LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI
18:46 16/10/2020
421
Kính thưa quý Ông Bà Anh Chị Em,
Trong tâm tình cùng toàn thể Giáo hội mừng trọng thể lễ “Đức Mẹ Mân Côi” vào ngày 7-10-2020. Con xin gửi đến quý Ông Bà Anh Chị Em bài chia sẻ về chủ đề : “LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI”. Mong rằng qua bài viết này quý cộng đoàn sẽ hiểu biết về quá trình hình thành “kinh Mân Côi hay còn gọi là chuỗi Mân Côi”mà ngày hôm nay chúng ta đang đọc hằng ngày.
Nhân đây, con xin kính chúc quý Ông Bà Anh Chị Em tham dự thánh lễ “Đức Mẹ Mân Côi” được Đức Mẹ ban muôn ơn lành hồn xác xuống trên mỗi một người và cả gia đình của quý vị. Cách đặc biệt, con xin chúc mừng quý Bác, quý Cô, quý Chị và các Em nhận tước hiệu Dức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, cầu chúc quý vị luôn biết noi theo mẫu gương của Mẹ Mân Côi, hằng lấy kinh Mân Côi làm kim chỉ nam trong đời sống và hăng say mang lời kinh Mân Côi đến với muôn người.
Lịch sử của sự thành hình kinh Mân Côi kéo dài từ thế kỷ XII cho đến thế kỷ XVI. Vào thế kỷ XII, việc đọc kinh Kính mừng được phổ biến bên Tây phương. Dĩ nhiên, các tín hữu đã bắt đầu lặp lại lời thiên sứ Gabriel chào kính Đức Mẹ từ lâu đời (thậm chí cả trong kinh phụng vụ với những tiền xướng hoặc ca hiệp lễ); nhưng từ thế kỷ XII mới nảy thói tục đọc một tràng 150 kinh Kính mừng, dựa theo tục lệ nơi vài đan viện cho phép các đan sĩ không biết đọc được thay thế kinh nhật tụng bằng 150 kinh Lạy Cha (thay vì đọc 150 thánh vịnh). Dù sao thì vào thời ấy, kinh Kính mừng chỉ gồm có lời của thiên sứ Gabriel và lời của bà Ysave. Nói khác đi, kinh Mân Côi chỉ dài bằng nửa kinh chúng ta đọc ngày nay, bởi vì phần thứ hai của kinh Kính mừng chỉ thành hình trong những thế kỷ XIV-XV.
Mặt khác, các đan sĩ cũng không đọc một mạch 150 kinh Lạy Cha, nhưng họ chia thành 3 phần tương ứng với những giờ kinh phụng vụ. Dựa theo tục lệ ấy, vào thế kỷ XIV, đan sĩ Henricô Kalkar (dòng Chartreux) cũng chia “bộ thánh vịnh Đức Mẹ” (psalterium Beatae Mariae Virginis) thành 15 chục ; ở đầu mỗi chục thì thêm kinh Lạy Cha. Cũng vào thời này mà nảy ra truyền thuyết về việc Đức Mẹ ban tràng hạt cho thánh Đaminh; truyền thuyết này được tu sĩ Alain de la Roche, O.P. dòng Đaminh (Alanus a Rupe, 1428- 1475) quảng bá. Thực ra kinh Mân Côi (hiểu như là việc đọc 150 kính mừng), thánh Đaminh và các tu sĩ của Dòng đã có công phổ biến, không những trong khi giảng thuyết mà còn qua những hiệp hội thánh mẫu. Dù sao thì mãi chờ tới thế kỷ XVI người ta mới kèm theo việc suy gẫm các mầu nhiệm Phúc âm kèm theo việc đọc kinh Kính mừng.
Vào khoảng những năm 1410-1439, đan sĩ Đôminicô Prussia (dòng Chartreux, ở Cologne) đã đề nghị một hình thức mới để đọc “thánh vịnh Đức Mẹ” : thay vì đọc 150 kinh Kính mừng thì rút còn 50 thôi, nhưng mà mỗi kinh Kính mừng sẽ được kết thúc với một đoạn văn Phúc âm ngắn tưởng nhớ các mầu nhiệm của Đức Kitô : 14 câu nhắc tới cuộc đời ẩn dật; 6 câu nhắc tới đời công khai; 24 câu tưởng nhớ cuộc tử nạn ; và 6 câu kính nhớ cuộc khải hoàn của Chúa và Mẹ Maria. Sáng kiến của Đôminicô Prussia được nhiều người tán thưởng, và người ta đếm tới 300 câu được gắn vào kinh Kính mừng.
Thế nhưng, người đã có công lớn trong việc truyền bá kinh Mân Côi là tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh, qua việc giảng thuyết và các hiệp hội. “Thánh vịnh Đức Mẹ” được đổi tên thành “vòng hoa hường trinh nữ Maria” (rosarium có nghĩa là : vòng hoa hường, hoa “rosa”), và cải tổ lại việc đọc kinh : vòng 150 kinh được chia thành 3 phần ; mỗi phần dành cho việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn của Đức Kitô, Vinh hiển của Chúa Kitô và của Mẹ Maria. Vào năm 1521, một tu sĩ cũng là dòng Đaminh, cha Albertô da Castello, O.P. đã đơn giản cách đọc kinh bằng việc phân chia ba mầu nhiệm lớn thành 15 mầu nhiệm nhỏ.
Vào năm 1569, Đức Thánh Cha Piô V, cũng là dòng Đaminh, đã xác định việc đọc kinh Mân Côi với sắc chỉ Consueverunt romani pontifices (17/09/1569). Và rồi, chính đức Thánh Cha Piô V đã thiết lập lễ Mân Côi để kính nhớ việc chiến thắng đạo quân Thổ nhĩ kỳ ở vịnh Lepantô (07/10/1571) nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi.
Tiếp theo đó, rất nhiều Giáo hoàng (đặc biệt là đức Lêo XIII với 12 thông điệp và 2 tông thư) đã cổ động khuyến khích việc đọc kinh Mân Côi và ban nhiều ân xá kèm theo. Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộđức và Fatima, việc đọc kinh Mân Côi càng được đẩy mạnh hơn nữa. Cùng với đó, đài phát thanh Vatican truyền thanh kinh Mân Côi mỗi ngày.
Lumen Nguyen