LỜI CHÚA - Chúa nhật IV thường niên – Năm B.
04:35 28/01/2424
139
LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN - NĂM B
NGÀI GIẢNG DẠY NGƯỜI TA NHƯ ĐẤNG CÓ UY QUYỀN
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
(Ðến thành Ca-phác-na-um) ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.
Suy niệm
NHIỆM VỤ NGÔN SỨ
Theo nguyên ngữ, “ngôn” là “lời” và “sứ” là “được sai đi”. Vậy, “ngôn sứ” là người “được sai đi để nói lời” của Chúa. Chính Thiên Chúa là người sai các ông đi, với sứ mạng chuyển tải giáo huấn của Ngài cho dân Ít-ra-en. Trong Cựu ước, có những vị ngôn sứ có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình nhà vua, hoặc trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo của người Do Thái, như Giê-rê-mi-a, I-sai-a hay Ê-dê-ki-en. Có những vị ngôn sứ “chuyên nghiệp” và cũng có những vị ngôn sứ “nhất thời”. Dù thuộc loại nào, các ngôn sứ đều là những người trung thành với sứ mạng được trao.
Nội dung những sứ điệp mà Thiên Chúa trao cho các ngôn sứ mang tính đa dạng. Có thể là lời cảnh báo, đe dọa, khiển trách, nhưng cũng là những lời khen ngợi hay an ủi, khích lệ động viên. Ngôn sứ là một nhiệm vụ khó khăn, vì nhiều khi phải tuyên bố những điều đi ngược lại với quan điểm và suy nghĩ của người đương thời. Có những khi vị ngôn sứ bị mua chuộc và “hối lộ” để nói khác đi điều Thiên Chúa sai nói. Cũng có trường hợp bị hành hạ, thậm chí đe dọa giết chết, như trường hợp ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Dù trong hoàn cảnh nào, ngôn sứ cũng phải trung thành với sứ mạng, nếu không, ông sẽ bị chính Chúa trừng phạt (x. Bài đọc I).
Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại và đúng nghĩa nhất. Sách Đệ Nhị Luật (Bài đọc I) đã ghi lại những lời trăng trối của ông Môi-sen đã tiên báo về vị ngôn sứ này. “Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người”. “Vị ngôn sứ như ngươi” mà Thiên Chúa nói qua ông Môi-sen ở đây chính là Đức Giê-su Ki-tô. Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a được Chúa Cha sai đến trần gian để truyền đạt thánh ý của Ngài. Người đến trần gian để xua tan bóng tối, tiêu diệt và đẩy lui quyền lực của Sa-tan (x. Lời tung hô Tin Mừng). Chính thần ô uế (một tên gọi khác của ma quỷ) đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giê-su đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám. Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giê-su, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, xây dựng một vương quốc thánh thiện nhằm thánh hóa con người. Trước uy quyền và sự khôn ngoan thông thái của Người, những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.
Sứ mạng của Chúa Giê-su cũng là canh tân việc thờ phượng để hướng con người về sự tôn thờ đích thực. Với chi tiết Người trừ thần ô uế trong Hội đường, tác giả muốn nói với chúng ta, ngay trong những không gian thánh thiêng và dành riêng cho việc phụng thờ, vẫn có thể có những thế lực xấu xa, lôi kéo con người đi ngược lại với giới luật của Chúa. Chúa Giê-su cũng dạy: “Không phải những ai nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa! đều được vào Thiên đàng, nhưng là những ai thực hiện ý của Cha tôi”. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường. Tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình bác ái huynh đệ thì ở đó có Đức Chúa Trời. Theo giáo huấn của Chúa Giê-su, lời ca tụng tôn vinh Thiên Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.
Tại sao ngày nay không còn những vị ngôn sứ như ngày xưa? Bởi lẽ đã có Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại. Tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Ngài” (Dt 1,1). Giáo huấn của Người được các tác giả Tin Mừng ghi lại mang nội dung đầy đủ, tóm lược và hoàn thiện giáo huấn của các ngôn sứ thời Cựu ước. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa Cha đã diễn tả đầy đủ những gì Ngài cần nói với con người. Với Đức Giê-su, Thiên Chúa Cha không cần trung gian nào nữa để chuyển tải sứ điệp của Ngài. Đàng khác, nhờ phép Thánh tẩy, mỗi Ki-tô hữu đều là ngôn sứ. Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su. Những ai mang danh Ki-tô hữu được chia sẻ quyền năng của Người. Quyền năng ấy do Chúa Thánh Thần thông ban. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa và là Đấng soi sáng phù trợ các tín hữu. Loan báo Đức Giê-su là sứ mạng và vinh dự của mỗi Ki-tô hữu.
Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải cố gắng thanh tẩy chính mình. Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Sa-tan. Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày. Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống. Thánh Phao-lô đã cụ thể hóa đời sống Ki-tô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân. Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình. Người tu hành thì chăm lo việc Chúa. Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II). Như thế, bất cứ ở bậc sống nào, chúng ta có thể trở thành ngôn sứ của Chúa.
Ki-tô hữu là hình ảnh của Đức Ki-tô giữa trần gian. Xin cho chúng ta biết thực thi sứ vụ rao giảng Lời Chúa trong đời sống cụ thể, để thánh hóa bản thân và giúp nhiều người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên