Lòng Thương Xót Của Chúa

03:44 16/05/2020

276

Tác giả:Lm John Nguyễn

Các ông Pha-ri-siêu và kinh sư xầm xì với nhau khi nhìn thấy những người thu thuế và những người tội lỗi đến để nghe Chúa Giê-su giảng đạo. Thấy vậy, họ bảo: " Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng". Với cái nhìn thành kiến của những người Pha-ri-siêu về những người tội lỗi và thu thuế, Chúa Giê-su đưa ba dụ ngôn để dạy cho những kinh sư và Pha-ri-siêu về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Một người cha có hai người con trai. Người con thứ được yêu thương cưng chìu hết mực, nhưng lại sinh tật đua đòi, ăn chơi, nên anh ta thưa người cha xin chia phần gia tài. Một thằng con bất hiếu, người cha chưa chết nhưng hắn ta đã đòi phần gia tài. Nó chẳng nghĩ gì đến tình thương của người cha dành cho nó, nó chỉ biết thỏa mãn dục vọng bản năng của nó. Nó không cảm nhận nỗi đau và sự lo lắng của người cha khi phải mất con. Sau những ngày tháng ăn chơi, phúng phí sa đọa với bọn đàn điếm, anh ta hết tiền của, phải đi chăn heo mướn cho người ta để lấy thức ăn của heo cho vào đụng để đỡ đói. Khi gặp thất bại, nghèo khổ, đói khát, tủi nhục thì anh ta mới biết hồi tâm, nghĩ đến gia đình, nhớ người cha, nhớ những ngày tháng êm đềm sống trong tình yêu thương của gia đình, thì anh ta quyết tâm quay trở về với cha mình sau những ngày đi hoang.

Về đến ngõ, anh ta không dám bước vào nhà, vì anh ta xấu hỗ và không dám nhìn người cha của mình, thì từ đằng xa, người cha chạy ra ôm chầm lấy anh ta hôn lấy hôn để, người cha không còn nhớ đến tội quá khứ của anh ta nữa. Bởi vì, mỗi ngày ông khao khát mong chờ người trở về, sự nhớ thương làm ông ta quên đi tất cả những gì đứa con làm cho ông bị tổn thương. Thay vào đó, ông bảo các người hầu mặc áo mới cho anh ta, xỏ nhẫn cho anh ta, bắt bê béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Người anh cũng về nhà thấy vậy đâm ra tức tối, ganh tỵ với em mình. Anh ta nói với cha mình rằng: " Cha coi bao năm con hầu hạ cha, nhưng cha không cho con một con dê để ăn mừng với chúng bạn". Thái độ của anh ta cho thấy một con người với lòng hẹp hòi, ích kỷ, tính toán với người em của mình. Anh em còn thua một người dưng. Anh ở với cha nhưng chẳng hiểu gì về tình yêu thương của cha mình. Người cha nói với anh ta: " Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha là của con". Vậy mà anh ta vẫn chưa hài lòng với những gì anh ta đang có, đang được hưởng. Hóa ra người anh cả cũng chẳng tốt hơn thằng em bỏ nhà đi hoang. Đau đớn cho người cha phải chịu bởi những đứa con hư đốn và lòng dạ hẹp hòi nên anh ta phân bì với người người em của mình.

Có lẽ, sau khi phân tích từng nhân vật trong dụ ngôn này, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh người cha nhân hậu tiêu biểu cho Thiên Chúa, người con cả cho nhóm Pha-ri-siêu và kinh sư. Còn người con thứ là đại diện cho người tội lỗi và chúng ta chăng? Nếu tôi biết dành vài phút thinh lặng và suy niệm, thì tôi sẽ dễ dàng nhận ra con người thật của mình cũng đang mang hình dáng của cả hai người con trai này. Đồng thời, chúng ta cũng dẽ dàng nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và tha thứ với người con biết ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa. Ngài là như là người chăn chiên đi tìm kiếm những con lạc, sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc, cõng nó trên lưng, rồi vác về nhà. Nó có thơm tho gì đâu, có khi đó là con chiên bệnh tật, ốm đau, ghẻ lở, hôi thối, nhưng Ngài vẫn đi tìm kiếm nó để chữa lành và băng bó những vết thương, vì nó cần được yêu thương và chăm sóc.

Lạy Chúa, Chúa biết con vẫn đọc kinh, dự lễ hằng ngày, nhưng trái tim con vẫn chai lỳ và khô cứng. Con nói về tình thường của Chúa cho người anh em rất hay, nhưng nơi thẳm sâu cõi lòng con thì chẳng có chút yêu thương. Con cố gắng tạo cho mình với hình thức bên ngoài để được người ta khen là đạo đức thánh thiện, nhưng trong tâm hồn con lại hận thù, ghen ghét anh em mình. Con thật đắc tội với Chúa và với anh em. Amen.