LUẬT VĨNH VIỄN

02:25 16/05/2020

283

Tác giả:Lm John Nguyễn

Cuộc tranh luật giữa những người Pha-ri-siêu và kinh sư khi họ nhìn thấy các môn đệ của Chúa Giê-su không rửa tay trước khi ăn. Họ coi việc rửa tay là một thứ luật truyền thống của tổ tiên truyền lại. Cho nên, các kinh sư và Pha-ri-siêu mới hỏi Chúa Giê-su: “ Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, mà để tay ô uế dùng bữa”. Người trả lời cho họ: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Rồi Ngài gọi đám đông tới và nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, mới làm cho con người ra ô uế.

Những lời lẽ của Chúa Giê-su rất rõ ràng, Ngài nhấn mạnh đến điều răn của Thiên Chúa. Như lời Ngài đã công bố: “Anh em đừng tưởng, Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời của ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Chúa Giê-su đến không phải để phá bỏ những lề luật, Ngài coi luật là thánh kể cả chi tiết nhỏ cũng không được bỏ đi. Thế thì, đâu là ý nghĩa nền tảng của lề luật mà Chúa Giê-su nói đến?.

Để hiểu được lời của Chúa nói, chúng ta cần quay trở về với Tin mừng, với ý nghĩa lề luật thời Chúa Giê-su sử dụng. Người Do-thái dùng lề luật theo 4 cách khác nhau:

-         Họ dùng 10 điều răn.

-         Họ dùng 5 cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh, tức là Ngũ thư, được coi là tuyệt hảo và quan trọng.

-         Họ dùng lề luật và các lời tiên tri trong phần Cựu ước.

-         Họ dùng luật truyền khẩu hay còn gọi là các luật của luật sĩ đưa ra.

Vào thời của Chúa Giê-su thì luật của các luật sĩ là thông dụng nhất, vì họ là những người chuyên làm luật, suốt đời chỉ suy luật và đưa ra những nguyên tắc để lập ra hàng ngàn thứ luật khác nhau. Từ đó, những người Do-thái chính thống nghĩ rằng, phục vụ Thiên Chúa chính là giữ tất cả các luật lệ này. Họ coi đó là vấn đề sống chết với số phận đời đời. Chính vì thế, Chúa Giê-su lên án các luật lệ của các luật sĩ và biệt phái, vì đó không phải là luật của Chúa muốn.      

            Thế thì, luật của Chúa muốn là gì? Chúa Giê-su nói: “Ta đến không phải để phá bỏ mà để nên trọn hảo”. Ngài nói đến ý nghĩa chân chính của lề luật. Vì đằng sau, luật truyền khẩu của các luật sĩ, còn có nguyên tắc lớn hơn và sâu hơn, mà họ không nắm vững nên đã bị sai lạc, thay vì họ tìm kiếm Thiên Chúa, thì họ lại tìm ý Thiên Chúa trong vô số thứ luật lệ họ đặt ra. Cho nên, Chúa Giê-su đến để kiện toàn nguyên tắc nền tảng của lề luật, đó là giới luật của “Tình Yêu”. Bởi vì, khi người ta chỉ quan tâm đến những hình thức bên ngoài, họ sẽ hiểu sai lề luật, thay vì luật chỉ là phương tiện, lại nâng lên thành mục đích. Người ta dễ rơi vào lối sống vụ luật, câu nệ, và coi việc chu toàn lề luật để được an toàn, mặc dù đó chỉ là thứ an tâm giả tạo. Nguy hiểm hơn nữa, họ bị ảo tưởng về mình, tự cho mình là người đạo đức hơn người, nên họ cố gắng giữ một số luật lệ một cách máy móc, rồi đi kết án người khác. Chúa Giê-su đã quyết liệt lên án và chống đối kiểu giữ luật lệ này, Ngài nói: “ Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Chúng có thờ ta thì cũng vô ích, vì giáo lý của chúng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.

