MẸ MARIA – MẪU GƯƠNG TRUYỀN GIÁO

07:28 30/06/2020

1713

Chúa Giêsu đến thế gian với sứ mệnh, loan bao cho mọi người biết về tình yêu của Chúa Cha. Trong ba năm vắn vỏi của đời sống công khai, Chúa Giêsu không ngồi yên một chỗ chờ cho mọi người đến rồi mới rao giảng Tin Mừng. Nhưng Chúa Giêsu đã lên đường, Ngài đi khắp đất nước Palestin, gặp gỡ mọi hạng người, Ngài vượt qua biên giới để đến Tyr và Sidom vùng đất của dân ngoại để làm công việc mà Chúa Cha đã trao phó.

Khi tìm đọc những đoạn Phúc Âm viết về Mẹ Maria, con nhận thấy Mẹ Maria rất giống với Chúa Giêsu đó là lúc nào Mẹ cũng lên đường. Cuộc đời của Mẹ gắn liền với những cuộc hành trình. Đầu tiên, Mẹ cùng với Hài Nhi Giêsu lên đường đi thăm bà chị họ Elisabet. Kế đến, Mẹ vất vả đi lên tận miền Bêlem và hạ sinh Chúa Giêsu trong máng cỏ dưới trời đông giá rét. Sau đó, Mẹ tiếp tục lên đường đưa con lên đền thánh để dâng con trẻ Giêsu cho Thiên Chúa. Được ít lâu sau, Mẹ lại lên đường đưa Hài Nhi Giêsu qua Ai Cập để trốn vua Hê-rô-đê. Khi bị lạc bé Giêsu, Mẹ đã phải mất ba ngày vất vả ngược xuôi tìm con. Và rồi, Mẹ lại cùng Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới Cana. Mẹ cũng đã lên đường thăm Chúa Giêsu khi Ngài đi rao giảng. Cuối cùng, Mẹ đã theo Chúa Giêsu đến tận Núi Sọ, chứng kiến những giây phút đau đớn cùng cực của Chúa Giêsu và nhận lấy những người con mà Chúa Giêsu trao lại cho Mẹ. Nếu người tông đồ truyền giáo là người ra đi đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho mọi người thì Mẹ cũng đã luôn lên đường, cùng đi với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường. Dù ở nơi đâu Mẹ cũng hiện diện với Chúa Giêsu – Con của Mẹ. Vinh quang của Mẹ không phải là một cái gì khác nhưng là ánh quang được liên kết với vinh quang của chính Chúa Giêsu. Chính vì điều đó, Mẹ xứng đáng được gọi là vị tông đồ truyền giáo vĩ đại nhất của Thiên Chúa.

Mẹ Maria không dừng lại ở nét trở nên giống Chúa Giêsu trong việc luôn sẵn sàng lên đường, nhưng Mẹ còn là mẫu gương cho các nhà truyền giáo qua việc Mẹ đã phác họa lại nơi bản thân Mẹ về đối tượng và mục đích trong các cuộc hành trình mà Chúa Giêsu nhắm đến.

Chúa Giêsu đã chọn đến với những người có hoàn cảnh khó khăn và những người nghèo khổ và những người tội lỗi. Khi lên đền thánh Giêrusalem, Chúa Giêsu nhận ra có sự phân biệt: gian trên dành cho các chức sắc; gian giữa dành cho đàn ông Do Thái; gian cuối dành cho phụ nữ và trẻ con; ngoài hè dành cho các người ngoại giáo, các kẻ tội lỗi và những ai tàn tật. Chúa Giêsu đã không chọn ở lại gian trung tâm hay bất kỳ gian nào khác trong đền thánh, nhưng Ngài đã chọn đến hành lang nơi có những người ngoại giáo, các kẻ tội lỗi, những người khiếm khuyết thể lý và bệnh tật. Chúa Giêsu đã gần gũi với họ để chia sẻ nỗi đau của họ, để cho họ thấy trước mặt Chúa không có sự ưu tiên, không có khoảng cách và phân biệt đối xử. Quan trọng, Chúa muốn cho họ thấy Ngài rất thương họ và tình thương đó là vô cùng vô hạn. Thương đến đổ những giọt máu cuối cùng và hiến cả mạng sống để chết thay cho họ.

Mẹ Maria cũng đã hướng đến những người có hoàn cảnh khó khăn và nghèo khổ như Chúa Giêsu đã làm. Trong biến cố truyền tin, sứ thần báo cho Mẹ biết việc chị họ là bà Elisabet đang mang thai. Như vậy, Mẹ đã không nhận từ thiên thần sứ mạng phải đến với bà Elisabet. Hơn nữa ngay quãng thời gian đó, Mẹ có rất nhiều lý do để tự cho phép Mẹ ở lại Nazareth: Mẹ chẳng phải chuẩn bị cho ngày con trào đời, chẳng phải tránh mọi sự bất cẩn và mệt nhọc quá mức, chẳng phải thu xếp vấn đề gia đình tế nhị với Giuse và lo dọn về nhà mới của mình đó sao? Nhưng không một lý do nào trong số đó đã có thể khiến Mẹ trì hoãn việc đến với chị họ Elisabeth. Mẹ biết với não trạng phân biệt đối xử và thành kiến của người Do Thái khi cho rằng phụ nữ không thể sinh con đó là do họ phạm tội, bị Thiên Chúa trừng phạt thì bà Elisabeth đã phải chịu nhiều đau khổ và nhục nhã. Trước hoàn cảnh đó, tự bản thân Mẹ thấy mình có bổn phận đến để giúp đỡ người chị họ của mình. Vì vậy, Mẹ đã vội vã lên đường, không ngại vất vả để đến với bà Elisabet.

