Hãy Đi Rao Giảng Tin Mừng Khắp Thế Gian
03:38 16/05/2020
435
"Đừng khóc thương tôi, Sudan". Một cuốn phim tài liệu đã làm rung động hàng triệu trái tim, kể về cuộc đời linh mục Gioan Lee Tae-seok (Hàn Quốc), người đã mang lại ánh sáng Tin mừng và cuộc sống cho những người nghèo nhất trên thế giới. Cha Gioan Lee là linh mục dòng Salêriêng Don Bosco. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, cha đã bỏ tất cả công danh sự nghiệp để đi theo tiếng gọi của Chúa và trở thành một linh mục truyền giáo cho người nghèo. Ngay sau khi được truyền chức linh mục tại Tòa Thánh Vatican, cha đã tình nguyện đi truyền giáo và sống giữa đoàn chiên nghèo khổ bệnh tật trong làng Tonj thuộc miền Nam Sudan thuộc Phi Châu trong suốt 8 năm trước khi ngài qua đời vì căn bệnh ung thư ruột già ở tuổi 48.
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó gồm 10 anh chị em, Gioan Lee Tae Suk là người con thứ chín. Năm lên 9 tuổi, người bố qua đời. Người mẹ đã phải vất vả, tần tảo làm nghề may vá để nuôi 10 người con. Ngay từ khi còn bé, cậu Gioan Lee đã phải sống trong cảnh nghèo khó. Sống trong tuổi thơ nghèo túng, có những ngày cậu bé Gioan Lee Tae Suk đã phải lang thang với mẹ ngoài đường, sân chơi chính là ngôi Thánh đường. Một ngày nọ, khi chứng kiến cảnh một người ăn xin nghèo khó, rách rưới, Gioan Lee Tae Suk chạy về nhà và hỏi mượn người chị 1 cây kim và sợi chỉ để khâu lại chiếc quần cho người ăn xin.
Khi lên bậc trung học, cậu Gioan Lee đã tự học đàn Guitar, chơi dương cầm và sáng tác những bài thánh ca. Âm nhạc là một cây cầu nối cho Gioan Lee đến gần với Thiên Chúa và sống đạo tốt hơn. Theo như lời cha Gioan Lee chia sẻ, trong công việc truyền giáo, ngài dùng âm nhạc để giúp cho những đứa trẻ tại Nam Sudan đã quen cầm súng đạn, thì chính âm nhạc làm cho tâm hồn các em có được niềm vui trong cuộc sống.
Trong cuốn tự thuật: “Các con là những người bạn của cha”, linh mục Gioan Lee đã nói rằng, động lực thúc đẩy ngài đến miền Nam Sudan. Là trong thời thơ ấu, cha Lee đã cảm nhận được sự hy sinh của người mẹ vất vả lo lắng cho 10 người con. Khi lớn lên, cha nhìn thấy những tấm gương hy sinh phục vụ của các linh mục, các sơ và chính người anh linh mục, và một người chị là nữ tu. Đặc biệt là sự hy sinh của người mẹ khi bà chấp nhận cho cha Gioan Lee từ bỏ con đường sự nghiệp bác sĩ để trở một thành linh mục cho Chúa. Người mẹ đã khước từ sự giàu sang để sẵn sàng nâng đỡ cha Gioan Lee đi theo tiếng gọi của Chúa. Đó là những tấm gương sáng và là động lực thúc đẩy cha đi đến Sudan truyền giáo một nơi nghèo khổ để phục vụ cho những người nghèo, bệnh tật và bất hạnh. Tại nơi đó, cha đã xây dựng một ngôi trường mẫu giáo, một trường trung học và một bệnh xá cho người nghèo, và chính cha đã dạy môn toán cho các em. (trích Đừng Khóc Thương Tôi, Sudan).
Trong năm Đức Tin này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tham gia vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, vì " Truyền giáo là tâm điểm sự hiện hữu và niềm tin của Hội Thánh vào Thiên Chúa, là ân huệ được ban để chúng ta chia sẻ cho người khác; nó là đồng bạc chúng ta nhận lãnh để sinh lời; nó là ánh sáng không được giấu kín, nhưng phải soi sáng cho cả nhà” (Sứ Điệp Truyền Giáo 2012).
