Đối Thoại với Tin Lành - Rửa tội thế nào là đúng?

09:12 18/06/2020

779

Bí tích rửa tội được xem là bí tích đầu tiên và làm nền tảng cho Giáo hội sơ khai. Có rất nhiều đoạn trong Tân Ước về phép rửa:

"Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người." (Mt 3, 16)

"Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19)

"Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí." (Ga 3, 5)

-------------------------------------------------------------

+ Vấn đề 1: Một số người Tin Lành cho rằng chỉ có phép rửa bằng cách nhúng ngập cả thân người vào nước mới là phép rửa hợp lệ và đúng ý nghĩa Kinh Thánh. Họ nói rằng chữ gốc Hy lạp "baptizo" trong bản văn trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa có nghĩa là "được nhúng ngập vào" (tiếng Anh là immerse). Nhưng thật ra thì, Kinh Thánh không có chỉ dẫn rõ ràng về cách thức cử hành phép rửa. Nước chỉ là dấu chỉ bên ngoài mà thôi. "Được nhúng ngập vào" không phải là nghĩa duy nhất của từ "baptizo". Ví dụ như trong các câu sau, theo nguyên bản Hy lạp, chữ baptizo vẫn được sử dụng:

"Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay [baptizo] trước bữa ăn." (Lc 11, 38)

"Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước [baptizo] đã rồi mới ăn." (Mc 7, 3-4a)

Ngoài ra, ông Phaolô được ơn trở lại và chịu phép rửa ở trong nhà Giuđa, chứ không phải ở một cái hồ hay bờ sông nào:

"Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần.” Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Rồi ông ăn và khỏe lại." (Cv 9, 17-19)

Nên "baptizo" cũng có nghĩa là rửa hoặc là rảy nước. Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn chấp nhận phép rửa theo hai cách thức: "Phải ban bí tích Rửa Tội hoặc bằng cách dìm xuống nước, hoặc bằng cách đổ nước, nhưng phải tuân giữ các quy định của Hội đồng Giám Mục." (Giáo luật 1983 hiện hành, điều 854)

Thêm một điều thú vị nữa là có đến ba ngàn người theo đạo và chịu phép rửa sau bài giảng đầu tiên của Phêrô như trình thuật sách Công Vụ: "Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo." (Cv 2, 41). Có lúc thì lên tới tận năm ngàn người: "Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn." (Cv 4, 4).

Các nhà khảo cổ đã tìm hiểu ra (và ngay cả thánh Tôma Aquinô trong bộ Tổng luận Thần học cũng có đề cập đến): sẽ không thể có đủ nước để dìm tất cả ba ngàn người khi thực hiện phép nữa. Nếu giả sử có đủ nước đi chăng nữa, người dân thành Giêrusalem sẽ không để cho nguồn cung cấp nước cho cả thành phố bị... ô nhiễm bởi tận ba ngàn người xuống dìm mình ở trong đó đâu! Vì thế, phải có người được chịu phép rửa bằng cách đổ hoặc rảy nước.

Chưa hết, các nhà khảo cổ còn tìm ra các bức tranh vẽ cảnh các tín hữu chịu phép rửa bằng cách đổ nước trong các hang toại đạo từ thế kỷ thứ 3 nữa (như hang toại đạo Saint Calixte, hay hang toại đạo Saints Marcellinus and Peter ở Via Labicana).

-------------------------------------------------------------

+ Vấn đề 2 là việc rửa tội cho trẻ em: Người Tin Lành cho rằng việc rửa tội cho trẻ em là sai trái vì trẻ em thì chưa đủ tuổi khôn, chưa đủ trưởng thành để tin nhận và tuyên xưng Chúa Kitô. Thế nhưng dựa vào Kinh Thánh thì:

1/ Mình có thể lãnh nhận ân sủng Thiên Chúa từ đức tin của người khác. Chẳng hạn, một người bại liệt được chữa lành nhờ đức tin từ những người bạn của anh:

"Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” (Lc 5, 18-20, trình thuật tương tự tại Mt 9,2)

Thánh Phaolô viết rằng vợ chồng được thánh hóa lẫn nhau: "Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Nếu không, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh." (1 Cr 7, 14)

2/ Phêrô kêu gọi mọi thành phần lãnh nhận phép rửa. Những lời kêu gọi này hoàn toàn không giới hạn chỉ cho người lớn:

"Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho CON CHÁU CỦA ANH EM và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” (Cv 2, 38-39)

- Chúa Giêsu kêu mời trẻ em, kể cả trẻ thơ/trẻ sơ sinh (infant) đến với Người:

"Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su gọi chúng lại mà nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào." (Lc 18, 15-17)

- Phaolô đã viết rằng phép rửa đã thay thế phép cắt bì của luật cũ Môsê. Phép cắt bì hầu như chỉ dành cho trẻ mới sinh (St 12, 17). Việc so sánh này cho thấy việc để trẻ sơ sinh chịu phép rửa thì không có gì là sai trái, vì nếu sai trái, Phaolô đã không thực hiện phép so sánh tương đồng này:

"Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của Đức Ki-tô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em. Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết." (Cl 2, 11-12)

- Phaolô làm phép rửa cho cả một nhà, cả một gia đình:

"Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa" (Cv 16, 15)

"Lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà" (Cv 16, 33)

"Tôi còn làm phép rửa cho gia đình Tê-pha-na nữa." (1 Cr 1, 16)

Nhiều người sẽ lập luận rằng lỡ nhà chỉ có vợ chồng thì sao? Thế thì Phaolô phải ghi là "ông A cùng vợ" hoặc "Bà B cùng chồng" chứ không ghi là "cả nhà ông A/bà B".

- Giáo Hội sơ khai đã thực hiện việc rửa tội cho trẻ nhỏ. Thánh giáo phụ Hippolytus (170 - 235) viết rằng:

"Rửa tội trước tiên cho trẻ nhỏ, và nếu chúng có thể tự tuyên xưng thì hãy để chúng làm thế. Nếu không, thì hãy để cha mẹ hoặc người thân tuyên xưng thay cho chúng." ("Truyền thống các Tông Đồ" 21, 16)

-------------------------------------------------------------

Hình minh họa: Bức tranh Bảy Phép Bí tích của họa sĩ Rogier Weyden. Bạn tìm được bảy phép trong tranh không?

------------------------

- Vấn đề xưng tội với linh mục: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/552911328577362

- Vấn đề Chúa hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh thể: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/561137541088074

 

Khanh Nguyen

( Theo: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/568931876975307)