Đối Thoại với Tin Lành - Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

19:17 28/05/2020

365

Đối Thoại với Tin Lành - Phần 8

A. ĐỨC MẸ CÓ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI KHÔNG?

- Lập luận chống đối 1: Tín điều này là do Giáo Hội Công Giáo "sáng chế" ra và thêm thắt vào giáo lý năm 1854, chứ Kinh Thánh không viết gì về điều này.
-----------------------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 2: Trong bài Magnificat, Maria đã nói "Thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi." (Lc 1, 47), do Maria cần được cứu độ, nên Bà phải bị mắc tội.
-----------------------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 3: Tất cả nhân loại đều bị mắc tội, do "Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa" (Rm 3, 23) và "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta." (1 Ga 1, 8)
-----------------------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 4: Nếu Maria vô nhiễm nguyên tội, tại sao Bà phải dâng lễ xá tội theo luật Cựu Ước?
"[Bà Maria] dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non" (Lc 12, 8), theo luật thì "Nếu không có phương tiện kiếm được chiên, thì nó sẽ bắt một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, một con để làm lễ toàn thiêu, một con để làm lễ tạ tội. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó, và nó sẽ ra thanh sạch." (Lv 12, 8)
-----------------------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 5: Tại sao lại mất quá nhiều thời gian để Giáo Hội Công Giáo định tín điều này? Nếu đây là chân lý từ xa xưa thì tại sao lại có cuộc tuyên tín năm 1854?

======================================

- Ngược lại thì,
+ "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." (St 3, 15)

+ "Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28)

+ "Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ." (Dc 4, 7)
-----------------------------------------------------------------

+ Các giáo phụ sơ khai liên tục khẳng định Mẹ vô nhiễm và thanh sạch. Các ngài trình bày điều này như một sự thật hiển nhiên:

"Mẹ Đồng Trinh, Đấng cưu mang Con Một Thiên Chúa, được gọi là Maria, thật xứng hợp cho Thiên Chúa, vô nhiễm trên mọi sự vô nhiễm." - Origen, Homily 1 (244 AD)

"Chúa Giêsu và mẹ của ngài, hai vị là những người duy nhất trong mọi khía cạnh tốt đẹp vẹn toàn. Nơi Ngài, lạy Chúa không có dấu vết sự nhơ bẩn, và cả nơi mẹ của Ngài cũng không có tì vết sự vướng mắc gì." - Ephrem, Nisibene Hymns 27, 8 (370 AD)

"Maria, một Trinh nữ không úa tàn nhưng mà là một Trinh nữ mang lấy một ân sủng bất khả phân hoại, không vướng bợn nhơ." - Ambrose, Homily 22, 30 (388 AD)
Nhiều giáo phụ như Athanasius, John Damascus... cũng viết những lời tương tự.
-----------------------------------------------------------------

+ Ông tổ cải chánh là Martin Luther, trong một bài giảng năm 1532: "Thiên Chúa đã tác tạo nên xác hồn của Mẹ và đổ trào tràn Thánh Thần nơi Mẹ, vì thế Mẹ không vướng mắc bất kỳ lỗi tội nào cả, vì Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu." [1].
-----------------------------------------------------------------

+ Nhà cải chánh Huldrych Zwingli viết rằng:
"Tôi hết lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria - đức nữ trọn đời đồng trinh và vô nhiễm."
"Đấng Kitô được sinh bởi một người nữ Đồng trinh tinh tuyền." [2]

======================================

- Tôi trả lời rằng,
+ Câu St 3, 15 trong thần học cả Công Giáo lẫn Tin Lành còn được gọi là "Tin Mừng/Tin Lành đầu tiên" (Protoevangelium): "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."

Hai đối tượng nào mà có "mối thù" (enmity) với nhau thì sẽ không có liên kết gì với nhau, một sự TÁCH BIỆT HOÀN TOÀN! Dòng giống của Satan chính là tội lỗi, thứ mà nó muốn rải đầy mặt đất. Ai là người đánh vào đầu của Satan? Chúa Giêsu là Đấng đã đến và sẽ tiêu hủy quyền lực của Satan. Vậy nếu dòng giống của người đàn bà là Chúa Giêsu, thì chính Đức Mẹ là người đàn bà được nhắc đến. Người đàn bà mà được TÁCH BIỆT HOÀN TOÀN khỏi dòng giống của Satan, thì sẽ có nghĩa là người đàn bà này sẽ không dính một chút bợn nhơ của tội lỗi.

Mình chú ý kỹ thêm, thì vợ của Ađam chỉ được gọi là Evà sau khi nàng phạm tội: "Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh." (St 3, 20). Trước khi phạm tội, sách Sáng thế chỉ gọi nàng là "người đàn bà" mà thôi. Vậy "người đàn bà" mà Đức Chúa nói đến trong câu "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà" là ám chỉ Evà trước khi phạm tội: một Evà trong sạch và không mắc tội tông truyền. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã gọi Mẹ là "người đàn bà": "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?" (Ga 2, 4), "Thưa Bà, đây là con của Bà.” (Ga 19, 26). Mẹ đích thị là Evà mới, và Chúa Giêsu chính là Ađam mới (Rm 5, 14-15). Cả bốn người có một điểm chung: không nhiễm tội tông truyền.