Lời mời gọi đó chỉ có ý nghĩa và thiết thực hơn chính là bằng đời sống của chúng ta. Khi tìm hiểu về cuộc đời truyền giáo của cha Gioan Lee, tôi học được những bài học sau đây:
Trước tiên, để làm được những việc phi thường đó, cha Gioan Lee đã nhận ra được tình yêu Thiên Chúa rất mãnh liệt, ngài đã khước từ sự giàu có và danh vọng để bước đi theo Chúa. Chính sức mạnh tình yêu đó đã giúp cha sống trọn vẹn cho những người nghèo. Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy cha Lee đến quỳ xuống để rửa vết thương cho những người phong cùi, băng bó những vết thương, làm những đôi dép bằng chính tay của ngài để cho họ có thể đi bằng đôi chân của mình. Cha Gioan Lee sống với họ bằng cả trái tim yêu thương, không phân biệt đối xử, hay có khoảng cách với những người bệnh cùi hoặc sợ hãi trước bất cứ điều gì với những con người bất hạnh. Điều đó không phải dễ dàng đối với chúng ta khi ta đang sống trong một môi trường có quá nhiều tiện nghi và đầy đủ.
Kế đến, qua những việc cha Gioan Lee đã rao giảng và sống chính là bằng đời sống đức tin của mình. Đức tin là nguồn sức mạnh phi thường giúp cho cha sống giữa những người dân nghèo tại miền Nam Sudan này, và ngài là tia sáng, nguồn hy vọng và ngọn lửa bừng sáng trong lòng những người dân. Cuộc đời của cha đẹp như những lòai hoa biết nói để tỏa hương sắc tình yêu đến cho tất cả mọi người chung quanh qua thái độ tiếp đón ân cần với tha nhân. Mỗi lần cha đến thăm họ, thì ngài mang cho mỗi người chiếc áo để mặc, cho nụ cười để mang lại niềm vui. Ngài rao giảng lời Chúa không chỉ trong ngôi thánh đường mà là cả cuộc sống đời thường của ngài khi tiếp xúc với trẻ em, với người già nua và bệnh tật, ngài không bao giờ từ chối khi có bệnh nhân đến cần được chữa bệnh giữa đêm khuya. Đời sống của ngài trở thành một chứng nhân sống động cho ánh sáng Lời Chúa và là muối men cho đời.
Đời sống chứng nhân của cha Gioan Lee có thể là mẫu gương truyền giáo trong thời đại hôm nay. Tin mừng của Chúa Giê-su được lan tỏa giữa thế gian bằng tình yêu, đời sống đức tin và tinh thần phục vụ tha nhân. Sứ mạng truyền giáo là lời mời gọi cấp bách không chỉ là các linh mục, tu sĩ, mà là tất cả mọi người chúng ta khi được mang danh Chúa Giê-su qua Bí tích rửa tội. Chúng ta được trở nên tư tế, vương đế và sứ giả rao truyền Lời Chúa cho mọi người khắp mọi nơi.
Khi chúng ta nhận thức được vai trò của người Kitô hữu về việc rao truyền Lời Chúa trong thế giới hôm nay, thì điều kiện cần cho mỗi chúng ta là phải có lòng mến Chúa và yêu người, vì ta không thể cho người khác những gì mình không có, và đó cũng là giới răn quan trọng nhất đối với những người làm chứng cho Tin mừng. Tình yêu đó được chứng minh bằng những việc làm và ở bất cứ nơi nào khi ta hiện diện với anh chị em. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,7).
Cha Gioan Lee dám sống và chết cho người nghèo khổ ở Sudan vì ngài muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, và ngài đã có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong cuộc sống của mình. Có lẽ, chúng ta đang sống trong một đất nước có đầy đủ những phương tiện vật chất, cho nên chúng ta chưa cảm nhận được sự đói ăn, thiếu thốn, nghèo nàn, bệnh tật, để chúng ta biết cảm thông và chia sẻ với người nghèo đang từng giờ, từng ngày cần có được miếng ăn, cần có được hòa bình và yêu thương.
Tôi thiết nghĩ đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại những ơn huệ Chúa đã và đang ban cho chúng ta tại đất nước này, để ta biết nhìn đến anh chị em nghèo khổ đang sống xa chúng ta. Nhất là xin Chúa cho chúng ta biết ra khỏi cái tôi chập hẹp và ích kỷ, bằng cách là siêng năng đọc Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày, vì chính Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta, và lời cầu nguyện giúp cho chúng ta sống thân mật Chúa và đón nhận tha nhân. Như Lời Chúa mời gọi chúng ta:" Anh em hãy ra đi thu phục người ta bằng đời sống chứng nhân Tin mừng".
Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn và trợ giúp chúng con, để chúng con trở thành chứng nhân cho Tin mừng sống động, và mạnh dạn dấn thân bước theo Chúa Giê-su. Chúng con dám sống và chết cho niềm tin với những điều chúng con tuyên xưng, và trở nên muối men cho đời với trái tim yêu thương và tinh thần phục vụ vì Đức Kitô. Như lời Chúa phán dạy: " Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".