Lời Tạ Ơn Đầu Năm
07:10 16/05/2020
298
Tết Nguyên đán đã trở thành một nếp văn hoá của người Việt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ nguồn gốc của Tết Nguyên đán cũng như sự kiện này. Chữ “tết” chính là “tiết”. Văn hóa Việt thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau. Mỗi tiết này có một thời khắc gọi là “giao thời”. Tiết quan trọng nhất trong năm là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng. Tức là chữ Tiết được đọc thành Tết. Ngày nay ta gọi là Tết Nguyên đán.“Nguyên” có nghĩa là khởi đầu, còn “đán” có nghĩa là trọn vẹn. “Nguyên Đán” có nghĩa là sự khởi đầu trọn vẹn.
Theo quan niệm của người Việt, những ngày đầu năm mới nếu gặp nhiều điều tốt, thì sẽ may mắn cả năm, và ngược lại. Xuất phát từ quan niệm đó, từ xưa trong dân gian có rất nhiều kiêng kỵ trong năm mới. Ngày mồng Một: không được quét nhà, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ bỏ tài lộc ra khỏi cửa; không cho lửa đầu năm, lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn, nên những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác; không đi xông đất nhà người khác sớm, người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân; không tranh cãi, bất hòa vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí thuận hoà. Người lớn hay cha mẹ có thể tha lỗi cho con cái vào dịp này. tránh la mắng, trẻ con không khóc lóc. Đặc biệt là không được vay mượn tiền đầu năm. Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ.
Trái ngược với những điều kiêng cữ trong ngày Tết, mọi người thường có những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Chúc tuổi ông bà cha mẹ, như là: Năm cũ vừa qua, bước sang năm mới. Hôm nay con tới. Kính chúc Ông Bà. Sống lâu sức khỏe,Trẻ mãi không già.Yêu thương thuận hòa. Hạnh phúc khang an. Ơn trên thương ban. Suốt năm may mắn.Làm ăn phấn chấn. Phúc, lộc, thọ, tài. Ông bà hưởng trọn. Đôi lời con mọn. Xin kính dâng lên. Ông Bà đừng quên. Lì xì cho con. Năm mới lấy hên. Con xin cám ơn ông bà. Lời chúc cho bạn bè và người thân. Chúc năm mới phát tài, phát lộc. Tiền vô như nước. Tiền ra từ từ. Sức khỏe có dư. Công danh tấn tới. Tình duyên phơi phới. Hạnh phúc thăng hoa. Chúc mừng năm mới. Vạn sự như ý. Tỷ sự như mơ. Triệu sự bất ngờ, không chờ cũng đến.
Trong thế gian luôn cầu mong cho nhau điều tốt lành trong ngày đầu năm mới, mọi người luôn hy vọng và cầu mong vào một tương lai tốt đẹp hơn. Hòa trong dòng chảy lịch sử văn hóa người Việt, Giáo hội Việt Nam có 3 ngày lễ đầu năm. Mùng Một là lễ tạ ơn và cầu bình an năm mới. Ý nghĩa lễ này là nhằm tạ ơn Thiên Chúa, và xin ơn lành trong năm mới. Mùng Hai là lễ cầu cho ông bà tổ tiên, chúng ta nhớ về cội nguồn, tổ tông. Mùng Ba là lễ thánh hóa công ăn việc làm. Ba ngày lễ này có ý nghĩa quan trọng cho người Kitô hữu trong ngày đầu năm mới. Với niềm tin của chúng ta, tất cả là hồng ân Thiên Chúa. Những gì chúng ta có được, chúng ta phải biết tạ ơn Chúa, chính Ngài ban phúc lành cho chúng ta. Trong Thánh Vịnh 127 có viết: “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vất cũng là uổng công.” Dù chúng ta có thế nào đi nữa, mà không có đức tin vào Thiên Chúa, thì sẽ trở thành kiêu ngạo, dẫn đến thái độ không cần đến ơn ban của Thiên Chúa. Đây là cám dỗ rất lớn với con người trong thời địa này. Họ chạy theo tiền của.Ma quỷ tiền cách khống chế chúng ta bởi sự giàu có, không thời gian cho đến nhà thờ, Thiên Chúa vắng bóng khi tâm hồn ta chất nhiều tham vọng tiền tài, danh vọng và lạc thú. Khi con người ta có đủ mọi thứ thì họ quay lưng lại với Thiên Chúa, họ quên mất thuở nghèo nát, chạy van xin đủ điều. Tội vong ân của con người là thế.
Đây là thứ cám dỗ được lan tran và phổ biến khắp mọi nơi, nhưng chúng ta dễ coi thường và không còn tín thác vào Thiên Chúa. Thánh vịnh 13 có câu: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” Chúa bảo “đừng lo”, không có nghĩa Chúa nói chúng ta lười biếng, ỷ lại, không chịu làm việc, đừng lo cho nhu cầu thể xác và trần thế này. Chúa không hề nương chiều con người, cũng như ủng hộ cho những con người lười biếng, liều lĩnh. Thánh Phaolô đã từng nói:” Không làm việc thì đừng ăn.” Ý nghĩa chính là chúng ta biết cậy trông và biết tạ ơn Chúa. Khi chúng ta biết nhận ra là hồng ơn, chúng ta biết nói lời tạ ơn Thiên Chúa, vì Chúa làm chủ vũ trụ này và trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa.
Thế nhưng, nhiều người Kitô hữu ngày nay vẫn còn tin vào những điều cấm kỵ, tin vào tử vi, bối toán, coi tình duyên gia đạo, coi ngày giờ, coi vận số, làm ăn…Nếu chúng ta tin như vậy thì Thiên Chúa đặt ở vị trí nào trong lòng chúng ta. Qua việc làm và hành động đó cho thấy, người Kitô hữu còn thiếu đức tin và lòng cậy trông vào Thiên Chúa. Hơn nữa, ngày xuân là dịp cho chúng ta nhớ về cội nguồn ông bà tổ tiên, họ là những người đã có công xây dựng đức tin và gìn giữ truyền thống ngày xuân này. Chúng ta hãy biết ơn và cầu nguyện cho họ, để ngày xuân luôn được ấm áp trong tình yêu thương gia đình.
Hôm nay là ngày đầu năm mới, chúng ta cần có một định hướng cụ thể cho đời sống đức tin của mình, Chúa Giêsu nói, “Chính niềm tin sẽ cứu chữa con.” Nếu chúng ta không có niềm tin đủ mạnh, thì chúng ta sẽ không biết nói lời tạ ơn Thiên Chúa. Lời tạ ơn được thể hiện khi ta biết mình đang nhận ơn và chịu ơn từ Thiên Chúa. Ngày đầu xuân là dịp tốt nhất để chúng ta thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa và cầu chúc cho nhau lời bình an, yêu thương và hạnh phúc, đó không phải là lời phát biểu trên môi miệng mà là tình cảm tự đáy lòng ta. Điều chúng ta có thể làm trong năm nay, đó là tâm tình đơn sơ, nghèo khó, hiền từ, xót thương, và sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ nhau vì Chúa, vì anh em đồng loại.
Lời cầu chúc đầy ý nghĩa nhất đối với người Kitô hữu, đó là cầu chúc cho nhau biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, đó chính là chiếc chìa khoá đem lại cho mỗi người hạnh phúc đích thực. Amen.