Giá Trị Của Đồng Tiền

01:33 19/05/2020

336

Tác giả:Lm John Nguyễn

Tiền là gì? Tiền có vị trí quan trọng trong cuộc sống. Tiền là thước đo, là bậc thang giá trị nhất định. Người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền nói chẳng ai nghe.” Chung qui cũng tại chữ tiền, làm cho nhân thế đảo điên quay cuồng. Chính vì thế con người luôn tìm kiếm, khát khao và mong muốn được giàu có. Thế nhưng, có phải đồng tiền quyết định tất cả không?


Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời cho vấn đề giá trị của đồng tiền. Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay, anh ta đi tìm điều gì? Anh ta đi gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Nếu nói vật chất, tiền bạc thì anh ta có thừa, anh ta làm giàu một cách lương thiện, chứ không phải giàu cách bất lương. Rõ ràng, khi Chúa Giêsu đưa ra lề luật thì anh ta giữ rất tốt. Anh ta không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm hại ai, không làm điều gian dối, thờ cha kính mẹ. Tôi nghĩ chắc gì chúng ta đã làm được như anh giàu có này.! 


Vậy cái điều gì làm cản bước anh ta không đi theo Chúa Giêsu? Thưa, đó là vì anh ta tiếc của cải. Khi Chúa Giêsu nói với anh: “Anh hãy đi bán hết của cải tài sản đem phân phát cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đi theo ta.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt, buồn rầu và bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Đó là lý do anh ta bỏ cuộc. Làm sao anh ta có thể đi theo Chúa được trong khi anh ta đang có tiền bạc tỷ, nhà cao cửa rộng, và được nhiều người cung phụng.Với có đầu óc tính toán như vậy, anh ta không thể bỏ thế giới tiền bạc của anh ta. Có thể nói đây cũng là định luật chung của mỗi con người chúng ta trong thời đại này. Chúng ta chỉ muốn mình có thật nhiều tiền và của cải để đạt được danh vọng để trở thành người giàu có.


Thế nhưng, sự giàu có đó vẫn không thể làm thỏa mãn được ước vọng con người, nên chàng giàu có này đến gặp Chúa Giêsu. Đâu phải tiền bạc có thể làm thỏa mãn tất cả khát vọng con người. Đằng sau sự giàu có còn có sự mưu cầu hạnh phúc và sự sống khác. Điều này được viết trong sách Khôn Ngoan: “Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức khôn ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức khôn ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức khôn ngoan cũng chỉ là cát bụi, và bạc so với Đức khôn ngoan cũng kể như bùn đất. Đức khôn ngoan hơn cả sức khỏe và sắc đẹp, vì rực rỡ của đức khôn ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.” Đây là lời minh triết cho con người. Chúng ta có thể chứng minh điều cụ thể qua cuộc sống con người, lý do tại sao chúng ta cần có sự khôn ngoan? Thưa, sự khôn ngoan sẽ cho ta có một tầm nhìn mới, để nhìn ra giá trị cao quý của cuộc sống, vì cuộc sống này tất cả những gì chúng ta có được, nó không thuộc về chúng ta mãi mãi. Khi 80 tuổi, ta không còn xinh đẹp nữa. Khi ta nằm trong quan tài, tiền có mang theo được đâu. Bằng cấp tiến sĩ, chức tước, địa vị còn có nghĩa lý gì nữa đâu. Mỗi người chúng ta được sinh ra trong thế gian này chỉ sống trong một giai đoạn thời gian là kết thúc. Cho nên, đức khôn ngoan quý hơn vàng bạc, hơn sắc đẹp là thế. Khôn ngoan giúp cho ta biết chọn lựa đúng và định hướng cho cuộc sống hạnh phúc.


Chuyện dạy về sự khôn ngoan ở đời. Người cha giàu có, ông có một đứa con trai chỉ biết ăn chơi phung phí. Người cha rất buồn, dù ông ta đã khuyên bảo anh ta hết lời, nhưng anh ta không nghe lời cha dặn, chứng nào tật nấy. Khi người cha già bệnh tật, ông không thể sống được nữa. Ông biết khi ông chết đi, thì tài sản này sẽ không còn. Thế nên, ông ta kêu người con trai lại và nói: “Con trai yêu quý, khi cha chết đi con có bán hết tài sản này, nhưng có một điều cha muốn con giữ lại, đó là chiếc áo cũ này của cha, con không được bán nó.” Với máu cờ bạc và ăn chơi, chỉ một thời ngắn, số tài sản không còn. Anh ta nhớ lại lời cha dặn, anh lấy chiếc áo ra và xem trong vạc áo có gì bất thường. Người con lấy kéo cắt ra, anh ta thấy viên ngọc quý. Vì quá nghèo túng, anh ta bán nó đi để làm lại cuộc đời. 

Bài học từ câu chuyện này, chính là sự khôn ngoan, minh triết. Con người ta phải biết dùng của cải một cách khôn ngoan để mưu cầu hạnh phúc.Tiền mua được ngôi nhà nhưng không mua được tổ ấm.Tiền mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian. Tiền mua được chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ. Tiền mua được quyển sách nhưng không được kiến thức. Tiền mua được thuốc uống nhưng mua được sức khỏe. Tiền mua được địa vị nhưng không mua được sự kính trọng. Tiền có thể mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu. 

Thật ra, bản chất đồng tiền nó không tốt cũng không xấu mà là do người sử dụng nó tốt hay xấu. Chúng ta đừng để đồng tiền biến ta thành nô lệ nó. Khi ta làm chủ nó, ta sẽ được hạnh phúc. Anh nhà giàu bỏ Nước Trời vì có nhiều của cải, anh làm nô lệ đồng tiền mà không biết cho đi. Trái lại, Chúa dạy chúng ta: “Hãy biết dùng của cải chóng qua để mua lấy Nước Trời.” Chúa Giêsu dùng hình ảnh người giàu có này để nói với các môn đệ và chúng ta: “Những người giàu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”.  


Sau khi lìa khỏi đời này, mỗi người chúng ta mang gì theo mình? Chết có mang được gì đâu, chúng ta nghèo tiền, nghèo bạc nhưng hãy giàu tình thương. Mỗi người chọn một con đường, thì xin hãy chọn yêu thương để làm giàu. Mỗi người có thể chọn lựa rất nhiều thứ, nhưng khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta không có quyền để chọn lựa cho số phận của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới quyết định số phận chúng ta. Như lời Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào Ta thì sẽ có sự sống đời đời.”

 Lạy Chúa, xin cho chúng con đức khôn ngoan của Chúa, để chúng con biết chọn lựa những giá trị đích thực trong sống tại thế này, đó là biết dùng của cải chóng qua để mua lấy Nước Trời. Amen.