Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo: lòng Chúa thương xót và nhân loại tội lỗi
21:57 21/05/2020
283
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Phụng vụ Mùa Chay mời gọi con cái Giáo Hội ăn năn hối cải, đồng thời ăn chay hãm mình, cầu nguyện, làm việc bác ái, lắng nghe và thực thi Lời Chúa để nài xin ơn tha thứ và canh tân đời sống, chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh.
Là Linh mục và Tu sĩ, chúng ta còn có sứ mệnh mời gọi và thúc đẩy mọi người cùng đồng hành với chúng ta trong hành trình thiêng liêng, thành tâm ăn năn hối cải để được hưởng lòng Chúa thương xót. Nhờ ánh sáng của Lời Chúa chúng ta sẽ ý thức hơn về hoàn cảnh của nhân loại lầm than tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa; chúng ta cũng sẽ có dịp gặp gỡ các tội nhân mà trong số đó, có những người biết khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi và ăn năn hối cải, nhưng cũng có những người cứng lòng, cho dù đã phạm những tội nặng nề. Trong mọi trường hợp, chúng ta cần mang trong mình tâm tình “chạnh lòng thương” của Chúa để giúp họ cảm nếm được chất ngọt ngào của lòng Chúa thương xót, êm đềm nhưng lại rất mạnh mẽ, có sức thắp sáng niềm hy vọng và đổi mới tâm hồn. Những điều này, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ qua đề tài “Lòng Chúa Thương Xót và Nhân Loại Tội Lỗi”.
1. Khẩn nài Lòng Chúa Xót Thương
Trong tình trạng tội lỗi, người ta có nhiều thái độ khác nhau: thái độ thứ nhất là thành tâm thiện chí, nhìn nhận tội lỗi cũng như sự yếu đuối của mình, đồng thời tin tưởng vào lòng Chúa thương xót và cố gắng trỗi dậy để sửa đổi và canh tân cuộc sống; thái độ thứ hai là chán nản buông xuôi, vì thấy mình quá yếu đuối và không còn hy vọng có thể nên tốt hơn; thái độ thứ ba là kiêu căng từ chối nhìn nhận thực tại yếu đuối của mình và tìm mọi lý lẽ để biện minh cho việc mình làm; thái độ thứ tư có vẻ chân thành và khiêm hạ, nhưng cũng rất nguy hiểm; đó là thầm kín trong lòng nhìn nhận tội lỗi của mình và cho là Chúa biết và tha thứ, rồi cũng tự tha thứ cho mình. Thái độ này làm người ta càng ngày càng lún sâu hơn trong tình trạng tội lỗi của mình. Còn đối với lỗi lầm của tha nhân, nhất là những thực trạng bất công trong xã hội, người ta thường có thái độ nhắm mắt làm ngơ hoặc phẫn nộ và kết án gay gắt.
Chính trong lúc viết những suy tư và tâm tình này để chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ, tôi đọc được bản tin về ông Jean Vanier, vị sáng lập nổi tiếng của Cộng đoàn “Arche”, qua đời ngày 07 tháng 5 năm 2019. Cuộc điều tra nội bộ của cộng đoàn “Arche” kết thúc vào tháng 02 năm 2020 kết luận là ông đã lạm dụng tình dục 6 phụ nữ. Ông Jean Vanier, quốc tịch Canada, nhưng sinh ra ở Geneva (Thụy sĩ), con của Trung tướng Georges Vanier. Ông đã là đại úy quân đội và khi xuất ngũ, ông đã cống hiến cuộc đời của ông để phục vụ người khuyết tật và đã thành lập cộng đoàn “Arche” lo cho người khuyết tật. Cộng đoàn “Arche” phát triển và thành lập chi nhánh trên 37 quốc gia, đem lại bao hy vọng và niềm an vui cho người khuyết tật, những người thường mang nhiều mặc cảm trong xã hội. Ông Jean Vanier cũng đã từng đi diễn thuyết nhiều nơi và đã viết trên 30 cuốn sách nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ. Vậy mà ông đã ngã quỵ. Giáo sư Stanley Hauerwas, một thần học gia nổi tiếng, bạn thân của ông Jean Vanier đã phát biểu là ngài cảm thấy vỡ mộng và con tim nát tan khi nghe tin này.
Chính tôi cũng cảm thấy bàng hoàng khi đọc bản tin này, vì tôi quen biết các cộng đoàn “Arche” tại Italia và đã đọc nhiều sách của ông Jean Vanier với lòng thán phục. Tuy bàng hoàng khi nghe tin này, tôi không thất vọng, và có thể nói là tôi không “ngạc nhiên”, cũng không chua chát vì nhờ ánh sáng của Lời Chúa, tôi đã ý thức về bản tính con người rất yếu đuối và mỏng giòn, nhưng còn xác tín hơn nữa về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi.
Một trong những lý chứng hùng hồn về sự yếu đuối của con người và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa là vua Đavít. Ngài là một vị vua đã được Thiên Chúa tuyển chọn và bênh đỡ trên mọi nẻo đường; ngài cũng là một vị vua đầy công trạng và giàu nhân đức. Nhưng cũng chính ngài đã phạm những tội rất trầm trọng: ngài đã phạm tội ngoại tình với vợ tướng Uria là một người bạn tín trung và một người thuộc cấp có tinh thần trách nhiệm, đã xả thân nơi chiến trường vì trung thành với vua. Sau đó, để che đậy tội lỗi cũng như giữ thanh danh của mình, vua Đavít đã phạm tội tày đình là phản bội tướng Uria và truyền lệnh lập kế giết ông này (x. 2Sm 11,1-27). Mặc dù tội phạm rất trầm trọng và nặng nề, nhưng vì vua Đavít khiêm nhường nhìn nhận, thú xưng và thành tâm ăn năn hối cải nên Chúa đã tha thứ cho vua (x. 2Sm 12,1-5; x. Tv 50).
Đúng là con người thật quá yếu đuối, trong khi sức mạnh của sự dữ lại quá lớn lao. Nhưng lòng Chúa xót thương lại còn lớn lao và mạnh mẽ hơn sự yếu đuối của con người và sức mạnh của sự dữ. Ngài sẵn sàng tha thứ và nâng dậy những ai khiêm nhường ăn năn thống hối và tin tưởng phó thác vào Ngài và cố gắng chỗi dậy. Không lạ gì, khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, Đức Mẹ đã xin ba em cầu nguyện, đặc biệt đọc kinh Mân Côi và hãm mình đền tội để van nài lòng thương xót của Thiên Chúa, cứu thế giới khỏi chiến tranh đang tàn phá các thành phố, cướp đi bao sinh mạng và xin Thiên Chúa ban cho các linh hồn tội lỗi được ơn ăn năn hối cải để tránh khỏi cảnh hãi hùng, trầm luân và tuyệt vọng trong hỏa ngục. Tại Lộ Đức, Đức Mẹ cũng để lại một sứ điệp tương tự khi nói với em Bernadette: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc ở đời sau. Còn ở đời này, con có sẵn sàng chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không ?”
Theo tinh thần này, một đàng chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi đã vấp phạm, đồng thời cậy trông vào lòng thương xót của Chúa để ăn năn hối cải. Đàng khác, trong ơn gọi tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô, chúng ta cũng tin tưởng khẩn cầu Thiên Chúa thương xót thế giới tội lỗi và kêu gọi mọi người đáp lại lời mời gọi của Đức Mẹ tại Fatima và Lộ Đức.
2. Những mẫu gương khẩn nài lòng Chúa xót thương, cầu bầu cho kẻ có tội
Đối với chúng ta, Linh mục và Tu sĩ, chúng ta cần ý thức ơn gọi của chúng ta là ơn gọi tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Kitô. Chúng ta cần cảm được nỗi thống khổ chung của toàn thể nhân loại với con tim thấm nhuần lòng thương xót của Thiên Chúa để biến những nỗi khổ đau thành lời khẩn cầu và biến cuộc đời chúng ta thành một lễ dâng thánh thiện (x. Rm 12,1) kêu xin Thiên Chúa thương xót nhân loại lầm than tội lỗi. Dưới đây là ba mẫu gương tông đồ lòng thương xót soi sáng cho chúng ta trong sứ mệnh cầu bầu cho kẻ tội lỗi.
a. Abraham cầu bầu cho dân thành Sôđôma (St 18,20-33)
ĐỨC CHÚA phán: “Tiếng kêu trách Sôđôma và Gômôra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!... ĐỨC CHÚA còn đứng lại với ông Abraham. Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao ? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao ? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao ?”… ĐỨC CHÚA đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Sôđôma năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.”
Ông Abraham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao ? Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.”
