Hãy Đi Tìm Kiếm Thiên Chúa

06:32 16/05/2020

298

Tác giả:Lm John Nguyễn

Với nhịp sống như hiện nay, chúng ta nhận thấy rằng, mọi người phải chạy theo thời gian, lo cho công việc và cuộc sống là mối quan tâm hàng đầu. Người ta ít có thời gian để nghĩ đến những giá trị thiêng liêng, hay ước muốn đi tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống của mình và trong công việc. Do đó, đời sống tinh thần thường trở nên bế tắt, không có lối thoát, không có điểm tựa và cũng không biết đâu là đích điểm. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nhận diện được những con người khác nhau, họ đón nhận hay loại trừ Con Thiên Chúa khi Ngài xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Chúng ta cùng nhau phân tích các nhân vật trong đoạn Tin Mừng này, trong ngày lễ mừng Chúa Hiển Linh.

Con người ganh tỵ và gian ác, chính là Hoàng Đế vua Hêrôđê. Ông này không phải là người Dothái, nhưng là nguời I-du-min, được làm vua xứ Giuđêa do triều đại La-mã năm 40 trước Công Nguyên và trị vì năm 37. Vua Hêrôđê là một kẻ gian ác, giết vợ, ba người con, mẹ vợ và các trẻ thơ tại Bê-lem. Tin Mừng thuật lại, bấy giờ Hêrôđê triệu tập các nhà đạo sĩ lại và dặn cặn kẽ rằng, thấy vua dân Do thái sinh ra ở đâu thì hãy về báo lại cho nhà vua. Nhưng khi gặp Chúa Giê-su, các nhà Đạo Sĩ đi đường khác, ông ta tức giận, kêu quân lính đi giết tất cả các trẻ thơ.Vì lòng ganh tỵ, sợ mất ngôi vua, Hêrôđê đã ra tay giết chết các trẻ thơ vô tội. Lòng ganh tỵ của con người thật là tàn nhẫn, họ đánh mất lương tri và làm những điều gian ác.

Con người thờ ơ và vô cảm, chính là các Thượng tế, Kinh sư và cả dân Do thái. Họ vẫn biết Đấng Cứu Thế đến thế gian nhưng họ vẫn làm ngơ trước sự kiện vĩ đại xẩy ra. Có kẻ đã xua đuổi thánh Giuse và Mẹ Maria không cho vào trọ vì lòng ích kỷ, vì các ngài không có đủ tiền để vào nhà trọ, họ coi trọng đồng tiền hơn là đón nhận Con Thiên Chúa. Cánh cửa lòng của họ bị đóng lại, chính vì thế họ không đón tiếp Chúa. Thánh Giuse và Đức Mẹ phải ra đi và tìm đến chuồng bò để trọ và Hài Nhi Giêsu ra đời nằm trong máng cỏ. Ngày nay, chúng ta cũng dễ dàng vứt bỏ Chúa để chạy theo đồng tiền và danh vọng. Chúng ta cũng chẳng khác gì người dân Do thái, các Kinh sư, Thượng tế, họ là các nhà làm luật, học giả, giảng thuyết, biết rất nhiều điều, nhưng họ vẫn thờ ơ và vô tâm, không đi tìm kiếm Chúa, dù Ngôi sao đã xuất hiện và các nhà Đạo Sĩ đã cho biết Đấng Cứu Thế đã sinh ra.

Ngược lại, các nhà Đạo Sĩ, họ là những người dân ngoại, nhưng họ lại khao khát đi tìm kiếm Đức Giêsu mới sinh. Họ vội vã lên đường và muốn tìm ra sự thật về Đấng Cứu thế sinh ra ở đâu. Khi chúng ta phân tích bối cảnh mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta, chúng ta thấy một sự khác biệt thật đau lòng giữa các nhà Tư tế, Kinh sư, dân Do thái, họ tự cho mình là người hiểu biết sùng đạo với các nhà Đạo Sĩ, mục đồng là những con người dân ngoại đơn sơ, chất phác lại là những người đến gặp Hài Nhi Giêsu đầu tiên. Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng, “Người đến thế gian mà thế gian không thèm biết đến Người. Người ở giữa chúng ta mà chúng ta không tiếp đón Người.” Chỉ có các mục đồng với đàn chiên bò đón nhận Người. Tình nhân gian thật là tồi tệ, không cho Chúa một chỗ để dung thân trong một đêm đông lạnh lẽo. Hôm nay, chúng ta cũng có thể tự hỏi mình chúng ta yêu Chúa như thế nào và yêu Chúa được bao nhiêu? Hay đó chỉ là lời nói chót lưỡi đầu môi. Chúng ta thường chỉ biết cầu xin mà không có thực hành trong đời sống.


Mùa Giáng Sinh đến, chúng ta ước muốn làm những hang đá thật đẹp và lộng lẫy, có đủ ánh đèn màu để cho mọi người ngắm nhìn, nhưng trong tâm hồn ta thì lại không có chỗ cho Chúa Giêsu trú ngụ, nên mùa Giáng Sinh vẫn lạnh lẽo, tâm hồn cảm thấy cô đơn, trống vắng.


Ước gì, chúng ta biết nhanh chân lên đường và tìm kiếm Chúa, như các nhà Đạo sĩ đến thờ lạy và dâng lễ vật cho Chúa Giêsu. Lễ vật đó chính ta tấm lòng bác ái, yêu thương của ta với Chúa và tha nhân.


Ước gì, chúng ta biết trở nên như các mục đồng bên Chúa chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu để tôn vinh và cám tạ Thiên Chúa cùng các Thiên thần ca hát: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm".