Đối Thoại với Tin Lành - Quy điển Thánh Kinh

08:53 18/06/2020

1069

Câu hỏi: Kinh Thánh Tin Lành có 66 cuốn, mà Kinh Thánh Công Giáo có đến 73 cuốn. Công Giáo có thêm bảy cuốn sai khác là Giuđitha, Huấn Ca, Khôn Ngoan, Barúc, Macabê 1, Macabê 2, và Tôbia (còn gọi là Đệ nhị Quy điển). Vậy Công Giáo có thêm bảy cuốn này có hợp lý không?

- Lập luận chống đối 1: Công Giáo thêm sách khác vào Kinh Thánh là sai trái, vì "Với bất cứ ai nghe những sấm ngôn trong sách này, tôi xin chứng thực: “Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách này!" (Kh 22, 18)

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 2: Tân Ước không trích dẫn câu nào trong 7 cuốn sai khác mà Công Giáo có. Không có lời nào trong 7 cuốn này ứng nghiệm nơi Tân Ước.

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 3: Bảy cuốn sai khác chỉ được Giáo Hội Công Giáo công nhận và chính thức thêm vào bộ Kinh Thánh (KT) của họ ở công đồng Trent (1545-1563) để nhằm bổ sung thêm các giáo lý mới như luyện ngục, cầu nguyện cho người chết, và nhằm phản bác lại Luther. Trước đó KT chỉ có 66 cuốn mà thôi.

----------------------------------------------------

- Lập luận chống đối 4: Các học giả Do Thái đã họp nhau lại Hội nghị Jamnia năm 90 AD và loại bỏ bảy cuốn sai khác này. Luther đã lựa chọn theo quy điển này vì tôn trọng người Do Thái, vì họ là dân riêng của Chúa.

==========================================

- Ngược lại thì,

+ Thần học gia Johann Eck, khi tranh luận với Martin Luther tại Leipzig năm 1860, đã trích dẫn 2 Mcb 12, 43-46 để minh chứng về luyện ngục và việc cầu nguyện cho người chết. Điều này khiến Luther vứt bỏ sách Macabê cùng tất cả Đệ nhị Quy điển, cho rằng các sách này viết bằng tiếng Hy lạp, không phải tiếng Hipri, nên không được linh ứng.

+ Nhằm bác bỏ chủ trương "Duy Đức tin" (Sola Fide, con người được cứu độ hoàn toàn bằng Đức tin), Eck đã trích câu quen thuộc trong thư Giacôbê "Đức tin không có việc làm là đức tin chết." (Gc 2, 17). Điều này làm Luther vứt bỏ luôn thư Giacôbê, và còn gọi đây là "lá thư rơm rạ". Sau đó Luther còn vứt thư Giuđa, thư Do-thái, và cả sách Khải Huyền. Hậu bối của ông thời gian sau mới thêm 4 cuốn Tân Ước trở lại vào Kinh Thánh. Nhiều học giả Tin Lành như William Barclay cũng thừa nhận sự việc này.

+ Nhà cải chánh John Calvin trích sách Barúc thuộc 7 cuốn sai khác khi chú giải 1 Cr 10, 19-24 [1]

==========================================

- Tôi trả lời rằng,

+ Kinh Thánh không phải một cuốn sách rớt thẳng từ trên trời xuống, hay Chúa hiện ra rồi đưa cho mình trực tiếp. Kinh Thánh không có tự nhiên xuất hiện một cách nguyên vẹn. Trước khi có được một bộ sách Kinh Thánh hoàn chỉnh gồm đầy đủ các sách được linh ứng, thì trước đó phải có một tiến trình, gọi là xác định quy điển (còn gọi là quy thư), tức là xác định xem cuốn sách nào mới thật sự mang sự thật, được Thánh Thần linh ứng.

