụ John Damascene (676 - 749) trong cuốn "Dormition of Mary", Gregory thành Tours (538 - 594) trong cuốn "Eight Books of Miracles"...
------------------------------------------------------------------
+ Nhà cải chánh Tin Lành người Thụy Sỹ Heinrich Bullinger (1504 - 1575), người kế nhiệm Huldrych Zwingli, và là người được đánh giá là có tư tưởng sánh ngang Luther và Calvin, công nhận tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Ông viết vào năm 1539: "Vì vậy chúng tôi tin rằng Đức Maria đồng trinh, người cưu mang Chúa, là nơi trú ngự cực sạch và là đền thánh của Thánh Thần, hay tức là, thân xác rất thánh thiêng của Bà, được nhấc lên thiên đàng bởi các sứ thần."
------------------------------------------------------------------
+ Ông tổ cải chánh Tin Lành là Martin Luther, tuy không dạy cho tín hữu của ông tín điều này, nhưng trong một lá thư gửi thư ký của hoàng tử xứ Saxon là George Spalatin, Luther lại ký tên và ghi ngày tháng bên dưới như sau: "Chào ngài, thứ hai sau lễ Mẹ Lên Trời, 1527. Martin Luther" (Yours, Monday after the Assumption of Mary, 1527. Martin Luther)
-------------------------------------------------------------------
+ Các tín hữu thời sơ khai rất tôn kính thánh tích của các Thánh. Nhiều thành phố còn tranh giành nhau mà sở hữu thánh tích, hài cốt của các ngài, đến nay vẫn còn tồn tại: Phêrô và Phaolô tại Rome, Gioan và Timothe ở Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ), Maria Madalena ở Marseille (Pháp), Máccô tại Alexandria (sau đó được dời về Venice, Ý)... Các ngôn sứ và nhân vật thời Cựu Ước cũng có: Haggai, Zechariah, Malachi tại Jerusalem, vua David tại núi Zion, Isaiah tại Esfahan (Iran), Ezekiel tại Al Kifl (Iraq)... NHƯNG, không có bất cứ tài liệu nào ghi chép về hài cốt của Mẹ Maria cả!
=======================================
- Mình trả lời rằng,
+ Giáo hoàng Pius XII đã dẫn Thánh Vịnh 131 (132) khi tuyên tín: "Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa, ngự về chốn nghỉ ngơi." (Tv 131, 8).
+ Giáo Hội từ lâu đã xem Đức Mẹ là Hòm Bia mới của Thiên Chúa. Chính trong Kinh Thánh cũng khẳng định điều này. Có một sự tương đồng, ắt không phải là trùng hợp ngẫu nhiên, giữa trình thuật vua David đón rước Hòm Bia về Jerusalem trong Cựu Ước và trình thuật bà Elisabeth đón rước Đức Mẹ trong Tân Ước:
"Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?" (Lc 1, 43)
Tiếng Anh: Who am I that the mother of my Lord should come to me?
"Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2 Sm 6, 9)
Tiếng Anh: Who am I that the Ark of the Lord should come to me?
+ Hòm Bia thời Cựu Ước đã bị thất lạc trong thời kỳ lưu đày Babylon. Vậy hiện tại Hòm Bia đang ở đâu? Trong thị kiến Khải Huyền, Gioan đã nhìn thấy Hòm Bia xuất hiện trong Đền Thờ. Hơn hết, ông thấy sự gì liền ngay sau đó? (câu 11, 19 là câu cuối của chương 11):
"Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. Và có ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét, động đất và mưa đá lớn. Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. [...] Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người" (Kh 11, 19; 12, 1-5)
Xem bài viết chứng minh đầy đủ "Đức Bà là Hòm Bia Thiên Chúa" tại (*)
=======================================
Phản bác lập luận chống đối 1: Nội dung tín điều đã có từ những thế kỷ đầu, trong các tác phẩm của các giáo phụ như Epiphanius, John Damascene ... Tín điều đã có trong truyền thống phụng vụ từ rất lâu (khoảng thế kỷ V bên Đông Phương và thế kỷ VII tại Rome). Cũng có nhiều bức tranh vẽ về chủ đề Đức Mẹ hồn xác lên trời vào trước năm 1950 của các họa sĩ như Andrea del Castagno (1449-50), Francesco Botticini (1475-76), Titian (bức tranh minh họa bài viết này, 1516-18), Rubens (1626)...
Giáo hoàng Piô XII đã tham khảo ý kiến của rất nhiều Giám mục, các nhà thần học, nhiều thành phần khác trong Giáo Hội thông quan thông điệp Deiparae Virginis (1946), cũng như nghiên cứu kỹ càng nhiều tài liệu lịch sử và truyền thống. Việc Giáo hoàng tuyên tín long trọng năm 1950 là kết quả của một niềm tin lâu dài, đã tồn tại hàng thế kỷ trong lòng Giáo Hội, từ tận những thế kỷ đầu tiên; chứ không phải Giáo hoàng "thêm thắt" tín điều một cách ngẫu hứng và thiếu cơ sở.
------------------------------------------------------------------
Phản bác lập luận chống đối 2: Chúa Giêsu còn nói "Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị." (Mt 16, 28). Kinh Thánh tường thuật rất nhiều nhân vật được Chúa nhấc lên trời: Enoch hay Kha-nốc (St 5,24; Dt 11, 5), Eliah (2 Vua 2, 11), hai người trong sách Khải Huyền (Kh 11, 12)...
Câu Ga 3, 13 trên đơn giản Chúa Giêsu chỉ nói rằng thời điểm đó chưa ai lên được thiên đàng, và không liên quan gì đến việc Maria được hồn xác lên trời. Hơn nữa, ở đây Chúa Giêsu đang khẳng định rằng chính Ngài là Thiên Chúa thật, và Ngài hiện diện cả trên trời lẫn dưới đất (Con Người). Việc lên trời của Đức Mẹ khác với của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu lên trời bởi chính quyền năng của Ngài (Ga 2, 19-21). Mẹ không lên trời bởi sức riêng của Mẹ, mà chính bởi quyền năng của Thiên Chúa, nói đúng hơn là Mẹ được "nhấc" cả hồn lẫn xác lên trời.
Trong tiếng Anh mình thấy rõ hơn được sự phân biệt này: Chúa Thăng Thiên là "Ascension of Jesus", còn Mẹ Lên Trời là "Assumption of Mary", dịch sát nghĩa ra là Mẹ được nhấc lên trời, hoặc được mang lên trời.
(*) - "Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy": https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/576237902911371
Tổng hợp từ nhiều bài viết.
Khanh Nguyen