Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi

07:05 16/05/2020

251

Tác giả:Lm John Nguyễn

 Mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhân danh tình yêu Chúa Ba Ngôi. Nhưng mầu nhiệm này thì vượt xa tầm hiểu biết của con người. Câu chuyện của thánh Augustinô sẽ soi sáng thêm cho chúng ta về vấn đề này.


Sau một thời gian ăn chơi trụy lạc và đi theo tà thuyết, Augustinô được Chúa biến đổi và quay trở về với Kitô giáo. Ngài khao khát tìm kiếm chân lý. Một hôm, Augustinô đi dọc theo bờ biển, ngài muốn khám phá những bí ẩn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì tình cờ Ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò ấy múc nước biển đổ vào cái hố. Nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà chẳng bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, Ngài đến hỏi đứa bé đang làm gì vậy, đứa bé trả lời không chút do dự. Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước biển đại dương. Augustino lắc đầu bảo nó: Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói: Cháu múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn chú hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô chợt hiểu được một chân lý rằng: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”.

Khi suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như là một mầu nhiệm thì không phải là trò chơi của lý trí, nhưng là để tìm ra ánh sáng cho đời sống đức tin của chúng ta. Ánh sáng ấy thấm đượm tình yêu cứu thoát nơi cây thập giá, và chúng ta nhận được tình yêu đó trong đời sống đức tin của mình đối với tha nhân trong tình yêu Chúa Ba Ngôi.Theo cách hiểu thông thường, chúng ta thường diễn tả hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha thì giống như một Ông già có râu dài, bên hữu là Chúa Giêsu, ở giữa là hình chim bồ câu là biểu tượng Chúa Thánh Thần. Tôi thiết nghĩ, đó chỉ là hình ảnh tượng trưng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh đó có thể giúp chúng ta dễ dàng hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy khó hiểu từ ngữ thần học về tín điều: Một Chúa có Ba Ngôi. Ba Ngôi có Một Chúa. Chúng ta không thấy Kinh Thánh định nghĩa Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, bởi vì mầu nhiệm Thiên Chúa không mạc khải bằng hình thức theo con số, hay bằng từ ngữ con người, nhưng chúng ta biết được chính là do các sự kiện đã xẩy ra để diễn tả về Thiên Chúa. Người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất”(Đnl.6, 4). Ngài là Người Cha và là Chúa của dân tộc Israel ( Tv 67,6 ; Is 63, 16). Cựu ước không mạc khải cách minh nhiên Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong các sách Tin mừng, chúng ta nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu, chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16,15). Thiên Chúa Đấng Siêu Việt vượt ra khỏi trí hiểu của con người, và là Đấng vượt trên tất cả. Nơi dòng sông Gio-dan Thiên Chúa mạc khải khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Ngài phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con.”

Cho nên, mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi chính Người Con yêu của Ngài là Đức Giêsu đã xuống thế làm người và chết cho nhân loại, nhờ đó con người được phát sinh sự sống mới, chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội hôm nay. Khi chúng ta làm dấu và vẽ hình thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nơi cây thánh giá là mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi được tỏ ra trọn vẹn nhất.


Mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá, nhân danh tình yêu Chúa Ba Ngôi, thì chúng ta không còn là dấu ấn của hận thù, ghen ghét, ích kỷ nữa mà là trở nên dấu ấn của tình yêu, khoan dung và tha thứ. Dấu thánh giá được gắn liền với cuộc sống hằng ngày.


 Lạy Chúa, mỗi lần con làm dấu thánh giá, thì xin Chúa ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con. Và mỗi khi con làm dấu thánh, xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong trái tim của con. Amen.