Đồng Tiền Bà Góa Nghèo
06:06 16/05/2020
260
Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại câu chuyện về lòng quảng đại của người ăn xin. Vào một ngày nọ, mẹ đi bộ xuống các con đường thăm sóc những người vô gia cư thì gặp được một người ăn xin chạy đến nói với mẹ rằng: " Thưa mẹ Têrêsa, nhiều người đưa tiền cho mẹ để giúp đỡ những người nghèo đói, và con cũng muốn đưa cho mẹ số tiền này. Cả ngày hôm nay, con chỉ xin được 30 cents, con xin đưa cho mẹ". Mẹ suy nghĩ trong giây lát, rồi nói: " Nếu tôi nhận 30 cents của ông thì ông có gì để ăn tối nay, và nếu tôi từ chối thì ông rất buồn. Sau đó, mẹ Têrêsa đón nhận món quà của ông, mẹ nhìn thấy gương mặt của ông ta rất vui vẻ và phấn khởi chưa bao giờ mẹ gặp một người nào có thái độ vui mừng như vậy.
Người ăn xin này rất vui khi được góp một phần nhỏ bé của mình khi trao món tiền nhỏ bé của ông ta cho mẹ Têrêsa, điều này có lẽ khác với cách suy nghĩ của nhiều người hôm nay. Một người ăn xin lại cho đi cái mình xin từ người khác. Với cuộc sống cơm áo gạo tiền, chúng ta hiếm thấy có những người cho đi chính cái mình đang cần để nuôi thân. Xã hội ngày nay đang biến con người ta chạy theo đồng tiền, hưởng thụ và danh vọng thì đâu đó cũng có những con người cao thượng và lòng quảng đại với những người kém may mắn hơn mình. Trong thời đại nào cũng có kẻ giàu người nghèo; người tốt kẻ xấu, người lương thiện kẻ bất lương; người thật kẻ giả dối. Câu chuyện của bà góa là đại diện cho tầng lớp nghèo nhưng lại có một tấm lòng quảng đại. Bà được Chúa Giêsu khen ngợi là người dâng cúng nhiều nhất trong số đám đông người giàu bỏ tiền vào thùng dâng cúng cho đền thờ, bởi vì bà cho đi tất cả những gì bà có, bà đang cần. Chúa Giêsu nhìn đến tấm lòng của bà hơn là số tiền bà bỏ vào.
Có lẽ, điều này đi ngược lại với con mắt của đám đông, họ coi việc bà góa bỏ hai đồng tiền có đáng là bao so với họ, họ nghĩ việc làm của họ có công đức trước mặt Chúa, nhưng trong con mắt của Chúa Giêsu thì bà là người bỏ nhiều nhất. Ngài gọi các tông đồ đến để giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của việc dâng cúng và việc làm bác ái của dân chúng. Trong số đám đông đó có cả các kinh sư, họ là người bị Chúa Giêsu lên án bởi cách sống giả tạo, họ mặc bộ áo thụng xúng xính, thích người ta chào hỏi nơi công cộng, chiếm chỗ nhất trong đám tiệc, nuốt tiền của các bà góa nhẹ dạ, làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Họ sẽ bị kết án nghiêm trọng hơn.
Đối chiếu với những gì Chúa Giêsu lên án các kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhìn thấy bóng dáng mình trong số đám đông này chăng! Và đây có phải là điều nghịch lý với cách suy nghĩ của chúng ta hiện nay không? Chúng ta có cảm thấy đau khi bị Chúa đụng chạm nơi thẳm sâu của lòng tham lam tiền bạc, chức quyền, và của hố sâu của tội lỗi bởi dục vọng, ích kỷ, mưu mô và tính toán của chúng ta không?
Tôi thường sống theo cách đánh giá bởi người chung hơn là kính sợ Chúa nhìn về mình. Theo cách đáng giá con người của người đời bảo tôi là người có công đức trước mặt Chúa, vì tôi dâng cúng cho nhà Chúa nhiều, tôi làm việc bác cho người nghèo, đọc kinh dự lễ đầy đủ và biết bao nhiêu công trạng khác, tôi đã và đang làm, tôi được ghi tên đứng đầu trong hàng ghế danh dự trong nhà thờ, được khắc tên trên tường, được mọi người tôn vinh công đức trước công đoàn. Điều này không có gì sai, đó là cách đánh giá theo số lượng về tiền cải, công sức và vật chất, nhưng tất cả những điều đó chưa đủ, bởi vì cách tôi ban tặng chỉ là cái dư thừa, tôi làm để được người khác đánh giá và nhìn nhận, chứ không phải vì lòng mến, thì nó chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa, mà nhiều lần Chúa đã cảnh cáo bọn biệt phái:" Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta." Chúa nói những người giàu có chỉ cho cái dư thừa, mà họ đem bỏ vào vào đó, còn người đàn bà góa bỏ vào đó tất cả những gì bà có, ngay cả khi bà đang túng thiếu, bà cần cái để nuôi thân. Tiêu chuẩn đánh giá của Giêsu dường như đại diện cho tiêu chuẩn của Thiên Chúa, đó là, không phải qua số lượng tiền mà là tính cách toàn thể của những gì được dâng và tương quan của những gì được dâng đối với người dâng cúng. Giêsu nói rằng, bà đã "bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" như là cách ám chỉ việc tích trữ kho tàng trên trời. Một người ăn xin cho mẹ Têsêsa 30 cent, mà ông ta xin được cả ngày giữa trời năng so với một nhà giàu cho 300 đô. Chắc chắn mẹ Têrêsa vẫn quý và trân trọng với 30 cent của người ăn xin này.
Đối với Chúa Giê-su, Ngài cần tấm lòng hơn của lễ. Vì của lễ chúng ta chẳng mang lại gì cho Chúa, nhưng tấm lòng đó để biết chia sẻ với anh em đồng loại. Đó là giới luật yêu thương. " Kính Chúa yêu người." Ngài cần chúng ta làm điều đó với con mắt thánh thiện thì mới có thể nhìn ra giá trị của lòng bác ái khi ta cho đi, chính là sự trân trọng và tình yêu thương. Việc làm nhỏ bé của bà góa nghèo hôm nay có thể là một bài học cao quý cho mọi người chúng ta biết cho đi mà không tính toán, biết làm việc mà không cần đền đáp.
Tóm lại, Chúa Giêsu dùng hình ảnh bà góa này, để dạy chúng ta cách đánh giá và nhìn nhận về việc dâng cúng tiền của cho Giáo hội cũng như trong công việc bác ái chúng ta làm. Hãy làm vì danh Chúa, chứ đừng làm vì sáng danh mình, muốn được ghi danh và người đời ca tụng, nó giống như vỏ chấu cuốn đi và chẳng mang lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn. Lòng bác ái chỉ có giá trị đích thực khi con tim ta thuộc về Trái Tim của Chúa. Amen.