Hiệp Nhất Nên Một Trong Chúa
05:49 16/05/2020
300
" Chúa là cây nho, con là cành.
Con chết với Ngài cho ngàn tội lỗi."
Chủ nhật vừa qua, chúng ta được nghe Chúa Giê-su bảo Ngài là Mục Tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên, thì hôm nay Ngài lại nói với chúng ta: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Thầy là cây nho, anh em là cành”. Như vậy, chúng ta thấy hình ảnh con chiên và cây nho được gắn liền với cuộc sống của người dân Do-thái và là của lễ dâng cho Thiên Chúa. Cho nên, Chúa Giê-su dùng những hình ảnh cây nho làm biểu tượng về sự hiệp nhất và liên kết chặt chẽ giữa Thiên Chúa và con người.
Trong Cựu ước, cây nho làm biểu tượng cho dân tộc Itrael: “Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel” (Is 5,1-7). Tiên tri Giêrêmia đã nói với dân Itrael rằng: “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt, nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng đót” (Gr 2,21). Còn Thánh vịnh 80 diễn tả: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng”(Tv 80,15-16). Qua những lời của các tiên tri diễn tả về hình ảnh cây nho, chúng ta thấy rằng, cây nho là một biểu tượng cho dân tộc Itrael. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta được nghe Đức Giêsu dùng hình ảnh cây nho để nói đến sự liên kết, hiệp nhất giữa Ngài và các tông đồ: “ Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,1). Cành nào gắn liền với cây thì sinh nhiều hoa trái, cành nào bị tách lìa ra khỏi thân cây thì sẽ bị khô héo và chết đi và bị ném vào lửa thiêu đốt.
Lời dặn dò của Chúa Giê-su có ý nghĩa rất quan trọng cho các tông đồ trước khi Chúa Giê-su rời khỏi thế gian, Ngài không để lại một tượng đài, hay ngôi nhà vĩ đại nào, nhưng Ngài xây dựng tình hiệp nhất và liên kết cộng đoàn trong khung cảnh của buổi Tiệc ly. Tính liên kết yêu thương và phục vụ đó được thể hiện bằng hành động phục vụ, Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, rồi Ngài cầm lấy ly rượu, ngước mắt lên và đọc lời chúc tụng dâng lên Chúa Cha. Đây là " Máu Thầy, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con, các con hãy nhận lấy mà uống". Mỗi lần dâng thánh lễ, linh mục cũng cầm lấy ly rượu nho, đọc lời truyền phép thì hóa thành Máu Chúa.
Cành nho sinh nhiều hoa trái, khi cành đó phải gắn liền với thân cây và được cắt tỉa, thì nó mới sinh trái tốt. Nơi Phao-lô, ngài chỉ cho chúng ta bài học này. Sau khi bị té ngựa, đôi mắt bị mù, thì lúc đó ngài đã được Chúa cắt tỉa ngài bằng roi đòn rất mạnh, để cho ngài tỉnh thức trước sự tàn bạo và gian ác. Nếu như Phao-lô không bị té ngựa, không bị mù mắt, thì chắc gì ngài đã thức tỉnh để quay trở về với Giáo hội và với Chúa. Ngày nay, Giáo hội dành ngày 25/1 mừng kính thánh Phao-lô trở lại là thế. Nhưng khi bị té đau, đứng lên và được chữa sáng mắt, Phao-lô biến đổi thành một con người mới, thành một tông đồ trung thành đi theo Chúa đến cùng để làm chứng cho Chúa với những gì ngài được lãnh nhận từ Thiên Chúa, và trở thành một thánh nhân vĩ đại trong Giáo hội hôm nay, mà chúng ta được nghe rất nhiều những lời giáo huấn đức tin rất sâu sắc của ngài.
Nếu chúng ta dành ít phút thinh lặng để suy nghĩ về cuộc đời mình, thì chúng ta cũng sẽ nhận ra Chúa đã và đang cắt tỉa và sửa đổi chúng ta mỗi ngày qua những biến cố, thử thách, bệnh tật, thất bại, và tội lỗi. Nhưng vấn đề là chúng ta có nhận ra để được biến đổi và hoàn thiện bản thân mình. Với thánh Phao-lô, khi được Chúa đụng chạm và cho sáng mắt, thì ngài đã bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa, rao giảng Tin mừng và làm chứng cho niềm tin bằng cái chết anh dũng vì Đức Kitô. Ngài nói: “ Tôi sống không phải là tôi sống mà chính Chúa sống trong tôi”.
Qua niềm xác tín mạnh mẽ của thánh Phao-lô, chúng ta thấy rằng, sự liên kết và hiệp nhất với Đức Ki-tô là điều rất quan trọng. Chúng ta không thể sống tốt, nếu không có Chúa Kitô hiện diện trong mình bằng một tình yêu sâu xa, như cây gắn liền với cành. Như lời thánh Phêrô đáp lại với Chúa Giê-su: “Thưa Ngài! Con luôn yêu mến Ngài”. " Bỏ Ngài con biết theo ai? Vì Ngài có lời ban sự sống đời đời." Còn chúng ta thì sao?. Chúng ta liên kết với Chúa ở mức độ nào? Chúa không chỉ muốn chúng ta liên kết với Chúa trong đời sống thường ngày qua việc tham gia các Bí tích mà còn phải sống liên kết với nhau trong Giáo hội, trong cộng đoàn, trong Giáo xứ, trong những người gia đình, với anh chị em ở bên cạnh chúng ta. Nơi đâu có yêu thương và hiệp nhất thì ở đó có Chúa hiện diện. Đó là thông điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta sống và làm chứng cho Tin mừng hôm nay. Amen.