GIẢI ĐÁP CỦA CHÚA GIÊSU VỀ ĐAU KHỔ
01:42 16/05/2020
304
Bệnh tật luôn là nỗi đau khổ của con người trong mọi thời đại. Người đời vẫn thường nói: Có sinh ắt có tử. Đó là quy luật của kiếp người. Nhưng khi đối diện với bệnh tật, ốm đau thì người ta dễ rơi vào trạng thái, buồn phiền, chán nản, thất vọng, phản kháng, và dễ bị đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, thì Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một bác sỹ tuyệt vời, đó là chính Chúa Giêsu.
Trong bài đọc một, chúng ta bắt gặp hình ảnh ông Gióp. Một người tốt lành, hiền đức, giàu có, nhưng rồi ông ta gặp phải nhiều nỗi gian truân và thử thách khi trận cuồng phong kéo đến, cướp đi đàn gia xúc, tài sản, người hầu và con cái của ông. Bấy giờ, ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất thờ lạy và nói: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa! " (Gióp 1,20-21). Hình ảnh của ông Gióp cho ta thấy được một niềm tin vững vàng vào tình yêu Thiên Chúa khi gặp thử thách.
Với quan niệm của người Do-thái thời giờ, họ diễn giải sự thử thách đó như là hình phạt của Thiên Chúa cho gia đình ông Gióp. Ngày nay, chúng ta cũng rơi vào não trạng này khi gặp điều không may xẩy ra cho người anh em mình thì ta lại bảo Chúa phạt.Khi thăm viếng một người thân bị bệnh nặng, thì chúng ta thường khuyên bảo rằng, Chúa trao thánh giá cho thì cố gắng vác lấy.Phải chăng Chúa làm những điều ác cho con cái của Ngài! Những lời lẽ này,chúng ta thường thấy xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, chúng ta vẫn ca ngợi Thiên Chúa là tình yêu. Cho nên, trong chúng ta có những mâu thuẩn về quan niệm giữa tình yêu và đau khổ. Đối với ông Gióp, khổ đau là một mầu nhiệm khôn dò, chứ không phải là một hình phạt. Ông ta tin vào Thiên Chúa tuyệt đối, Ngài sẽ hướng dẫn và giải đáp cho ta qua từng biến cố xẩy đến trong cuộc sống con người.
Còn Đức Giêsu nghĩ thế nào về đau khổ của con người?. Ngài không thuyết giảng về đau khổ, nhưng quan tâm,lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành kẻ ốm đau, tật nguyền, và bị quỷ ám. Khi nghe tin mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nằm trên giường. “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay bà và đỡ dậỵ…” Ngài chữa lành cho bà. Tin lành đồn xa, chiều đến nhiều người kéo đến xin Ngài chữa bệnh, và họ đã được chữa lành.
Ngày nay, đau khổ luôn là một vấn đề, mà con người vẫn chưa tìm được câu giải đáp thỏa đáng. Chẳng han, khi đứng trước người mù mới sinh, nó đâu có làm gì nên tội. Ấy thế mà, mọi người tìm cách để kết án, chạy tội, và đổ trách nhiệm cho kẻ khác. Còn đối với Đức Giêsu, để chiến đấu và chiến thắng đau khổ là làm điều tốt cho tha nhân để đau khổ sẽ vơi đi, và để biểu lộ công trình yêu thương của Chúa Cha.
Khi ta đi sâu vào mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm thập giá và đau khổ của Đức Kitô, chúng ta có được một ý nghĩa tích cực về đau khổ. Như vậy, đau khổ không phải là một hình phạt, mà là một sự thay đổi. Chính Chúa Giêsu chấp nhận đau khổ để đi vào vinh quang Nước Chúa. Nhờ đức tin và tình yêu là sức mạnh giúp cho chúng ta can đảm chấp nhận những nghịch cảnh cay đắng và đen tối của cuộc đời. Nó giống như hạt lúa phải thối đi để trổ sinh ra những bông hạt khác. Có đau khổ chúng ta mới nhận ra đâu là hạnh phúc, là ân ban của Thiên Chúa.