Xem chứng minh đầy đủ Đức Maria là Evà mới, cùng vài chi tiết thú vị tại (*)

-----------------------------------------------------------------

+ Chưa bao giờ, hay đúng hơn là không có một chỗ nào khác trong Kinh Thánh, mà thiên thần chào một người nào mà gọi người đó là "Đấng đầy ân sủng". Khi dịch cụm từ này sát nghĩa, phải là "Đấng đã được sẵn đầy ân sủng" (tiếng Anh là "Hail, you who have been filled with grace"). Từ gốc trong bản văn tiếng Hy lạp "kecharitomene" (κεχαριτωμένη) là ở thì hoàn thành (perfect passive participle), đến từ chữ gốc là "charitoo", dịch sang tiếng Anh là "have been filled", một sự việc đã xảy ra trong quá khứ và tiếp diễn đến hiện tại. Điều này chứng tỏ, Mẹ ĐÃ được "đầy ân sủng" từ trước khi Gabriel đến truyền tin rồi, nên thiên thần mới chào Mẹ như thế. Nên nhớ một điều rằng, không phải vì Mẹ sẽ đồng ý cưu mang Chúa nên mới được lãnh nhận tước hiệu này.
======================================

- Phản bác lập luận chống đối 1: Nội dung tín điều đã có từ những thế kỷ đầu, được rất nhiều giáo phụ đề cập và trình bày một cách hiển nhiên như Hippolytus, Origen, Ephrem, Athanasius, Ambrose, John Damascus... Lễ Đức Maria thụ thai trong lòng Anna đã có trong phụng vụ Đông Phương vào thế kỷ VII, và Tây phương vào thế kỷ VIII. Công đồng Basel (1439) đã cho phép một số nơi cử hành phụng vụ với tên gọi chính thức "Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Nhiều bức tranh về chủ đề Mẹ Vô Nhiễm đã được vẽ trước năm 1854, như của các họa sĩ Piero di Cosimo (1505), Rubens (1628), Murillo (bức tranh minh họa bài viết này, 1660), Tiepolo (1767)...

Giáo hoàng Piô IX đã tham khảo ý kiến của rất nhiều Giám mục, các nhà thần học, nhiều thành phần khác trong Giáo Hội thông quan thông điệp Ubi Primum (1849), cũng như nghiên cứu kỹ càng nhiều tài liệu lịch sử và truyền thống. Hơn 300 nghị phụ gồm các Hồng y, Giám mục, các nhà thần học đã nhất trí thỉnh cầu Giáo hoàng. Việc Giáo hoàng tuyên tín chính thức và long trọng năm 1854 là kết quả của một niềm tin lâu dài, đã tồn tại hàng thế kỷ trong lòng Giáo Hội, từ tận những thế kỷ đầu tiên; chứ không phải Giáo hoàng "thêm thắt" tín điều một cách ngẫu hứng và thiếu cơ sở.
-----------------------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 2: Giáo Hội dạy Mẹ vẫn cần được cứu độ, nhưng Mẹ được cứu một cách đặc biệt. Không nhất thiết là phải phạm tội thì mới được cứu. Thần học gia Duns Scotus, OFM nổi tiếng với việc sử dụng các hình ảnh quen thuộc để minh họa các khái niệm thần học. Ông đã lấy một ví dụ rất dễ hiểu để minh họa cách Mẹ được cứu độ: một anh chàng té xuống một cái hố, và có một ai đó đến kéo anh ta lên. Thế là anh ta đã được "cứu" khỏi cái hố. Một trường hợp khác, một cô gái vấp phải cục đá và sắp sửa bị té xuống hố. Nhưng đã có một ai đó đã kịp thời nắm lưng cô ta kéo lại. Cô gái này cũng được "cứu".

"Xin kính dâng Đấng có quyền phép gìn giữ anh em khỏi sa ngã và cho anh em đứng vững, tinh tuyền, trước vinh quang của Người" (Gđ 1, 24). Gần gũi hơn, đó chính là trong Kinh Lạy Cha: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" (Mt 6, 13). Mẹ được cứu bởi chính công nghiệp của Con Mẹ.
-----------------------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 3: Nếu hiểu sát nghĩa là hết thảy loài người thì chẳng lẽ Chúa Giêsu vẫn phạm tội? Hoàn toàn không. Ngài vừa là Thiên Chúa nhưng cũng vừa là con người hệt như chúng ta (Gl 4, 4).

Xét câu Rm 3, 23, thì chữ "mọi", "tất cả" (tiếng Anh là every) không phải lúc nào cũng có nghĩa là không loại trừ một ai. Lấy một ví dụ là "Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ" (Rm 11, 26), thật khó mà tin được tất cả người Israel đều được lên Thiên đàng! Dựa vào ngữ cảnh, câu trong thư Roma cũng là đề cập đến tội riêng, chứ không nhắc gì đến tội nguyên tổ. Chữ "tất cả" ở đây nghĩa là "tất cả mọi dân, không phân biệt một dân nào", chứ không phải "tất cả loài người, không trừ một ai". Dân Isarel vẫn nghĩ rằng họ được Chúa ưu ái hơn các dân khác, nhưng Phaolô đã phản đối sự phân biệt này, và khẳng định rằng họ và dân ngoại đều như nhau trước mặt Chúa (Rm 3, 21-23).

Xét câu 1 Ga 1, 19, thì tại đây Gioan chỉ đề cập đến tội riêng, chứ không phải nguyên tội. Câu tiếp theo của thư Gioan đã chứng minh điều này: "Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta." (1 Ga 1, 9)
-----------------------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 4: Thì cũng giống lý do Chúa Giêsu không cần phải chịu cắt bì nhưng Ngài vẫn chịu (Lc 2, 21), không cần ăn năn tội nhưng Ngài vẫn chịu phép rửa (Lc 3, 21), không cần phải đóng thuế Đền thờ nhưng Ngài vẫn chấp nhận đóng (Mt 17, 24-27)... Chúa và Mẹ làm những việc này nhằm tôn trọng luật Do thái, nhằm thể hiện sự khiêm nhường, và nhằm tránh gây "scandal", mặc dù Chúa và Mẹ không cần phải thực thi các lề luật ấy.
-----------------------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 5: Chúa Giêsu đã nói "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn." (Ga 16, 12-13)

Cũng như tín điều "Một Chúa Ba Ngôi" cũng được phát triển qua dòng thời gian, chứ không rành mạch, rõ ràng và dễ dàng như ta nghĩ: các danh từ Chúa Ba Ngôi (trinitas), ngôi vị (persona), bản thể (substantia)... lần đầu tiên mới được giáo phụ Tertulian (150-225) sử dụng (**), đến Công Đồng Nicea (325) mới định tín "Chúa Cha và Chúa Con đồng bản thể", rồi Công Đồng Constantinople (381) mới tuyên xưng đến "Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống...", rồi một Công Đồng miền là Toledo (589) thêm vào "Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra..."

Quay lại tín điều "Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" - Mẹ phải được thánh hóa một cách đặc biệt để xứng hợp với vai trò Mẹ Đấng Cứu Thế. Thì nội dung tín điều phôi thai từ thuở xa xưa là vậy, nhưng vẫn phải cần lời chú giải thật đầy đủ và hoàn chỉnh cho tín điều. Thêm nữa, là có nhiều câu hỏi thần học phát sinh theo thời gian về tín điều. Ví dụ một câu hỏi đã được đặt ra là: Mẹ được cứu khỏi nguyên tội khi nào?

Bernard thành Clairvaux (1090-1153) và Thomas Aquinas (1225-1274) cho rằng Mẹ vẫn đầu thai mắc tội tông truyền, nhưng Mẹ phải được xóa sạch trong khoảng thời gian sau khi thụ thai và trước khi được sinh ra. Sau đó Duns Scotus (1265-1308) đã giải quyết mọi mâu thuẫn thần học (xem "Phản bác lập luận chống đối 1") và khẳng định: Đức Maria được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô sinh ra làm người bằng một ơn không phải giải thoát Đức Maria khỏi trạng thái tội lỗi nhưng là dự phòng để Đức Mẹ khỏi sa ngã vào tình trạng tội lỗi đó. Theo ông, đây là cách cứu chuộc hoàn hảo nhất. Tư tưởng của Scotus là cơ sở trong cuộc tuyên tín 1854.

Dù có nhiều tranh luận ở một vài vấn đề như vậy, các giáo phụ và nhà thần học đều đồng ý một điều: Mẹ phải được tẩy sạch khỏi mọi vết nhơ, thì mới xứng đáng làm nơi Con Chúa ngự vào. Thánh giáo phụ Augustino đã viết: "Chúng ta phải loại trừ đi rất Thánh Đồng trinh Maria, đấng mà tôi sẽ không đặt một lời chất vấn nào khi bàn đến vấn đề tội lỗi, vì vinh quang của chính Thiên Chúa; chúng ta biết Người là Đấng tuôn đổ ân sủng dạt dào để xóa tan tội lỗi ở mọi ngóc ngách lên trên Bà.." (Nature and Grace 36, 42)

======================================

[1] - Sermons of Martin Luther, Vol 3. John Nicholas Lenker
[2] - E. Stakemeier, De Mariologia et Oecumenismo, K. Balic, ed., (Rome, 1962), 456.
(*) - Đức Maria là Evà mới: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/578028729398955
(**) - Những từ này cũng không có trong Kinh Thánh, mà hầu hết các nhánh Tin Lành đều công nhận tín điều "Một Chúa Ba Ngôi". Mình có thể thách thức họ đưa cả cuốn Kinh Thánh cho một người ngoại đạo đọc, và khi đọc xong, người ngoại đọc phải tuyên xưng được câu "Một Chúa Ba Ngôi".
Chú thích thêm: theo cách dịch tiếng Việt trong sách vở Tin Lành, Công Đồng (council) được gọi là "Giáo Hội nghị"

 

Khanh Nguyen

( Theo: Giải Đáp Thắc Mắc Công Giáo - https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/565791330622695)