Khoảng Cách Giữa Giàu Và Nghèo
03:46 16/05/2020
330
Người mẹ bảo đứa con trai: ăn thêm cái nữa đi con. Đứa bé trả lời: ngán quá, con không ăn đâu. Con ráng ăn thêm một cái, má thương, má cưng. Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi! Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay mẹ làm chiếc bánh kem văng qua cửa xe, nó rơi xuống vệ đường, sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đi.
Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng chơ, chạy đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, đứa con gái nuốt nước miếng. Anh trai bảo: Anh thổi sạch rồi mình ăn. Thằng anh phùng má thổi. Bụi đường đã dính vào bánh, chẳng chịu đi. Đứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó làm chiếc bánh rơi tõm xuống cống hôi thúi, chìm mất. Con bé khóc và nói: tại anh hai thổi mạnh - Ừa. Tại anh! Nhưng kem còn dính trên tay anh nè. Cho em liếm ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!.
Đọc câu chuyện này, chúng ta cảm thấy xúc động và chạnh lòng cho những trẻ em nghèo bất hạnh. Đồng thời, nó nói lên khoảng cách giữa kẻ giàu và người nghèo. Kẻ thì dư thừa, phung phí của ăn, bên cạnh đó thì có người đang đói khát. Cũng như câu chuyện trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su đưa ra cho ta thấy sự khác biệt giữa ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó. Nó nói lên về cái hố sâu ngăn cách kẻ giàu người nghèo trên thế giới này.
Theo quy luật tiền định của tiền bạc, thì người giàu sinh sống riêng biệt: nhà cửa, xe cộ, giải trí, y tế, sinh hoạt... Ông nhà giàu này ăn mặc toàn là gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Bên cạnh đó, anh nhà nghèo La-da-rô nằm trước cổng ông ta, thèm được những thứ trên bàn rơi xuống để ăn cho no bụng cũng không có để ăn. Anh ta thì cũng giống như những con chó đang chờ những khúc xương rơi xuống từ bàn của ông chủ.
Nhưng rồi, cả hai đều chết. Mọi thứ đều đảo ngược trật tự. Anh La-da-rô đã được đứng trong hàng ngũ của các thiên thần, bên cạnh Áp-ra-ham và những người có đức tin. Ngược lại, ông nhà giàu kia lại xuống hỏa ngục, bị lửa thiêu đốt và bị cực hình. Bấy giờ, ông ta kêu lên: " Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con".
Có người muốn biết ông giàu ấy đã phạm tội gì để bị sa vào hỏa ngục. Phải chăng ông ta đã từ chối không cho anh La-da-rô những mẩu bánh thừa của ông! Tin Mừng không nói thế. Tội của ông ta là thái độ dửng dưng vô cảm trước những con người bất hạnh. Ông không nhìn thấy La-da-rô nằm trước cửa nhà ông.
Ngày nay cũng có hàng ngàn anh La-da-rô cũng đang nằm chờ miếng ăn, chờ sự bố thí và giúp đỡ của chúng ta. Với quy mô toàn cầu hóa hiện nay, các nước tiên tiến và thành phần tiểu số giàu có đã chiếm hết chỗ trên bàn ăn cho người nghèo ở các nước nghèo. Các công nghiệp quốc gia và các nguồn lao động đã bị hủy diệt do hệ thống mậu dịch tự do đã xô đẩy hàng triệu La-da-rô ra bên lề xã hội dẫn đến chết vì nghèo đói, vì chiến tranh và bạo lực gây ra. Người nghèo sống chung với những bãi rác bẩn thiểu, hôi thối để mưu sinh vì miếng ăn hàng ngày. Trẻ em không được học hành, bị lạm dụng và bóc lột sức lao động. Cụ thể, hình ảnh ông nhà giàu Tin Mừng cho thấy, ông ta không chỉ hưởng thụ, ăn chơi xa hoa phung phí mà còn thể hiện đẳng cấp sự giàu có của mình. Ông ta chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình. Sự ích kỷ của ông ta đã làm cho trái tim trở nên vô cảm, và cánh cửa tâm hồn của ông ta đã khép lại.
Thật vậy, với cuộc sống bon chen giữa đời thường, tôi chỉ biết tìm kiếm cho riêng mình mà quên đi những người xung quanh họ đang đói khổ. Tôi chỉ biết xin Chúa thật nhiều mà không biết cho đi những người đang cần sự giúp đỡ. Tôi chỉ muốn người khác yêu thương mình mà chẳng bao giờ nghĩ đến những khác người, những người già nua, cô đơn bệnh tật không có ai để nương tựa. Tôi chỉ muốn bước vào cửa thiên đàng nhưng cửa tâm hồn thì luôn khép lại, chẳng biết chạnh lòng thương.
Ước gì, Lời Chúa hôm nay đánh thức trái tim chai lỳ khô cứng của con, để con biết rung cảm, biết mở rộng bàn tay và con tim với tha nhân và xóa đi khoảng cách phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo vì tất cả mọi người đều là hình ảnh và con cái của Chúa. Amen.