Ông Abraham còn tiếp tục nài nỉ và mặc cả với Chúa để cứu đoàn người tội lỗi. Sau cùng, Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao ?” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Sôđôma.”
b. Môsê cầu bầu cho dân Israel (Xh 32, 7-14; x. DNL 9,7-29)
ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” ĐỨC CHÚA lại phán với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”
Ông Môsê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập ? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Ngài đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất ? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaác và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Ngài đã đe.
c. Chúa Giêsu trên cây Thập Tự cầu bầu cho kẻ có tội (Lc 23,33-34)
Khi đến nơi gọi là “Núi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Từ những mẫu gương nói trên, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét:
Abraham
Khi được biết Thiên Chúa quyết định tiêu diệt dân thành Sôđôma, nơi có gia đình ông Lót là cháu của ông đang sinh sống, vì những tội lỗi quá lớn lao và nặng nề, ông Abraham không chỉ tìm cách cứu gia đình ông Lót, nhưng lấy cớ gia đình ông Lót để cứu tất cả dân thành. Có hai yếu tố tinh thần cần được lưu tâm. Trước tiên, ông Abraham đã cầu bầu cho dân thành Sôđôma tội lỗi là dân xa lạ, không quan hệ máu mủ, cũng không quen biết. Thứ hai, ông Abraham không chỉ xin một lần, mà nài nỉ, tìm mọi cách, mọi lý lẽ để cầu bầu cho đám dân này. Lời nài nỉ của Abraham vừa diễn tả niềm tin mạnh mẽ của ông vào lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi, vừa tỏ rõ một tương quan thân mật trìu mến với Thiên Chúa Hằng Sống.
Môsê
Ông Môsê cầu bầu cho dân Israel đã phạm tội rất nặng nề là phản nghịch, từ bỏ Thiên Chúa là Đấng đã giải thoát họ khỏi vòng nô lệ. Đứng trước ý định của Thiên Chúa là tiêu diệt dân chúng ngỗ nghịch này để thành lập một dân mới, bắt đầu từ chính ông, ông đã hy sinh, từ khước danh dự rất lớn lao này và xin Chúa thứ tha tội lỗi cho đoàn dân mà Chúa đã có ý định tiêu diệt.
Chúa Giêsu
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” “Họ” là những ai ? “Họ” là các kỳ lão, các luật sĩ, các thầy tư tế đã mưu mô lập kế hại Ngài; “Họ” là dân chúng đã chịu ơn Ngài mà hùa theo mưu kế của các kỳ lão, hay ít nữa im lặng không bênh vực Ngài; “Họ” là quan Philatô vì nhu nhược đã để Ngài bị kết án, bị đánh đòn và bị đóng đinh trên cây thập tự; “Họ” là những người lính Roma đã đánh Ngài nhừ tử, đã điệu Ngài từ dinh quan Philatô đến núi Sọ và đã đóng đinh Ngài; “Họ” cũng là các môn đệ, những người thân thiết đã chạy thoát thân, bỏ rơi Ngài trong khi Ngài bị nạn. Ngài đã cầu bầu xin ơn tha tội cho tất cả những người đó, chính trong lúc phải chịu những đau đớn hãi hùng do họ gây ra.
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, trong khi chúng ta phải tiếp tục nhắc nhở và khích lệ nhau luyện tập để mỗi chúng ta, Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận, mang trong mình chất lòng thương xót của Chúa và làm lan tỏa trong các sinh hoạt mục vụ và trong cách đối xử với tha nhân, chúng ta còn cần học nơi Chúa Giêsu và các tổ phụ Đức Tin mà cầu bầu cho đoàn Dân Chúa trước tòa Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, cho dù đoàn Dân đó có như thế nào.
Chúng ta cũng cần cầu xin Đức Mẹ là Mẹ của lòng Thương Xót dạy dỗ để chúng ta hướng dẫn đoàn Dân Chúa biết lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau ngay từ trong gia đình. Cúi xin Đức Mẹ cũng dạy dỗ chúng ta, Linh mục và Tu sĩ, biết lấy lòng thương xót mà đối xử với nhau. Nếu có anh chị em nào sa ngã, đừng khinh chê hoặc xua đuổi họ, nhưng hãy cầu nguyện, kính trọng và nâng đỡ họ trong cơn yếu đuối, để họ đủ sức trỗi dậy, hoán cải, trở về với Chúa và Hội Thánh mà tìm lại sự bình an, niềm hy vọng và lòng hăng say của ơn gọi và sứ vụ.
Thân mến chào quý Cha và anh chị em Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Nguồn: giaophanxuanloc.net