+ Giáo Hội dạy rằng tiến trình xác định, chọn lựa một số bản văn để hình thành bộ Kinh Thánh và loại bỏ các bản văn khác, thì chính bản thân tiến trình đó cũng được Thánh Thần linh ứng. Vào những thế kỷ đầu, còn tồn tại và lưu truyền ở khắp các cộng đoàn nhiều bản văn như "Sách Enoch", "Thánh Vịnh 151", "Lời cầu nguyện của Manasseh", "Tin Mừng theo thánh Giacôbê", "Tin Mừng theo thánh Tôma"...Thật và giả lẫn lộn. Mỗi cộng đoàn dùng một cuốn Kinh Thánh khác nhau, mục lục sách khác nhau, số lượng sách khác nhau.

+ Năm 382, Giáo hoàng Damasus I tại Công Đồng Rome đã chốt quy điển 73 cuốn Công Giáo sử dụng hiện tại. Nhiều bản văn như "Sách Didache" và "Người chăn chiên Hermas"... vốn được đọc trong Thánh lễ tại nhiều nơi vào những thế kỷ đầu, vẫn không được lựa chọn vào quy điển!

+ Thậm chí thời Chúa Giêsu, quy điển Cựu Ước vẫn chưa được chốt. Điển hình là phái Xa-đốc chỉ công nhận 5 cuốn đầu tiên của Cựu Ước (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật) là được linh ứng. Chính vì vậy họ chủ trương rằng không có sự sống lại (Mt 22, 23-28), mặc dù nhiều sách khác trong Cựu Ước như sách Isaia 26, 19 có đề cập rõ ràng. Nhưng điều thú vị là Chúa Giêsu không trách họ không sử dụng đúng quy điển, mà Ngài vẫn sử dụng "dữ kiện" trong 5 cuốn đầu tiên, trích dẫn câu Xh 3, 6 để dập lại họ: "Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống." (Mt 22, 32; Xh 3, 6)

==========================================

- Phản bác lập luận chống đối 1: Đoạn này còn câu sau nữa, mình hãy đọc hết: "Ai mà bớt điều gì trong các lời của sách sấm ngôn này, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng nơi cây Sự Sống và Thành Thánh." (Kh 22, 19). Hơn nữa, bản thân câu này không đề cập gì đến quy điển Kinh Thánh!

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 2: Tân Ước vẫn có trích dẫn và ứng nghiệm nhiều đoạn trong bảy cuốn sai khác.

+ Điển hình như sách Khôn Ngoan:

"Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa. Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn. Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may, hậu vận của người công chính. Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hòa làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” (Kn 2, 12-20)

Đoạn này làm mình gợi nhớ đến cảnh các kinh sư và kỳ mục chế giễu Chúa khi Người bị đóng đinh trên thập giá:

"Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27, 41-43)

+ Chúa và các môn đệ giữ ngày Cung Hiến Đền Thờ (Hanukkah). Ngày lễ này chỉ được đề cập trong sách Macabê (1 Mcb 4, 36-59) mà thôi:

"Bấy giờ ông Giu-đa và các anh em nói: “Này, kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh." (1 Mcb 4, 36)

"Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn." (Ga 10, 22-23)

+ Câu này trong sách Huấn ca có quen không nhỉ:

"Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người." (Hc 27, 6)

Đúng vậy, Chúa Giêsu gợi lại ở ngay đây:

"Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra." (Lc 6, 44-45)

...

+ Điểm đáng lưu ý nữa là, nhiều sách trong Cựu Ước khác như sách Ét-te, Ô-va-đi-a, Thủ Lãnh, Na-hum... cũng đâu được Chúa Giêsu hay các Tông Đồ trích dẫn!

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 3: Theo lịch sử, lập luận này không chính xác. Quy điển 73 cuốn của Công Giáo hiện tại đã được Giáo hoàng Damasus I chốt vào năm 382 tại Công Đồng Rome, dựa trên danh sách của giáo phụ Athanasius thành Alexandria, rồi giao tất cả cho Giêrônimô (Jerome) dịch sang tiếng Latinh. Ngoài ra quy điển này còn được tái khẳng định tại các Công Đồng Hippo (393), Carthage (397) với sự tham gia của giáo phụ Augustine, và Florence (1437) với sự tham gia của các Giáo Hội Đông Phương.