Trong phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu tại Cana cũng nói lên sự quan tâm tha thiết của Mẹ đến với tầng lớp nghèo. Mẹ đã không sống như một vị ẩn tu, Mẹ đã hòa mình vào xã hội của đồng loại mình và sung sướng khi được liên lỉ sống giữa họ. Mẹ cũng bị cám dỗ sống co rút trong đời sống riêng tư của mình, rút lui khỏi môi trường có quá nhiều thị phi. Nhưng Mẹ đã đẩy lui cơn cám dỗ ấy, Mẹ đã ở lại trong môi trường ấy mà không cau mày nhăn mặt, Mẹ không ngại giao tiếp với mọi người. Mẹ mong muốn được tiếp xúc với mọi người để hiểu biết và quý mến họ. Mẹ luôn giúp đỡ họ và gây được ảnh hưởng trên họ. Việc Thiên Chúa luôn ưu ái những kẻ thuộc thân phận thấp hèn đã khích lệ Mẹ trong việc yêu thương họ, Mẹ đã quan tâm tha thiết đến giới nghèo. Đó là lý do khiến Mẹ hiện diện tại tiệc cưới Cana.

Với hai biến cố trên, chúng ta thấy Mẹ là hình ảnh sống động cho một đức mến hy sinh, tin tưởng và chịu đựng tất cả. Mẹ đáng được phục vụ nhưng Mẹ lại trở nên người phục vụ. Mẹ đã ở lại với bà Elisabet gần ba tháng cho tới lúc bà sinh nở. Tất cả những việc trong nhà hẳn Mẹ đã tận tâm giúp đỡ. Trong một dịp khác, tại tiệc cưới tại Cana, nhờ sự hiện diện và lời chuyển cầu của Mẹ mà gia chủ và đôi tân hôn đã được cứu nguy vào thời điểm khó khăn nhất trong ngày cưới. Mẹ không giữ lại niềm vui Chúa ban cho riêng Mẹ nhưng Mẹ đã mang niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

Ngày nay, Mẹ vẫn tiếp tục ra đi, đồng hành và giúp đỡ con cái của Mẹ vào những lúc khó khăn nhất của cuộc sống dương gian. Bằng những cuộc hiện ra ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, Mẹ đã đi thăm viếng và tuôn đổ muôn phúc lành của Chúa cho con cái của Mẹ. Những cuộc hiện ra của Mẹ còn minh chứng một điều rằng: Mẹ luôn đồng hành với con cái của Mẹ trên những bước thăng bước trầm của cuộc sống. Ở nhiều nơi khác nhau như Fatima, Lộ Đức, La Vang.

Mẹ là một kí ức sống động về Chúa Giêsu trong việc truyền giáo. Như Chúa Giêsu, Mẹ cũng đã đi đến những vùng khó khăn và nghèo khổ để phục vụ, để mang niềm vui, hạnh phúc và tình yêu của Chúa cho mọi người. Trước khi Chúa Giêsu về trời Ngài đã nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 15). Ước gì chúng ta cũng biết lên đường như Mẹ để đáp lại tiếng Chúa mỗi ngày, dù đó là đoạn đường âm thầm, dù đó là đoạn đường đầy nước mắt và hy sinh, dù đó là đoạn đường đau khổ của đoạn tuyệt chia ly để chúng ta trở thành đoạn đường khiêm hạ đưa mọi người đến gặp Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm trở thành những nhà truyền giáo bằng chính lối sống gương mẫu của mình như Mẹ Maria xưa kia. Nhìn lên mẫu gương truyền giáo của Mẹ Maria, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước: Hãy khởi đi từ những điều nhỏ nhất. Có khi chỉ là những cuộc viếng thăm bình thường nhưng hành trang chúng ta mang theo lại chính là Lời Chúa. Thay cho lời kết, con xin được trích dẫn lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Phanxico, như là một lời động viên cho tất cả chúng ta can đảm tiến bước trong thời đại hôm nay: “Những con đường mà Chúa muốn hoàn thành nơi chúng ta không phải được ghi sẵn trên bản đồ. Con đường đó sẽ mở ra khi chân ta bước đi. Đừng để chân trời lại trở thành rào cản mà phải là một chân trời rộng mở”. Chúa sẽ dùng anh em như một nốt nhạc làm vang lên khúc ca “Để con mang yêu thương vào nơi oán thù, mang thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Can đảm lên anh em, trên mỗi bước anh em đi luôn có Chúa đồng hành vì Chúa hứa rằng: “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Giuse Trần Vinh Quang, SDB

( Theo: https://www.facebook.com/HoiDapCongGiao/posts/591164938085334)