Hãy Trở Về Với Dòng Sông Jordan

06:09 16/05/2020

277

Tác giả:Lm John Nguyễn

 Một câu hỏi được đặt ra cho mọi người Kitô là tại sao chúng ta phải chịu phép Bí tích Rửa Tội.? Đây là đề tài cần thiết để giúp cho chúng ta tìm hiểu thêm về ơn Bí tích mà chúng ta đã được lãnh nhận nhân ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa. Tôi xin mời anh chị em hãy quay trở về với dòng sông Jordan nơi Chúa Giê-su chịu phép rửa để khám phá ra mầu nhiệm này.

Sông Jordan là một con sông ở vùng Tây Nam Á, chảy từ chân núi Hermon vào biển Chết. Ngày nay, sông này được coi là một trong các sông thiêng liêng nhất thế giới. Sông dài 251 km (156 dặm). Nó liêng thiêng và mầu nhiệm bởi vì dòng sông này đã xẩy ra nhiều biến cố quan trọng, nơi Chúa Giê-su chịu phép rửa và được ghi lại trong Kinh Thánh. Khi trở về với lịch sử dòng sông này, chúng ta sẽ phám ra mầu nhiệm tình yêu Ngôi Ba Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Dòng sông nhiệm mầu và dòng nước ơn cứu độ phát xuất từ nơi Đức Kitô.

Theo địa lý của sông Jordan này, nó được nói đến như nguồn cung cấp sự phì nhiêu cho vùng đồng bằng lớn và được coi như là "Vườn nho nhiệm mầu của Chúa" (St 13:10). Trong lịch sử Kinh Thánh, sông Jordan là nơi diễn ra nhiều phép mầu, trong đó phép mầu thứ nhất là người dân Israel dưới sự lãnh đạo của Joshua vượt qua sông Jordan, ở khúc gần thành Jericho (Sách Joshua 3:15-17). Sau đó, 2 bộ tộc định cư ở phía đông sông Jordan, và họ đã xây một bàn thờ lớn bên bờ đông. Tiên tri Elijah và Elisha cũng qua sông Jordan ở các chỗ khô cạn (Sách Các Vua 2, 2:8,14). Elisha đã tạo ra 2 phép mầu khác trên sông này: lần thứ nhất ông chữa lành viên tướng Naaman bằng cách cho ông này tắm 7 lần ở sông này; lần thứ hai Elisha quăng 1 khúc cây xuống sông khiến cho lưỡi rìu của 1 người dân đốn cây bị rớt xuống sông nổi lên (sách Các Vua 2, 5:14, 6:6).

Trong Tân Ước, chúng ta biết rằng, Gioan Tẩy giả đã làm phép rửa cho Chúa Giê-su và dân chúng, ngài rao giảng và kêu mọi người ăn năn, thống hối tại sông Jordan. Và phép rửa là để tỏ lòng ăn năn, sám hối. Chính tại khúc sông Jordan này, Gioan Tẩy giả đã chứng thực Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chiên Thiên Chúa (Jn 1:29-36). Còn trong Tin mừng thánh Luca thuật lại:" Ông Gioan trả lời mọi người rằng, Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa."

Hơn nữa, Tân Ước nhiều lần nói tới việc Chúa Giêsu vượt qua sông Jordan trong khi Ngài giảng đạo (Mt 19:1; Mc10:1), và nhiều người tin theo Chúa Giê-su, họ đã vượt sông qua Jordan tới để nghe Người giảng dạy và được chữa lành bệnh tật (Mt 4:25). Khi các quân lính tìm cách bắt Người, Chúa Giêsu đã ẩn tránh bên sông Jordan ở chỗ Gioan Tẩy giả làm phép rửa lần đầu (Jn 10:39-40).

Ngày này, sông Jordan là nguồn cung cấp nước cho các vùng đất khô cằn trong khu vực, nhưng lại là vấn đề có sự bất đồng và tranh chấp giữa các nước Liban, Syria, Jordan, Israel và Palestine. Dòng sông Jordan không chỉ gắn bó với đời sống con người nhưng là nơi đánh dấu công trình sứ vụ rao giảng và nguồn ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Cho nên, phép rửa chúng ta lãnh nhận mang nhiều ý nghĩa mà Chúa Giê-su thực hiện đức công chính và tấn phong Người trước mặt Thiên Chúa và được Thiên Chúa công khai chấp nhận. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim bồ câu và Lời Thiên Chúa phán ra:" Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." Đó cũng là lý do tại sao mỗi người chúng ta phải chịu phép rửa, vì chúng ta được làm con của Chúa và thuộc gia đình của Thiên Chúa qua Giáo hội là Mẹ. Đó là niềm hãnh diện và nguồn hạnh phúc cho chúng ta ở đời này và đời sau.

