Lời Cầu Nguyện Của Kẻ Sám Hối
06:25 16/05/2020
306
“Lạy Thiên Chúa,
xin lấy lòng nhân hậu xót thương con
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy.
Vâng con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trước mắt ngài” (Tv 50, 3-5)
Lời cầu nguyện của người tội lỗi xin ơn tha thứ. Tội lỗi ngày đêm cứ ám ảnh con. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa. Chúa Giêsu nói: “Anh em phải cầu nguyện luôn.” Cầu nguyện là điều cần thiết trong đời sống người Kitô hữu. Lời cầu nguyện là con đường ngắn nhất giúp ta đến gần Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện.
Thứ nhất là lời cầu nguyện của kẻ kiêu căng.
Đó là một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, anh ta đến Đền thờ cầu nguyện, đứng riêng ra một mình, vì tự hào cho mình là người công chính. Anh ta cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Ngài, vì tôi không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi dâng cúng một phần mười thu nhập của tôi.” Chúng ta nghĩ gì khi nghe lời cầu nguyện của anh ta? Người Pha-ri-sêu này muốn chứng minh cho Chúa biết hắn ta đã làm việc lành phúc đức. Công đức của anh ta thì hơn kẻ khác. Đúng! Anh ta có làm, nhưng việc làm của anh ta là để khoe khoang, để cho người khác biết là mình tốt. Chúa phải khen ngợi anh ta vì công đức ấy. Thế nhưng, lời câu nguyện của anh ta không được thưởng công mà còn mắc thêm một tội nữa, đó là tội sự kiêu căng. Người Pha-ri-sêu nói: “Tôi không như bao kẻ khác” Đó là lời nói của một kẻ kiêu ngạo, tự cao, tự đại. Tội kiêu ngạo là tội trọng, vì nó là cội rễ mọi tội lỗi khác. Tội kiêu ngạo là tội thuộc nhóm Bảy Mối Tội Đầu: kiêu ngạo, tham lam, ganh tị, giận dữ, dâm dật, tham ăn, lười biếng.
Trong sách Sáng Thế, chúng ta biết Adam và Eva phạm tội kiêu ngạo vì muốn được ngang hàng với Thiên Chúa. Thêm vào đó, thánh Phao-lô kể ra tội tự cao tự đại như sau: “Anh em phải biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những khốn đốn kinh khủng. Người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền, khoác lác, kiêu ngạo, lộn ngôn, bất tuân cha mẹ, vô ân vô nghĩa, phạm thượng, vô tâm, vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức đạo thì họ giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh em hãy xa lánh những người ấy.” (2Tim 3:1-5) Và chúng ta có thể tìm thấy nhiều câu chuyện về tội kiêu ngạo trong Kinh Thánh. Như Vua Hê-rô-đê từ chối không tôn vinh Thiên Chúa, ông ta đã bị phán xét và chết thê thảm vì tội kiêu ngạo. Chúng ta nghe lại lời ca ngợi của Mẹ Maria: “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:51-52)
Thứ hai là lời cầu nguyện của kẻ sám hối.
Trái ngược với con người kiêu căng, người thu thuế đã nhận ra tội lỗi của mình khi đối diện trước mặt Thiên Chúa. Anh ta cầu xin rằng: “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Anh ta đấm ngực ăn năn, đó là dấu chỉ đau buồn và hối hận. Xin thương xót con có nghĩa là: xin Chúa nguôi cơn giận và hãy tha thứ tội lỗi cho mình. Thái độ của một kẻ ăn năn luôn là điều kiện để được ơn tha thứ. Người thu thuế này được trở nên người công chính bởi vì lời cầu nguyện khiêm nhường luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Khiêm nhường là cách nhìn nhận con người thật của mình. Anh ta biết mình đã làm điều xấu và chấp nhận để thay đổi đời sống của mình. Anh ta không biện minh cho những gì anh ta đã làm dù điều tốt hay xấu, nhưng chỉ xin Chúa thương xót và tha thứ cho mình. Thái độ của con người khiêm tốn biết nhìn nhận cái đúng cái sai. Anh chấp nhận quá khứ tội lỗi để rồi sẵn sàng buông bỏ mọi thứ, anh ta tin vào quyền năng và ơn tha thứ của Thiên Chúa, để chữa lành vết thương tội lỗi quá khứ của mình. Và Thiên Chúa đã biến anh trở thành con người mới.
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện nơi kín đáo, để tránh phô trương công đức trước mặt người đời. Tuy nhiên, có những người ăn chay với vẻ mặt sầu não, những người sống bề ngoài như thế, họ đã cầu nguyện và chay tịnh để được người ta khen tặng. Chúa chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhường, đó là không có lối sống đạo theo kiểu ngụy tạo. Điều quan trọng là chính tự do, mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta từ sự cứu chuộc của Người, từ tình yêu và niềm vui mà Người trao cho chúng ta từ nơi Chúa Cha. Đó là tự do nội tâm. Tự do ấy làm việc tốt cách kín đáo không khua chiêng đánh trống cho người ta biết. Con đường đích thực của Chúa Giêsu là thế: khiêm nhường và chịu sỉ nhục. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê về gương khiêm nhường của Chúa Giêsu: “Người đã tự hạ mình và từ bỏ chính mình.” Đó là cách duy nhất để chúng ta ra khỏi sự ích kỷ, tham lam, ngạo mạn, hư danh và gian manh. Người sống đạo kiểu tô vẽ kiểu ngụy tạo: bên ngoài thì có vẻ đạo mạo nhưng bên trong lại gian tham. Chúa Giêsu lên án họ: “Các ông giống như những cái mộ tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong đầy xương người chết và hôi hám.”
Sau cùng, người Pha-ri-sêu và người thu thuế có hai lối cầu nguyện khác nhau. Chúng ta theo lối cầu nguyện nào: lối tự cao tự đại hay lối tự đáy lòng của kẻ khiêm nhường và thống hối! Lòng khiêm tốn là nền tảng của sự cầu nguyện, người thu thuế cầu nguyện là xin ơn tha thứ. Đó là hành động cầu nguyện của người ngay lành.
Lạy Chúa,
- Xin Chúa thương xót con vì con là người tội lỗi.
- Xin Chúa thương xót con vì tội con đã phạm.
- Xin Chúa thương xót linh hồn con và thân xác con.
Nay, con dốc lòng thống hối ăn năn và ước ao trở thành người công chính trước mặt Chúa và tha nhân. Amen.