Liên Kết Với Chúa
07:14 16/05/2020
357
Chủ nhật vừa qua, chúng ta được nghe Chúa Giê-su bảo Ngài là Mục Tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên, thì hôm nay Ngài lại nói: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Như vậy, chúng ta thấy, con chiên và cây nho được gắn liền với cuộc sống của người dân Do-thái, và là hy lễ dâng cho Thiên Chúa, chính vì lé đó, Chúa Giê-su dùng những hình ảnh cây nho quen thuộc của người dân làm biểu tượng về sự hiệp nhất và liên kết giữa con người với Chúa. Một triết lý sống rất gần gũi và thân thương với con người.
Thứ nhất, cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây thì sẽ bị chết, vì cây nuôi dưỡng thân cây lưu chuyển sang cành. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với thân cây, dòng nhựa từ thân cây mới truyền sang cành để cành trổ sinh hoa trái. Trong Cựu ước, cây nho là biểu tượng cho dân tộc Itrael: “Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel” (Is5,1-7). Tiên tri Giêrêmia đã nói với dân Itrael rằng: “Ta đã trồng ngươi như cây nho tốt, nhưng vườn nho đã sinh ra quả đắng đót” (Gr 2, 21). Còn Thánh vịnh 80 diễn tả: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng”(Tv 80,15-16).
Qua lời các tiên tri diễn tả về hình ảnh cây nho, chúng ta thấy rằng, cây nho là một biểu tượng cho dân tộc Itrael. Và cây nho còn là hình ảnh biểu tượng về Chúa Giêsu: “ Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,1). Cành nào gắn liền với cây thì sinh nhiều hoa trái, cành nào bị tách lìa ra khỏi thân cây thì sẽ bị khô héo, chết đi và bị ném vào lửa thiêu đốt. Sự liên kết giữa Chúa Giê-su với chúng ta giống như cây liên kết với cành.
Sự liên kết này còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, khi Chúa Giê-su biến hóa từ rượu của cây nho thành Mình và Máu Ngài, để tuôn đổ cho thế gian. Ngài cầm lấy ly rượu, ngước mắt lên trời và đọc lời chúc tụng dâng lên Chúa Cha. Đây là máu Thầy, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con, các con hãy nhận lấy mà uống. Ngày nay, mỗi lần dâng thánh lễ, linh mục lập lại hy tế giao ước đó trên bàn thờ để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và khi linh mục cầm lấy ly rượu nho, và đọc lời truyền phép thì rượu hóa thành Máu Chúa. Chúng ta gọi là một Bí Tích Mình Máu Chúa.
Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, chúng ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là nguồn mạch ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, thì sẽ sinh những hoa trái tốt.
Sự liên kết này được biểu hiện rõ nơi đời sống vợ chồng, khi cả hai liên kết với nhau, trở nên một, không thể tách rời nhau trong cuộc sống. Sự kết hợp vợ chồng sẽ sinh ra hoa trái yêu thương, chính là những đứa con. Đó là một quy luật tự nhiên trong vũ trụ này. Cũng như Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên con người, Ngài không để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại, thì cũng có nghĩa mọi thứ cần được chịu cắt tỉa và bỏ đi.
Thứ hai, cành nho được cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, đời sống chúng ta muốn sinh ra nhiều hoa quả của hy sinh và bác ái, chúng ta cần được Chúa cắt tỉa sự tham vọng, sự phô trương, ghen tuông, ích kỷ, để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhượng đón nhận ơn thánh Chúa. Có khi Chúa cắt tỉa chúng ta bằng những thất bại, bệnh tật ta gặp phải, để huấn luyện và nhắc nhở cảnh tỉnh chúng ta biết phó thác vào Chúa hơn. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú. Một người cha có đứa con bị tâm thần và người vợ bị đột biến nằm tại chỗ. Anh ta quá vất vả, khó nhọc để gánh vác gia đình, để lo cho đứa con và người vợ bệnh tật, nhưng anh ta vẫn không buông xuôi. Những lúc mệt mỏi thì anh ta đến nhà thờ để dâng cho Chúa những hy sinh này, anh ta cảm thấy như có sức mạnh vượt thắng chính mình. Chúa Giê-su tiếp sức cho anh để bước tiếp để lo cho con và người vợ bệnh tật.
Sự cắt tỉa hay bỏ đi những thứ chưa hoàn thiện nơi con người không chỉ dành cho mỗi người chúng ta mà ngay cả các vị thánh cũng được Chúa cắt tỉa. Phêrô sau khi chối Chúa ba lần, thì ngài đã được Chúa cắt tỉa bằng cái nhìn sâu thẳm tận vào tâm hồn của Phê-rô. Cái nhìn đã làm cho ông thức tỉnh và nhớ lại lời Thầy Giêsu nói: “ Gà chưa gáy hai lần, thì con đã chối Thầy ba lần”. Còn Giuđa không ở lại với Thầy, ông không dám đối hiện với tội lỗi của mình và con người thật của mình, nên ông chạy ra ngoài thắt cổ chết. Một con người được Chúa cắt tỉa rõ nét nhất, đó chính là thánh Phaolô. Nếu ngài không bị té ngựa, không bị mù mắt, thì không có cuộc trở lại của Thánh Phaolô ngày hôm nay. Chính kinh nghiệm đau thương khi được Chúa cắt tỉa Phao-lô đã trở thành vị thánh vĩ đại hôm nay. Khi bị té ngã, biết trỗi dậy, và được sáng mắt ra, ngài đã thay đổi thành một con người mới.
Hơn hết, chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chúa Giêsu đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông ơn cho chúng ta.
Như những gì chúng ta vừa chia sẻ với nhau, thì chắc chắn chúng ta cũng cần được cắt tỉa mỗi ngày trong suy nghĩ, trong lời nói, và hành động của chúng ta nhất là trong hoàn cảnh loạn lạc tan thương, bệnh tật, chết chóc, thì Chúa Giêsu bảo các con hãy ở lại trong Thầy. Ai ở trong Thầy thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Nếu chúng ta biết dành ít phút thinh lặng để suy nghĩ về cuộc đời mình, thì rõ ràng, chúng ta cũng đã và đang được cắt tỉa qua những biến cố, qua thử thách, qua những bệnh tật, qua những thất bại, qua những kinh nghiệm tội lỗi…. Nhưng vấn đề là chúng ta có nhận ra để được biến cố đó, để tự xét mình, nhìn lại mình?. Chúng ta hãy nói như lời thánh Phao-lô, Ngài nói: “ Tôi sống không phải là tôi sống mà chính Chúa sống trong tôi”. Như lời thánh Phê-rô đáp lại với Chúa Giê-su: “Thưa Ngài! Con luôn yêu mến Ngài”. Còn chúng ta thì sao?. Chúa Giê-su là ai? Chúng ta đang kết hợp với Chúa hay là thứ gì khác.? Sự kết hợp với Chúa khi ta rước Ngài, sự kết hợp với Chúa qua anh chị với nhau trong cộng đoàn, với cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Sự liên kết và hiệp nhất trong yêu thương luôn là dấu chỉ Chúa hiện diện.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Cây Nho, con là cành nho. Xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa, và xin cho chúng con chấp nhận được Chúa cắt tỉa những tính hư tật xấu, để chúng con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Amen.