Hãy Ra Khơi
02:50 16/05/2020
298
Trong năm sống đức tin, chúng ta được nhìn thấy biểu tượng sống đức tin là con thuyền đang lướt trên những ngọn sóng. Con thuyền tượng trưng cho Giáo hội, và trên con thuyền được vẽ lên hình cây thánh giá tượng trưng cho Chúa Kitô (JHS). Đằng sau, những cánh buồm là một mặt trời và dấu chỉ của Bí tích Thánh thể. Biểu tượng năm sống đức tin như là lời nhắc nhớ chúng ta về đời sống đức tin và công cuộc truyền giáo đang là một việc làm cần thiết và cấp bách hôm nay, mà Giáo hội mời gọi chúng ta hãy ra khơi và trở nên như các tông đồ ngày xưa đã bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su.
Trở về với khung cảnh tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, chúng ta hình dung lại cảnh đám đông chen lấn nhau để đến với Chúa Giê-su, họ muốn được nghe lời của Thiên Chúa. Theo lẽ thường, Chúa Giê-su giảng dạy trong hội đường, nhưng hôm nay Ngài lại xuống thuyền của Phê-rô. Chúng ta thấy có một sự khác thường. Và từ sự khác thường này, Chúa Giê-su đã thu phục và biến những người chài lưới bỏ tất cả để đi theo Ngài. Phải chăng các ông đi theo Chúa là vì có được mẻ lưới đầy cá! Không phải thế. Dấu hiệu đầu tiên của Phê-rô là sấp mặt dưới chân Chúa Giê-su và nói: " Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!". Cử chỉ và lời nói của Phê-rô cũng là điều bất thường. Lẽ ra, ngài phải vui mừng vì được nhiều cá chứ! Ngược lại, ngài lại tự thú mình là người tội lỗi.Thật ra, Chúa Giê-su đâu có bắt tội ông, nhưng chính trong thâm tâm của ông đang bị cắn rứt bởi sự tự mãn, kiêu căng của mình tự cho mình là người có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đánh bắt cá. Và ngay cả các bạn chài lưới với Si-môn cũng kinh ngạc khi các ông nhận ra quyền năng của Thiên Chúa thực hiện trước mặt các ông qua mẻ lưới. Sự nhận ra quyền năng của Thiên Chúa đã giúp cho các tông đồ có sức mạnh để từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giê-su.
Từ bờ hồ Ghen-nê-xê-rét, Chúa Giê-su đã chọn gọi các tông đồ và sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi trên thế giới. Các ngài đã đặt nền móng đức tin cho chúng ta bằng đời sống chứng nhân, sống và chết vì Đức Kitô. Nhờ đó, đời sống đức tin của chúng ta được triển nở và loan truyền cho thế giới hôm nay. Điều đó cũng tóm tắt trong bài Tin mừng hôm nay. Như các tông đồ ngày xưa đã vâng nghe lời Chúa, các ngài đã từ bỏ hết mọi sự để theo Chúa. Các ngài bỏ gia đình, bỏ nghề nghiệp, bỏ quê hương, bỏ những thứ của cải đang quyến luyến làm cản trở bước đi. Từ bỏ là phải chấp nhận sự mất mác và đau đớn bởi những thứ đang thuộc về mình. Nhưng từ bỏ chính mình để đi theo Chúa thì không phải ai cũng có thể làm được.
Ngay nay, con người thường đặt ra những điều kiện khi đi theo Chúa. Tôi đi theo Chúa là để được nhiều hơn, chứ không muốn mất. Nếu Chúa ban cho tôi, thì tôi còn nhớ đến Chúa, còn đi đến nhà thờ. Nếu tôi không được ơn gì, thì không đến nhà thờ nữa, vì sợ mất thời gian. Tôi có thể mất nhiều giờ cho bữa tiệc, cho những lần hẹn hò, vui chơi, nhưng tôi sợ mất một giờ đồng hồ khi đến với Chúa trong thánh lễ. Khi tôi bệnh tật, thất bại, thử thách và gian nan thì tôi đi cầu nguyện khấn vái khắp nơi, nhưng đến khi mọi việc đã xong thì đâu lại vào đấy. Con người ngày nay rất thực dụng và tính toán với Chúa rất chặt chẽ. Tôi đi mua sắm tốn bạc trăm thì không thấy tiếc, nhưng góp vào nhà thờ vài đô la thì tôi bảo đi lễ tốn tiền. Thật là nghịch lý nhưng lại là hợp lý cho cách sống và lối suy nghĩ của con người ngày nay.
Kinh nghiệm của Si-môn và các tông đồ cho ta thấy rằng, đi theo Chúa là ra khỏi cái tôi chật hẹp của mình. Bởi vì, chủ nghĩa cái tôi chập hẹp luôn biến con người làm nô lệ bởi những dục vọng, quyền lực và tiền bạc. Cái tôi ích kỷ làm con người ta trở nên vô cảm trước đau khổ của người khác và đánh mất ý thức về tội. Nó đề cao về sự hưởng thụ khoái hơn là giá trị đời sống thiêng liêng. Tin Mừng Mátthêu cảnh giác chúng ta về thái độ này: “Vì lòng dân này đã ra chay đá, chúng đã bịt tai, nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13:15).
Khi chúng ta ý thức việc rao giảng Tin Mừng là điều cần thiết và cấp bách, thì giờ đây chúng ta hãy ra khỏi lối sống, cách nghĩ của mình để đi theo Chúa và thực hành sứ mạng rao giảng Tin mừng, mà Đức Kitô mời gọi chúng ta hôm nay:" Truyền giáo là tâm điểm sự hiện hữu và niềm tin của Hội Thánh vào Thiên Chúa, là ân huệ được ban để chúng ta chia sẻ cho người khác; nó là đồng bạc chúng ta nhận lãnh để sinh lời; nó là ánh sáng không được giấu kín, nhưng phải soi sáng cho cả nhà” (Sứ Điệp Truyền Giáo 2012).
Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, tôi xin mượn câu truyện của cha Casaigne có thể minh họa về đời sống chứng nhân của ngài trên quê hương Việt Nam. Ngài là người đầu tiên khai phá cho công cuộc truyền giáo cho dân tộc Ko-ho. Ngài đã sống và chết cho những anh chị em phong cùi tại Di Linh. Cha Casaigne đã trở thành hạt ngọc và là nguồn suối yêu thương và bình an cho những người phong cùi. Tấm gương hy sinh của ngài là đốm sáng cho chúng ta, mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: " Anh em hãy ra đi thu phục người ta bằng đời sống chứng nhân Tin mừng".
Lạy Chúa, xin ban ơn và giúp sức cho chúng con, để chúng con mạnh dạn lên đường bước theo Chúa, chúng con dám sống và chết cho niềm tin của chúng con. Như lời Chúa dạy: "Anh em hãy ra đi mang Tin mừng cứu độ cho muôn dân".