Đối Thoại với Tin Lành - Lần chuỗi Mân Côi và tôn kính các thánh tích
09:28 18/06/2020
1052
A. Lần chuỗi Mân Côi có phải là "lải nhải như dân ngoại" không?
- Lập luận chống đối 1: Chuỗi Mân Côi lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng đến tận 50 lần, mà "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời" (Mt 6, 7)
- Lập luận chống đối 2: Chúa chỉ dạy mình hãy đọc Kinh Lạy Cha, còn Kinh Kính Mừng thì Chúa không có dạy trong Kinh Thánh! Kinh Kính Mừng chỉ là truyền thống của loài người mà thôi. Cớ sao lại lặp lại nhiều lần?
====================================
- Nhưng ngược lại, cũng trong Kinh Thánh, Thánh Gioan có viết rằng:
"Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt. NGÀY ĐÊM chúng KHÔNG NGỪNG HÔ LÊN rằng: "Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng! Đấng đã có, hiện có và đang đến!" (Kh 4, 8)
Trong sách Thánh Vịnh, câu ngợi khen "Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" được lặp lại đến 25 lần.
Trước khi bị bắt, Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Cây Dầu ba lần, mỗi lần đều lặp lại y hệt. "Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó." (Mt 26, 44)
Ngoài ra, "Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, NGÀY ĐÊM HẰNG KÊU CỨU với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?" (Lc 18, 7).
====================================
- Mình trả lời rằng, cách lần chuỗi, đọc kinh Mân Côi đúng là đọc bằng cả tâm hồn, bằng cả trái tim, bằng lòng yêu mến Chúa và Mẹ thật sự, chứ không phải xem Chúa và Mẹ như máy bán nước ngọt: cứ nghĩ rằng bỏ vào máy cho đủ 50 kinh thì một lon "ơn" chạy ra. Một kinh sốt sắng còn hơn trăm kinh vô vị. Việc lần chuỗi mân côi đúng truyền thống không phải "lải nhải như dân ngoại".
====================================
- Trả lời lập luận chống đối 1: Nguyên văn tiếng Hy lạp của đoạn Mt 6, 7 thì tác giả sử dụng chữ "battalogeo", nghĩa là lải nhải hoặc lặp lại một cách vô ý thức, vô tội vạ, không chú tâm, chứ không phải chỉ mỗi lặp đi lặp lại không thôi. Chúa lên án việc cầu nguyện của dân ngoại, tức là chỉ lải nhải đúng lời cầu cho các vị thần của họ. Chúa chưa bao giờ nói việc lặp đi lặp lại làm lời kinh nguyện vô giá trị.
- Trả lời lập luận chống đối 2: Kinh Kính Mừng có nền tảng Kinh Thánh. Câu đầu tiên là lời chào của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28). Bà Elisabeth nói câu tiếp theo: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc." (Lc 1, 42). Những câu ở đoạn sau nhằm nhấn mạnh Mẹ là tạo vật, không phải Đấng Tạo Dựng, và nhờ Mẹ cầu bầu cho mình - và việc nhờ Mẹ hay các Thánh cầu bầu hoàn toàn có cơ sở Kinh Thánh.
---------------------------------------------------------------
B. Việc tôn kính xương, thánh tích của các Thánh có phù hợp với Kinh Thánh?
Lập luận chống đối 1: Xương hay vật dụng của các Thánh không hề có sức mạnh chữa lành hay ban ơn nào cả. Nó chỉ là đồ vật tầm thường thôi. Chỉ có Chúa mới có sức mạnh và quyền năng ban ơn. Nên việc tôn kính thánh tích nó rất là mê tín, trái Kinh Thánh.
====================================
- Ngược lại thì, Kinh Thánh Cựu Ước tường thuật phép lạ về bộ hài cốt của tiên tri Ê-li-sa:
"Vậy, có lần người ta đang đem một người chết đi chôn, thì thấy một toán quân của bọn đó, họ liền vất người chết vào mộ ông Ê-li-sa, rồi bỏ đi. Người chết vừa đụng phải hài cốt của ông Ê-li-sa thì sống lại và đứng thẳng dậy." (2 Vua 13, 21)
====================================
- Mình trả lời rằng, chúng ta không hề xem những vật dụng bình thường mang một sức mạnh gì cả. Giáo Hội tin rằng Chúa thường sử dụng những thánh tích để ban lấy các ơn và chữa lành. Cho nên, việc tôn kính xương, thánh tích của các Thánh hoàn toàn không có gì trái với Kinh Thánh.
====================================
- Trả lời lập luận chống đối 1: Chúa sử dụng vật dụng của các Thánh để ban ơn, chứ các vật dụng ấy tự bản chất không chứa quyền năng gì cả. Tất cả quyền năng đến từ Chúa. Một ví dụ như phép lạ Chúa tỏ bày qua thánh Phaolô: "Thiên Chúa dùng tay ông Phao-lô mà làm những phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất." (Cv 19, 11). Chúa Giêsu cũng sử dụng những sự vật tầm thường để thực hiện các phép lạ chữa bệnh, ví dụ như đất bùn: "Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa". Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được." (Ga 9, 6-7)
Dựa trên Catholic Answers Bible Navigator.
Khanh Nguyen