Khi nhìn vào 10 điều răn, thì chúng ta thấy được nền tảng của lề luật, luật đó được tóm tắt trong một lời “Mến Chúa yêu người”. Chúng ta thấy Chúa Giê-su không có ý giải thích từng khoản luật Mô-sê như thế nào, nhưng điều Ngài muốn nói với các luật sĩ, biệt phái và tất cả chúng ta hôm nay là tinh thần mới trong cách sống và giữ luật. Câu truyện người phụ nữ ngoại đã thể hiện rất rõ cách hành luật của Chúa Giê-su.

Khi các kinh sư và bọn biệt phái kéo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trước mặt Chúa Giê-su và dân chúng. Các ông nói: Cứ theo luật Mô-sê thì cái hạng người đàn bà này phải bị ném đá cho đến chết, đó là luật đã định. Thế nhưng, khi người ta nhân danh luật để kết tội người đàn bà ấy, thì họ đã khóa chặt cuộc đời của chị ta vào cái quá khứ của tội lỗi. Họ không cho chị ta con đường để hướng về tương lai. Còn Chúa Giê-su, Ngài nói: “Ai trong anh em sạch tội thì hãy ném đá chị ta trước đi”. Thế là mọi người bỏ đi, vì họ biết chính mình cũng chẳng tốt lành gì. Ấy thế mà nhiều khi chúng ta lại đóng đinh anh em mình và khóa chặt cuộc đời của họ trong cái quá khứ.

Với Chúa Giê-su, Ngài không biện hộ cho cái tội lỗi, nhưng Ngài bảo chị ta hãy về và đừng phạm tội nữa. Ngài mở cho chị ta một hướng đi mới, và mở cho chị ta cánh cửa đi về tương lại. Đối với Chúa Giê-su, không có thứ luật lệ nào đứng trên sự sống và phẩm giá của con người. Ngài đấu tranh cho người phụ nữ khỏi bị ném đá, và cứu chữa những người ốm đau bệnh tật trong ngày luật cấm. Vì ngày Sabat là ngày của Chúa, là để làm việc lành. Luật làm ra là để cứu sống, chứ không phải giết chết. Đây chính là chân lý và nền tảng của lề luật mà Chúa Giê-su bày tỏ cho con người.

Như vậy, Chúa Giê-su không phá đổ lề luật, nhưng Ngài phá đổ các hiểu sai lề luật. Và Ngài kiện toàn lề luật bằng cách là nâng cao sự hoán cải trong lòng kẻ giữ luật. Vì chính tự đáy lòng con người làm nên tất cả, nó là trung tâm của tội ác, là phân định chọn lựa, sự lành hay sự dữ là từ bên trong lòng người phát xuất ra những ý tưởng xấu, chứ không phải bên ngoài. Đâu phải chứ gươm dao, súng đạn mới giết chết con người, mà nhiều khi chỉ những lời phê bình, chỉ trích, nói xấu, ghen ghét và hận thù cũng đủ để làm hại và giết chết người khác.

Tóm lại, nền tảng của lề luật: “Mến Chúa yêu người” là tuyệt đối mà Chúa Giê-su muốn chúng ta giữ cho trọn. Cụ thể, nơi Đức Giê-su, Ngài là Đấng ban hành lề luật, và là người chu toàn lề luật hoàn hảo nhất. Lề luật không còn ghi trên bia đá nữa, nhưng được ghi trong tận đáy lòng và ghi trên thập giá để chứng mình giới luật mà Ngài đã sống và rao giảng. Nơi Đức Giê-su, chúng ta thấy được giới luật hoàn thiện khi vâng theo thánh ý Chúa Cha.

Thưa quý ông bà anh chị em, ngày nào luật chỉ được tuân thủ chỉ hình thức bên ngoài, thì ngày đó luật nghiền nát và bóp chết con người, nhưng ngày nào luật đi sâu vào lòng người làm chuyển hóa, biến đổi và hoán cải con người thì ngày đó luật mới thật sự là phương tiện dẫn đến sự công chính Nước Trời. Như lời triết gia Kant nói: “ Nếu mình giữ luật chỉ vì sợ Chúa thì hèn quá! Mình phải giữ luật bởi vì đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và ý thức bổn phận của mình thì đó mới là xưng với nhân phẩm con người”.

Xin Chúa cho chúng sống và giữ giới luật của Chúa bằng chính đời sống yêu thương, quảng đại, vị tha và phục vụ tha nhân.