Ngoài ra, còn có hai minh chứng vật thể để chứng minh rằng trước Công Đồng Trent, Hội Thánh đã sử dụng bộ Kinh Thánh 73 cuốn, không phải 66 cuốn.

Minh chứng 1: Sách Kinh Thánh Gutenberg - cuốn sách đầu tiên trên thế giới được xuất bản bằng kỹ thuật in vào năm 1455 (cả nửa thế kỷ trước phong trào Cải Chánh của Luther năm 1517) - có đủ 73 cuốn theo như Công Giáo.

Minh chứng 2: Trong bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae) được Thomas Aquinas viết vào khoảng thời gian 1265–1274, ngài đã trích dẫn rất nhiều câu trong 7 cuốn sai khác (như trong phần luận về "Chiến tranh", ngài đã trích sách Macabê 1).

----------------------------------------------------

- Phản bác lập luận chống đối 4: Mặc dù hội nghị Do Thái Jamnia (hay Jabne) 90AD này xuất hiện rất nhiều trong các sách vở và giáo trình lịch sử Kinh Thánh hiện nay, nhưng sự thật thì, hội nghị này không tồn tại trong lịch sử! Giả thuyết về hội nghị Jamnia này mới bắt đầu xuất hiện vào tận năm 1871, bởi một nhà sử học Do Thái là Heinrich Graetz, và được một giám mục Anh Giáo là Herbert E. Ryle bổ túc và phổ biến rộng rãi trong cuốn "The Canon of the Old Testament" (Quy điển Cựu Ước, 1892). Tin Lành sử dụng giả thuyết này để khẳng định cơ sở quy điển Cựu Ước 39 cuốn của mình có nguồn gốc từ ngay thế kỷ đầu tiên.

Tuy nhiên, những năm sau này, khi kiểm tra lại nguồn dẫn chứng (citation) mà Ryle sử dụng, thì người ta lại thấy xuất hiện vấn đề khá nghiêm trọng. Ryle trích dẫn phần Yadayim của sách Mishnah (một bộ tài liệu cổ của người Do Thái viết về các truyền thống xa xưa của họ). Ở phần Yadayim 3, 5 của Mishnah thuật lại việc một nhóm ráp-bi Do Thái tranh luận về tính linh ứng của hai sách Giảng Viên và Diễm Ca. Điều quái lạ: nguồn trích dẫn đây không đề cập gì về nơi nào tên Jamnia cả, thậm chí cũng chẳng đề cập gì đến 7 cuốn sai khác của Công Giáo! Hoàn toàn là không! Nhiều học giả Tin Lành như Jack P. Lewis, F. F. Bruce... cũng phải thừa nhận điều này. Tác giả Ryle này có đang dựng chuyện không? (Tham khảo thêm video [2])

Cho dù hội nghị Jamnia này có tồn tại đi chăng nữa, thì người Do Thái cũng chẳng có thẩm quyền gì mà đặt điều ràng buộc trên các Kitô hữu.

==========================================

[1] Four Surprising Facts About John Calvin and the “Apocrypha”: http://shamelesspopery.com/four-surprising-facts-about-john-calvin-and-the-apocrypha/

[2] The Myth of the Council of Jamnia and the Origin of the Bible - Dr. Brant Pitre (English) https://www.youtube.com/watch?v=i9fHd86-jYU

Xem thêm "Thần Học Vui - Giáo lý tổng quan và diễn giải – Bài 6 Kinh Thánh: quy điển và giải thích" của Dòng Tên: https://www.youtube.com/watch?v=q7EttA8CgIo

 

Khanh Nguyen

( Theo: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/564759790725849)