Khi chúng ta cảm nhận được giá trị cao quý này, thì qua phép rửa Chúa Giê-su, Ngài cho ta biết rằng, Ngài là Con Thiên Chúa, đã tự xem mình như con người tội lỗi như chúng ta, mặc dù Ngài không có tội gì. Phép rửa của Ngài là mẫu gương cho các môn đệ và cho chúng ta hôm nay, Ngài muốn cùng chung với kiếp sống con người. Đức Giê-su làm gương cho chúng không chỉ bằng lời dạy, bằng luật lệ và giới răn mà là bằng hành động khiêm tốn của Người, đó là sống khiêm hạ, khó nghèo trong một gia đình nghèo hèn, đơn sơ nhỏ bé, Ngài hạ mình xuống nơi máng cỏ hang lừa hôi tanh, rách nát của kẻ bần cùng. Ngài vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse và khiêm tốn đến để lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả, Ngài chấp nhận làm người đầy tớ phục vụ, làm bạn với những người tội lỗi, yêu thương và chữa lành người bệnh tật ốm đau. Đó chính là sự khác biệt giữa Chúa Giêsu với chúng ta. Người là Con Thiên Chúa giàu sang, quyền thế mà tự hạ làm người nghèo, hèn hạ, Chúa Giê-su chấp nhận làm người đầy tớ để quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và phục vụ tha nhân. Còn con người chỉ là thụ tạo không là gì cả, ấy thế mà con người ngày nay muốn thống trị thế giới, vứt bỏ Thiên Chúa, thích được cai trị người khác, và thích được cao sang chức trọng trước mặt người đời. Nghịch lý của con người ngày nay đã đưa thế giới vào chỗ hủy diệt là điều đáng sợ nhất. Con người mất hết lương tri và cảm thức về tội. Văn hóa sự chết đang bóp chết con người bởi sự kiêu căng, tự phụ vì muốn được bằng Thiên Chúa, đó là nguyên nhân của sự ác, sự dữ lan tràn khắp nơi. Do đó, con người ngày nay cần được tái sinh lại dòng nước của Lòng Chúa Thương Xót. Đức Giáo Hoàng Phanxico mời gọi chúng ta sống và thực hiện Lòng Thương Xót trong năm này.

Trong trái tim, ai cũng có dòng sông của tuổi thơ. Dòng sông gắn liền với biết bao kỷ niệm êm đềm, thì dòng nước thiêng liêng của ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội mang lại cho chúng ta nguồn hạnh phúc vô cùng lớn lao, vì chúng ta được làm con Thiên Chúa. Dòng nước ấy rửa sạch vết nhơ của tội lỗi của chúng ta, và chúng ta được lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa và được tái sinh bằng nguồn suối của Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, chúng ta được trở về dòng sông Jordan nơi Chúa Giê-su chịu phép rửa, là trở về với Bí tích Thanh tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận, để khám khá và nhìn ra ân huệ ơn lao khi chúng ta được làm con cái của Thiên Chúa và được thanh tẩy bởi tội lỗi tổ tông và tội của chúng ta. Đôi khi, dòng đời đã cuốn trôi chúng ta vào tội lỗi, đam mê và lạc thú, nó không còn tinh tuyền và trong trắng nữa. Chiếc áo trắng đã bẩn màu đen, và ánh sáng đức tin đã tắt dần trong đêm đen. Chính vì lẽ đó, Giáo hội dành đặc biệt ngày lễ này để giúp cho chúng ta nhận lãnh ơn tái sinh và đổi mới con người của chúng ta. Đồng thời, chúng ta chiêm ngắm nơi Đức Giêsu khiêm hạ, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và đón nhận tất cả ý thiên định của Thiên Chúa Cha.

Lạy Chúa, chúng con hạnh phúc vì được làm con Thiên Chúa qua nhờ Bí tích Rửa tội, nhờ đó, chúng con được tắm rửa và thanh tẩy tội lỗi của chúng con, chính nhờ dòng Nước và Máu từ cạnh sườn của Đức Giêsu, chúng con được hưởng nguồn ơn cứu độ của Ngài. Amen.