Đối Thoại với Tin Lành - Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh
18:55 28/05/2020
1186
Đối Thoại với Tin Lành - Phần 10
C. ĐỨC MẸ CÓ ĐỒNG TRINH TRỌN ĐỜI KHÔNG?
- Lập luận chống đối 1: Kinh Thánh nhiều lần đề cập đến anh em ruột của Chúa Giêsu, như các câu sau: "Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?" (Mt 13, 55; đối chiếu Mc 6, 3), do vậy Đức Mẹ có thêm những người con khác, nên Đức Mẹ không đồng trinh trọn đời.
--------------------------------------------------------------
- Lập luận chống đối 2: Kinh Thánh sử dụng chữ "con đầu lòng" ở câu "Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ." (Lc 2, 7). Do có con đầu lòng, thì có nghĩa sẽ có con thứ hai hoặc thứ ba.
--------------------------------------------------------------
- Lập luận chống đối 3: Kinh Thánh sử dụng chữ "cho đến khi" (tiếng Anh là until) trong câu "Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su." (Mt 1, 26), cho nên sau khi Đức Mẹ sinh con trai, thì Giuse đã ăn ở với Đức Mẹ mà sinh ra các đứa con khác.
====================================
Ngược lại thì,
"Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1, 34)
Tín điều Đức Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời đã là niềm tin của Giáo Hội sơ khai, của các giáo phụ như Augustino, Ambrosio, Athanasius, Tertullian... và đã được khẳng định rõ ràng tại Công Đồng Constantinople II năm 553.
Các thánh giáo phụ Ambrosio và Augustino đã chú giải hình ảnh "cổng đóng" trong sách Êdêkien tiên báo sự đồng trinh của Đức Mẹ (Ed 44, 1-3).
Thậm chí các nhà cải chánh Tin Lành nguyên thủy như Martin Luther, Huldrych Zwingli, John Wesley, hay thậm chí John Calvin cũng công nhận tín điều này. Zwingli còn trích Xh 4, 22 để làm lý chứng cho tín điều. Calvin trong cuốn "Harmony of the gospels Matthew, Mark and Luke" còn bác bỏ cách hiểu "anh em ruột" của Helvidius và trách móc những kẻ sử dụng câu Mt 1, 26 (xem Lập luận chống đối 3) là "rất thích đi gây sự" (extreme fondness for disputation). Các nhánh Tin Lành sau này thì lại dần chối bỏ sự đồng trinh trọn đời của Mẹ.
====================================
Tôi trả lời rằng, Giáo Hội nhìn nhận rằng tiên tri Isaia đã loan báo về người Trinh Nữ thụ thai:" Này đây người trinh nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en" (Is 7,14), chính là mặc khải về sự đồng trinh của Đức Maria. Ngoài ra, Chúa Giêsu đã phó Đức Mẹ cho Gioan khi Ngài chịu nạn (Ga 19, 26-27). Nếu Chúa có anh em ruột, thì không việc gì Ngài phải phó Mẹ cho một người ngoài.
====================================
- Phản bác lập luận chống đối 1: Dựa vào Truyền Thống sống động và cùng với các Giáo phụ, mình khẳng định rằng đó chỉ là "anh em họ", không phải "anh em ruột". Sách YouCat (sách giáo lý cho giới trẻ) cung cấp một lời giải thích ở số 81: "Hội Thánh sơ khởi đã quả quyết là Đức Mẹ đồng trinh trọn đời, điều này loại trừ việc có những anh chị em ruột thịt của Chúa Giêsu. Trong tiếng Aram là tiếng mẹ đẻ của Chúa Giêsu, chỉ có một từ để chỉ anh em và chị em ruột cũng như anh em và chị em họ. Nên trong các Tin Mừng, khi nói đến "anh chị em" Chúa Giêsu (Mc 3, 31-35 chẳng hạn) là nói đến anh chị em họ của Người."
Trong thư Phaolô cũng có câu sau: "Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa." (Gl 1, 19). Ông Giacôbê này, dựa vào hai câu Gl 1, 19 và Mc 6, 3 trên, thì ông là một trong những Tông Đồ của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai thì có hai Giacôbê, thế nhưng trong tường thuật liệt kê tên các Tông Đồ thì mình lại thấy có một vấn đề:
"Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an" (Lc 5, 10) và "Gia-cô-bê, con ông An-phê." (Lc 6, 15)
Mình nhận ra được điều gì? Chẳng có ông Giacôbê nào là con ông Giuse cả! Thế thì về phía Tin Lành, họ sẽ "tạo" ra một ông Giacôbê mới, và họ gọi là "Giacôbê Người Công Chính", khác với hai Giacôbê trong Nhóm Mười Hai. Nhưng việc "tạo" ra một nhân vật mới này hoàn toàn không có một cơ sở nào trong truyền thống lẫn Kinh Thánh. Nhà cải chánh John Calvin khi chú giải thư Gl 1, 19 đã cho rằng Tông Đồ Giacôbê này chính là con ông An-phê.
Thêm nữa, trong thư Giuđa "Tôi là Giu-đa, tôi tớ của Đức Giê-su Ki-tô, anh em với ông Gia-cô-bê," (Gđ 1, 1). Giuđa là anh em của Giacobe, mà anh cho rằng Giacobe là anh em của Chúa Giêsu, theo nguyên tắc bắc cầu, Giuđa cũng là anh em của Chúa Giêsu, mà sao bây giờ Giuđa thành tôi tớ của Chúa Giêsu rồi? Ngoài ra còn có các dẫn chứng Kinh Thánh khác để phản bác:
"Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt" (1 Cr 15, 6). Chẳng lẽ Đức Mẹ sinh tới tận 500 đứa sao?
"Ông Áp-ram bảo ông Lót: “Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau!" (St 13, 8). Tổ phụ Abraham và ông Lot trong Cựu Ước là quan hệ chú-cháu, nhưng vẫn gọi nhau là "anh em".
--------------------------------------------------------------
- Phản bác lập luận chống đối 2: Cựu Ước cũng có câu sau: "Hãy thánh hiến cho Ta mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta." (Xh 13, 2). Câu này đâu có nghĩa toàn thể dân Israel phải sinh từ hai đứa con trở lên. Cụm từ "con đầu lòng" trong Luca không có nghĩa là phải có con thứ hai, mà cụm từ ở đây chỉ về vị trí trong xã hội và quyền thừa kế của người con mà thôi. Thêm nữa là về mặt khảo cổ, vào năm 1922, tại Tell el Yahudiyeh thuộc nước Ai Cập, người ta khám phá ra một ngôi mộ của một người phụ nữ Do thái tên là Arsinoe, được an táng vào khoảng năm 5 BC (trước Công Nguyên). Trên bia mộ có khắc câu sau: "Cha của tôi Phabeiti đã cho tôi một người chồng. Khi tôi phải đau đớn sinh con đầu lòng, số phận đã đưa tôi đến cuối cuộc đời." Lẽ dĩ nhiên là người phụ nữ Do Thái này đâu thể sinh thêm đứa con nào khác.
--------------------------------------------------------------
- Phản bác lập luận chống đối 3: Ở đây Matthêu chỉ muốn nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không phải là con của Thánh Giuse và Đức Mẹ do quan hệ nam nữ, mà là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Một số câu khác chứng tỏ cách hiểu sai này:
- "Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người." (1 Cr 15, 25). Vậy sau khi Chúa tiêu diệt hết mọi thù địch, thì Chúa không nắm vương quyền nữa sao?
- “Bà Mi-khan, con gái vua Sa-un, không có con cho đến ngày chết" (2 Sm 6, 23). Bà này sau khi chết cũng sinh con sao.
- "Cho đến tuổi già của các ngươi, Ta vẫn là Ta" (Is 46,4). "Vậy Thiên Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa nữa khi họ già nua tuổi tác hay sao?" (Thánh Giêrônimô)
- "Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Vậy thì, Chúa Giêsu sẽ bỏ mặc các môn đệ sau ngày tận thế sao?
- Thomas Aquinas trong bộ Tổng luận Thần học sử dụng câu sau: "Mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận." (Tv 122, 2). Vậy sau khi Người đã xót thương, chúng ta không cần hướng nhìn lên Chúa?
====================================
Một cách khác để phản bác lập luận chống đối 1: Thật ra chính Mát-thêu ở chương 55, trong tường thuật Chúa chịu nạn, đã nêu rõ danh tính mẹ của các "anh em" của Chúa Giêsu:
"Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, BÀ MA-RI-A MẸ CÁC ÔNG GIA-CÔ-BÊ VÀ GIÔ-XẾP, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê." (Mt 27, 55-56)
"Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và MỘT BÀ KHÁC CŨNG TÊN LÀ MA-RI-A ở lại đó, quay mặt vào mồ" (Mt 27, 61)
Ta có thể thấy các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp đã đề cập ở Mt 13, 55 phải là con của một bà Maria khác. Nếu các ông này là anh em ruột của Chúa Giêsu, thì hẳn Mát-thêu đã gọi là bà Maria mẹ của Chúa Giêsu như ở Mt 1, 18 và Mt 2, 13-14, 19-21, chứ không thể gọi một cách quá bình thường là "một bà khác".
Khanh Nguyen